MU - Arsenal: Mourinho trẻ lại bảo thủ hơn Wenger già
Trong khi Arsenal đang thăng tiến trên BXH Premier League bởi sự dám chịu rủi ro từ những thay đổi của Arsene Wenger, Jose Mourinho vẫn bám lấy những nguyên tắc cũ và có một khởi đầu khó khăn ở MU.
Người già dám thay đổi
Đại chiến MU – Arsenal sắp diễn ra và Jose Mourinho sẽ lại có cuộc đối đầu với Arsene Wenger, người mới chỉ 1 lần đánh bại Mourinho trong những lần hai HLV này đụng độ nhau. Có thể trông chờ một thế trận “dựng xe bus”, chờ thời cơ phản công từ MU của Mourinho.
Wenger hiếm khi thắng được Mourinho khi đối đầu nhau
Nhưng khía cạnh chiến thuật của hai HLV đang chứng kiến một sự thay đổi riêng từ phía Arsene Wenger. Trong một thời gian dài Wenger được cho là một người bảo thủ, quá trung thành với lối chơi tấn công bóng ngắn và khiến Arsenal bị kìm hãm cơ hội đoạt nhiều chức vô địch.
Nhưng Arsenal đã có một sự thay đổi lớn trong mùa giải này. Wenger vẫn không từ bỏ lối chơi tấn công của mình, nhưng ông đã có sự điều chỉnh đáng kể khi yêu cầu các cầu thủ chơi pressing nhiều hơn. Những Alexis Sanchez, Mesut Ozil, Theo Walcott đều phải áp sát đối phương để lấy bóng ngay bên phần sân đối phương. Những đợt tấn công của Arsenal có thể bắt đầu cách khung thành đối phương 40m thay vì 80m.
Lối chơi này đã có sự hiệu quả đáng kể. Theo Walcott có một chuỗi 6 trận liên tiếp ghi bàn lẫn kiến tạo cho Arsenal từ cuối tháng 9 đến nửa sau tháng 10. Mesut Ozil có một mùa giải kỳ lạ khi anh ghi bàn nhiều hơn kiến tạo. Alexis Sanchez đã có 6 bàn và 3 kiến tạo ở Premier League mùa này. Và Arsenal đang nằm trong top 4 đội ghi bàn nhiều nhất, mặc dù họ không tạo cơ hội nhiều như năm ngoái theo một thống kê của Sky Sports.
Bên cạnh đó Wenger cũng đã mang đến một lối chơi cứng rắn hơn trước bởi những cầu thủ mà ông sử dụng. Khi Tottenham đến sân Emirates cách đây không lâu, bộ đôi trung tuyến Victor Wanyama – Mousa Dembele của Spurs phải đối đầu cặp Francis Coquelin – Granit Xhaka của Arsenal. Coquelin và Xhaka tất nhiên còn lâu mới bằng cặp Patrick Vieira – Gilberto Silva, nhưng họ còn nhiều thời gian để thành công như bậc đàn anh.
Người trẻ lại bảo thủ
Trong khi Wenger đã chịu thay đổi vì mục tiêu chiến thắng, Jose Mourinho dường như đã chiến thắng quá nhiều nên không thay đổi. Những chức vô địch Premier League đã khiến Mourinho từ chối tách ra khỏi thứ bóng đá chặt chẽ của mình, mặc dù thứ bóng đá này đã không mang lại kết quả khả quan cho Mourinho ở mùa 2015/16, khi Chelsea sa sút quá mạnh và ông bị sa thải.
Mourinho đang có khởi đầu khó khăn ở MU
Đôi lúc “hiện tượng 3 năm”, khi Mourinho không thể tại vị ở một CLB quá 3 mùa giải, đến từ chính việc Mourinho không thay đổi. Mọi đoạn kết của ông với Chelsea (cả 2 lần) và Real Madrid đều kết thúc trong sự thù hận, và ông tránh được cái kết tương tự ở Inter Milan khi kịp ra đi ngay sau mùa thứ hai giành chiến thắng vang dội.
Bóng đá đôi lúc cũng như kinh doanh, và HLV trưởng phải dám chịu rủi ro để thay đổi như các doanh nhân thành công. Khi Juventus đoạt 3 chức vô địch Serie A ở cuối thập niên 1990, Marcello Lippi mỗi mùa dùng một sơ đồ, lần đầu vô địch với đội hình 4-3-3 (hàng công Vialli – Ravanelli – Del Piero/Baggio), lần thứ hai là đội hình 4-3-1-2 (Zidane đá đằng sau Del Piero – Vieri) và mùa thứ 3 là 3-4-1-2 (Zidane đằng sau Del Piero – Inzaghi).
Thậm chí không nói quá khứ xa, gần đây sự dám thay đổi của Antonio Conte đã làm biến chuyển bộ mặt Chelsea. Sau trận thua bạc nhược 0-3 trước Arsenal, ông lập tức chuyển sang sơ đồ 3 hậu vệ và "The Blues" thắng liên tiếp để ngoi trở lại top 4 một cách nhanh chóng.
Jose Mourinho đã từng thành công với Porto, Chelsea và Inter Milan cùng sơ đồ 4-2-3-1 và đến tận bây giờ “Người đặc biệt” vẫn áp dụng sơ đồ này cho một đội bóng không thiếu tài năng ở mặt trận tấn công như MU. Thứ bóng đá hiện tại của Mourinho chẳng khá hơn của Louis Van Gaal là bao, thậm chí còn kém hấp dẫn hơn MU của những năm cuối triều đại Sir Alex Ferguson.
Chúng ta hẳn chưa quên những chiến thắng muộn kịch tính của MU dẫn đến hiện tượng “Fergie Time”. Khi Sir Alex có một loạt bài phỏng vấn cho trường kinh tế Harvard vào năm 2012, ông liệt kê ra 8 yếu tố thành công mà một trong số đó là sự sẵn sàng chịu rủi ro.
Khó có thể coi Mourinho là người "kế tục" Sir Alex
Ông nói: “Chiến thắng là bản chất của tôi, kể cả nếu tôi mất 5 cầu thủ vì chấn thương thì tôi vẫn muốn thắng. Hãy nhìn vào các trận đấu của tôi: Nếu chúng tôi bị dẫn trước trong 15 phút cuối, tôi sẵn sàng tung thêm cầu thủ tấn công mà không quan tâm đến phòng ngự. Nếu chúng tôi thắng, đó sẽ là một cảm xúc tuyệt vời, còn nếu thua thì đằng nào chúng tôi cũng đã thua”.
Với trận gặp Arsenal sắp diễn ra, liệu Jose Mourinho có dám chịu rủi ro? Có dám ném tất cả những gì mình có để tìm một thắng lợi như Sir Alex, hay sẽ lại chơi lá bài an toàn quen thuộc và mang đến một trận cầu tẻ nhạt, chứ chưa chắc chiến thắng?