Mourinho sắp tới MU: Hội chứng 3 năm và mớ hỗn độn
Jose Mourinho được biết đến là đã không gắn bó với CLB nào quá lâu và ở vài điểm dừng đã để lại một sự hỗn loạn khi ra đi.
Jose Mourinho có thể sẽ trở thành HLV trưởng của MU trong không lâu nữa sau khi Louis Van Gaal bị sa thải. Chắc chắn sẽ có người nghi ngại về Mourinho bởi tai tiếng của “Người đặc biệt” là đi đến đâu thì khiến nội bộ đội bóng hục hặc đến đó.
Jose Mourinho
Quả thực những chuyện này đã xảy ra ở Chelsea và Real Madrid, nó góp phần khiến Mourinho bị xem là một “HLV 3 năm”, không bao giờ ở quá lâu với một CLB. Nhưng quá khứ cho thấy Mourinho không phải người đầu tiên và duy nhất tạo ra hiện tượng ấy.
Helenio Herrera – “Ông trùm” của Grande Inter
Khi Helenio Herrera đến huấn luyện Inter Milan năm 1960, chiến thuật phòng ngự Catenaccio của ông trở nên lừng danh Italia. Herrera mô tả như sau: “Phòng ngự số đông ở phía sau, khi phản công là lập tức đẩy bóng thật nhanh lên trên. Không có thì giờ để rê dắt bóng”.
Herrera đưa Inter tới 3 chức vô địch Serie A và 2 cúp C1 châu Âu trong 8 năm ở Inter. Mặc dù đã tạo nên đội hình “Grande Inter” vĩ đại, nhưng Herrera bị cho là quá đà trong quá trình đi tìm chiến thắng. Trước mỗi trận đấu 3 ngày, Herrera đều tập trung cầu thủ tại một khách sạn biệt lập và tập huấn cầu thủ trong những bài tập vắt kiệt sức (bao gồm cả leo núi).
Helenio Herrera
Herrera kiểm soát hoạt động ăn uống của cầu thủ và thậm chí khi phát biểu họp báo. Một cầu thủ từng nói: “Chúng tôi tới Rome để thi đấu”, thay vì yêu cầu của Herrera là “Chúng tôi tới Rome để chiến thắng”. Cầu thủ đó bị đẩy khỏi đội hình.
Rốt cuộc, các cầu thủ Inter đạt tới giới hạn chịu đựng và vào năm 1968, Herrera rời sang Roma sau khi không còn kiểm soát được các học trò. Herrera không giành được thành công nào lớn như Inter trong phần còn lại của sự nghiệp.
Trung vệ Tarcisio Burgnich sau này nói: “3 ngày trước mỗi trận đấu, chúng tôi ở trong khách sạn và không thấy một ai ngoài HLV và các cầu thủ, không được gặp hay nói chuyện vợ con hay người thân. Một người bình thường cũng sẽ phải phát điên, còn chúng tôi sau vài năm đã quen với điều đó, nhưng ai cũng có điểm chịu đựng tối đa về mặt tâm lý”.
Arrigo Sacchi & Fabio Capello
Sau Helenio Herrera, bóng đá Italia chứng kiến hai HLV theo xu hướng phòng ngự khác nổi lên ở bên kia thành Milano. Arrigo Sacchi từ chỗ một người bán giày đã trở thành HLV trưởng AC Milan giai đoạn 1987 – 1991 và đoạt 8 chức vô địch tại đây, trước khi rời Milan và nhường lại cho trợ lý Fabio Capello.
Sacchi cũng như Herrera, hết sức chú trọng tới tiểu tiết và đề cao sự nỗ lực tuyệt đối trong phòng ngự từ tất cả các cầu thủ. Nhưng khác Herrera, Sacchi áp dụng đội hình 4-4-2 dâng cao hơn, đòi hỏi tiền vệ và tiền đạo phải đuổi theo tranh bóng ngay bên sân đối phương.
Sacchi & Capello
Mặc dù thành công lớn tại Milan, Sacchi ra đi năm 1991 khi mâu thuẫn với các trụ cột lên đỉnh điểm, nhất là với Marco Van Basten. Capello kế vị và thay đổi chiến thuật theo đúng cách mà Mourinho bây giờ áp dụng: “Dựng xe bus” bên sân nhà, đặc biệt sau khi có bàn thắng sớm. AC Milan 1993/94 vẫn được xem là đội bóng phòng ngự số 1 trong lịch sử: 8 trận hòa 0-0, 9 trận thắng 1-0, chỉ 15 bàn thua.
Nhưng vào năm 1996, Capello biết đã đến lúc phải đi khi các cầu thủ cũng đã kiệt quệ về tinh thần khi phải chấp hành các chỉ thị của ông. Capello sang dẫn dắt Real Madrid và vô địch La Liga, nhưng bỏ đi sau 1 mùa vì “bóng đá xấu” (điều tương tự lặp lại 10 năm sau).
Tương lai nào cho Mourinho?
Các CĐV MU cũng nên chờ đợi sự rệu rã tâm lý từ cầu thủ sau một thời gian chơi thứ bóng đá của Mourinho. Chelsea mùa này (nhất là bình luận: “Tôi quên mất cách đá bóng dưới thời Mourinho” của Fabregas) là minh chứng điển hình.
Vậy còn “hội chứng 3 năm”? Sau khi Herrera, Sacchi và Capello lần lượt rời hai đội bóng thành Milan, những điểm dừng tiếp theo của họ không kéo dài được lâu. Capello được xem là ngoại lệ khi có 5 năm thành công ở AS Roma, đoạt Scudetto năm 2001.
Mourinho bị sa thải ở Chelsea
Nhưng Roma là một CLB nhỏ hơn hai đại gia Milan và Juventus nên sau 5 năm Capello biết mình đã đưa Roma đi xa nhất có thể. Áp đặt triết lý bóng đá lên một đội bóng nhỏ luôn dễ hơn nhiều vì cầu thủ không có cái tôi lớn để cãi HLV, có thể xem đây là lý do Diego Simeone vẫn thành công với Atletico Madrid lúc này.
Còn MU là một CLB lớn nên tình thế sẽ phải khác. Liệu Mourinho có đủ linh hoạt trong đối nhân xử thế để khiến các cầu thủ luôn tận tụy vì mình, và liệu ban lãnh đạo MU có luôn sẵn sàng ủng hộ Mourinho và loại bỏ những thành phần nổi loạn ra khỏi đội bóng?
Cái bất lợi của Mourinho hay những HLV như ông sẽ luôn là vậy, ông sẽ mang danh hiệu tới cho CLB sở hữu mình nhưng cũng sẽ khiến cầu thủ "hóa điên". Nhưng MU lúc này đang cần những chức vô địch, do đó Mourinho sắp được thuê.