Mourinho - MU: Cái bắt tay của quỷ
“Một đám cưới trên thiên đường” (marriage made in heaven) là những từ ngữ bóng bẩy mà báo chí mô tả cuộc hôn phối giữa Jose Mourinho và Manchester United. Cách nói ấy liệu có đúng hay không, hay giữa Mourinho và MU chỉ đơn thuần là cái bắt tay của quỷ dữ?
Đám cưới trên thiên đường hay đám cưới vì lợi ích?
MU lúc này cần Mourinho giống như Roman Abramovich cần Mourinho năm 2004. Tỷ phú người Nga khi ấy mời Mourinho lên chiếc du thuyền sang trọng dạo chơi Monte Carlo để thuyết phục ông về Stamford Bridge. MU bây giờ cũng sẵn sàng gửi "lời cầu hôn" như thế.
Bài tính của nhà Glazer và Ed Woodward rất rõ ràng. MU có tiền phục vụ Mourinho mua sắm để đổi lấy chiến thắng và danh hiệu, những thứ giúp đánh bóng thương hiệu CLB. Và rồi thương hiệu lại đổi ra tiền.
Đôi bên cùng có lợi
Đó là một đám cưới vì lợi ích (marriage of convenience) hơn là một đám cưới trên thiên đường. Họ bắt tay nhau giống như Richard Nixon bắt tay Mao Trạch Đông vào năm 1972.
Nhưng chúng ta đều biết, giá trị lớn nhất của Man United không phải là giá trị thương mại, không bao giờ là giá trị thương mại.
Giá trị của Man United là giá trị của lịch sử, của truyền thống và lòng trung thành...
Là giá trị của Sir Matts Busby và Sir Alex Ferguson, những con người có tổng cộng hơn 50 năm làm HLV trưởng.
Là giá trị của nhóm "United Trinity" (Bobby Charlton, Georges Best, Denis Law) trình diễn thứ bóng đá siêu hạng và lần lượt đoạt QBV.
Là giá trị của “những đứa trẻ nhà Busby” (Busby babes), của “bầy chim non của Fergie” (Fergie's Fledglings).
Là giá trị của đêm Hè Wembley 1968. Của cú ăn ba huyền thoại năm 1999. Của đêm Camp Nou huyền diệu với 2 bàn thắng trong 102 giây, nơi Alex Ferguson có câu nói để đời: "Ôi bóng đá, địa ngục đẫm máu!"
Lịch sử United là lịch sử của thảm họa Munich bi thương nhưng không kém phần tráng lệ mà từ đống tro tàn của đổ nát, MU tái sinh như chim phượng hoàng để rồi 10 năm sau đoạt Cúp C1 châu Âu.
Ngày hôm qua (26/5), MU kỷ niệm tròn 17 năm vô địch Champions League 1999. Trong bức ảnh mừng chiến thắng ngày ấy có Beckham, Giggs, Scholes, Butt, anh em Nevilles và Wes Brown, những cầu thủ do đội bóng đào tạo.
MU đã có 79 năm với gần 4.000 trận đấu liên tiếp có ít nhất một cầu thủ tự đào tạo trong đội hình, kéo dài từ trước Thế Chiến II tới nay. Louis van Gaal vẫn biết cách phát huy bản sắc ấy nhưng với Mourinho, mọi thứ sẽ rất khác.
Man United nhạt màu và có một thứ gì đó đang chết đi.