Mourinho trở lại có tốt cho Chelsea?
Jose Mourinho đã bị bắt gặp khi bí mật đến Stamford Bridge, và theo báo chí Anh thì ngày ông trở lại không còn xa. Đây liệu có phải là điều tốt cho Chelsea?
Từ câu chuyện "di sản bóng đá"
Di sản là các giá trị vật chất hoặc tinh thần được để lại, và "di sản" trong bóng đá có thể là một lối chơi, một phương pháp làm bóng đá (cách kinh doanh, đào tạo cầu thủ trẻ), hoặc rộng hơn là văn hóa bóng đá, thứ có thể bao trùm lên tất cả các hoạt động của một đội bóng.
Người có điều kiện tốt nhất để tạo ra một "di sản bóng đá" là HLV trưởng, và nếu là một nhà quản lý (Manager), người vừa có trách nhiệm quán xuyến chuyên môn lẫn các hoạt động quản trị đội bóng, giống như quan niệm của bóng đá Anh thì càng tốt. Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian, sự kiên định của HLV ấy và cả sự kiên nhẫn của Ban lãnh đạo.
Chính vì thế, thế giới có rất nhiều HLV giỏi, nhưng HLV tạo ra một "di sản bóng đá" đích thực cho một đội bóng thì rất ít, và HLV tạo ra một "di sản bóng đá" cho thế giới, được mệnh danh là những nhà tư tưởng vĩ đại của bóng đá, lại càng hiếm.
Valeriy Lobanovskiy chưa từng giành Cúp C1 châu Âu, danh hiệu đáng giá nhất của bóng đá cựu lục địa, nhưng lối chơi pressing do ông đặt nền tảng sau hàng chục năm vẫn được áp dụng rộng rãi đối với bất kỳ đội bóng chơi tấn công nào. Tương tự là Rinus Michel với bóng đá tổng lực, và Johan Cruyff với triết lý cầm bóng và thông điệp hàm chứa trong những đường chuyền.
HLV Arsene Wenger đã trải qua 7 năm trắng tay liên tiếp cùng Arsenal, nhưng ngay cả khi rời đội bóng này mà không chấm dứt được tình trạng ấy, thì ông cũng đã để lại một "di sản" lớn về phương pháp làm bóng đá, từ cách thức kinh doanh, duy trì tài chính bền vững và cả hệ thống phát triển cầu thủ trẻ với mạng lưới rải khắp toàn cầu.
Các đội bóng được thừa hưởng những "di sản" tinh túy và bền vững vẫn phát triển sau khi HLV làm ra "di sản" ấy ra đi, tất nhiên là với điều kiện HLV đi sau kế thừa và phát huy được "di sản" ấy. Đội bóng số một thế giới Barcelona là ví dụ rõ ràng nhất: 25 năm trước, Johann Cruyff mang đến đây triết lý cầm bóng và tấn công tổng lực, đồng thời phát triển lò La Masia một cách thống nhất với triết lý ấy. Pep Guardiola, học trò của ông Cruyff, là người kế thừa và đẩy mạnh những tinh hoa của Cruyff để lại, để tạo ra một đội Barca thành công như hiện tại.
Mourinho là HLV của các danh hiệu nhưng ông không để lại di sản nào
Jose Mourinho không phải là một HLV tạo ra "di sản"
Ông Jose Mourinho tuyên bố muốn trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử giành Champions League với 3 CLB khác nhau, nhưng ngay cả khi kỳ tích ấy được hoàn thành, thì cái ông để lại cho các CLB mình đã dẫn dắt nói riêng và bóng đá nói chung là con số 0.
Mourinho là một HLV cực kỳ xuất sắc về chiến thuật và có khả năng đánh bại bất kỳ HLV nào trong một cuộc chiến tay đôi. Nhưng nói ông chỉ là HLV của 90 phút cũng không sai. Sau khi trổ hết tinh hoa trên sân để giành thắng lợi bằng mọi giá, ông không để lại gì cho đội bóng ngoài những phát ngôn công kích và đổ lỗi: Các cầu thủ trẻ không phát triển dưới tay Mourinho, lò đào tạo CLB bị xem nhẹ trong triều đại của ông, và đội bóng, dù chiến thắng, vẫn không xây dựng được một phong cách rõ rệt, vì nó nhắm đến chiến thắng một cách thực dụng, không phải nhắm đến việc tạo ra bản sắc.
Điều đó giải thích tại sao các CLB Mourinho từng dẫn dắt đều suy sụp rất nhanh chóng sau khi ông ra đi. Chelsea và Inter Milan tưởng như kết dính rất chặt chẽ dưới sự quản lý của ông, nhưng khi thiếu đi thủ thuật của HLV này, các tập thể ấy nhanh chóng tan rã, vì ông đã không tạo ra một giá trị thấm nhuần nào cho tập thể ấy, để nó có thể tự thân hành động bằng "di sản" được để lại.
Thậm chí, Mourinho còn có khuynh hướng sẵn sàng phá tan những "di sản" đã trở thành truyền thống để củng cố quyền lực của ông, giống như những gì đã làm ở Madrid: Sẵn sàng cho đội bóng chơi bạo lực để giành chiến thắng, ứng xử thô bạo (vụ móc mắt Tito Vilanova), trái với phong cách hào hoa và lịch lãm của đội bóng Hoàng gia.
HLV người Bồ không thể là người tạo ra một "di sản bóng đá", với phương pháp là tập hợp những thủ thuật mang tính kích thích ngắn hạn và đem về thành công ngắn hạn, không hề xây dựng được bản sắc.
Chelsea không hề có "di sản bóng đá"
Ông tỷ phú Roman Abramovich từ lâu ao ước xây dựng một đội bóng có lối chơi đẹp, cống hiến và được yêu mến, nhưng gieo mầm cho những giá trị ấy và chăm sóc cho nó lại là điều ông không muốn làm, và là thứ mà tiền chưa chắc đã làm được.
Vì bản chất của thành công không phải là tiền. Dùng đến 10 HLV trong 9 năm để tái tạo thành công liên tục cũng chỉ là thủ thuật, chứ không phải phương pháp thành công. Trong quãng thời gian ấy, Chelsea biến thành một con "tắc kè": Chơi phòng ngự dưới kỷ nguyên Mourinho 1.0, cân bằng dưới thời Ancelotti, tấn công dưới bàn tay Scolari, và "dở dở ương ương" trong tay Benitez.
Không có "di sản" tinh túy nào được tạo ra bởi sự thiếu kiên nhẫn, và tất nhiên, Chelsea không thể có sự kế thừa để tạo ra thành công bền vững. Dù đã giành rất nhiều Cúp trong kỷ nguyên Abramovich (trong thời gian này, họ chỉ thành công kém MU), nhưng phong cách của đội bóng này vẫn chưa được định hình sau một thập kỷ. Họ cũng không được yêu mến bằng Liverpool hay Arsenal, những đội bóng có truyền thống, nhưng khát danh hiệu đã nhiều năm. Một khi tiền của Abramovich không còn, thì Chelsea cũng không còn, vì tiền ấy không tạo ra được giá trị tự thân nào cho họ phát triển trong tương lai.
Mourinho có thể giúp Chelsea tìm lại vinh quang
Như "cá gặp nước"
Nếu trở lại Chelsea, Mourinho sẽ trở lại với một môi trường mà ông được thoải mái phát huy các thủ thuật của mình: Ông sẽ được tự do "chọc mắt" người khác, phát ngôn tùy tiện, và áp dụng bất kỳ lối chơi nào, kể cả phản bóng đá, mà không vấp phải sự phản kháng từ truyền thống như những gì đang diễn ra ở Madrid.
Nếu đón nhận Mourinho, Chelsea của Abramovich có thể sẽ bước vào một chu kỳ thành công mới, vì đây là HLV sử dụng tiền để tạo ra thành công tức thời tốt nhất của bóng đá đương đại.
Nhưng một đội bóng không có "di sản" sẽ càng rỗng ruột hơn khi kết hợp với một HLV không hề quan tâm đến việc tạo ra giá trị bền vững nào cho đội bóng ông ta dẫn dắt, mà chỉ lo đánh bóng bản thân và củng cố quyền lực bằng mọi cách.
Mourinho trở lại có thể là điều tốt cho những khoảng trống chưa lấp đầy trong phòng truyền thống Chelsea, nhưng truyền thống của đội bóng này sẽ tiếp tục bị bỏ quên. Nhiều năm về sau, những danh hiệu "ăn xổi" này của Chelsea có thể bị lãng quên, vì nó không gắn với một giá trị cụ thể nào.
Và vì một HLV có thể không giành được quá nhiều danh hiệu nhưng vẫn được bóng đá thế giới dựng tượng tưởng niệm (Lobanovskiy chẳng hạn) vì tư tưởng truyền đến hàng chục năm sau. Cũng như những chiếc Cúp thì có thể bị phủ bụi, nhưng bản sắc của một đội bóng thì không bao giờ.