Mourinho đang “Man City hóa” MU, nhưng đã sao?
Giữa một rừng những bài báo tâng bốc, những lời tán dương khúc dạo đầu mãnh liệt của Manchester United, người ta vẫn không thể lãng quên một chi tiết: trận thắng Southampton ở vòng 2 Premier League là lần đầu tiên sau 29 năm “Quỷ đỏ” thi đấu trên sân nhà mà thiếu vắng một người, Ryan Giggs.
MU đang đổi thay
Giggs gia nhập lò đào tạo trẻ trứ danh của United vào ngày 29/11/1987 khi còn học trung học. Trước đó vài ngày, chàng thiếu niên người xứ Wales đã thăm sân Old Trafford và xem trận đấu MU hòa Liverpool 1-1.
Kể từ ấy, Giggs đã trở thành một phần lịch sử của “Quỷ đỏ”. Anh lên đội 1 năm 1991, giành 13 chức vô địch Premier League và 2 danh hiệu Champions League. Anh giải nghệ năm 2014 để sắm vai HLV trưởng tạm quyền trước khi làm trợ lý cho HLV David Moyes rồi Van Gaal. Hè này Giggs quyết định ra đi và một phần lịch sử khép lại.
Lần đầu tiên sau 29 năm, “Quỷ đỏ” thi đấu trên sân nhà mà thiếu vắng Ryan Giggs
Men say chiến thắng đến từ triều đại mới của Mourinho vẫn chưa thể xua đi cảm giác chua xót trong lòng những CĐV trung thành khi chứng kiến các ngôi sao trẻ lũ lượt ra đi: McNair, Varela, Januzaj, Wilson và sắp tới có thể thêm viên ngọc sáng giá nhất Andreas Pereira.
Hãy xem những gương mặt nào đang gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Đó là Eric Bailly, Paul Pogba, và Zlatan Ibrahimovic. 3 cái tên ấy dàn đều 3 tuyến và đều là những tân binh được Mourinho đưa về. Sân Old Trafford đang chứng kiến làn sóng các “Galactico” thay thế những gương mặt “home-grown” (các cầu thủ “cây nhà lá vườn”). MU đang dùng tiền mua danh hiệu, hệt cái cách họ từng mai mỉa Man City!
MU dưới thời Sir Alex Ferguson chưa bao giờ là kẻ đi mua chiến thắng. Quỹ lương của họ chỉ đứng thứ 3 ở giải Ngoại hạng, thấp hơn 2 gã nhà giàu Man City và Chelsea. Mùa bóng 2011-12, tiền trả lương chỉ chiếm 51% doanh số của “Quỷ đỏ” - tỷ lệ thấp thứ hai trong 20 đội ở Premier League. Ở thời điểm Sir Alex giải nghệ thì 4 trong 5 bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử MU được thực hiện trước khi nhà Glazer tiếp quản.
Cầu thủ giỏi phải hưởng lương cao
3 năm sau khi Sir Alex rút lui, MU đã hoàn toàn đổi khác. Kỷ lục chuyển nhượng của họ đã bị phá vỡ tới 3 lần. Quỹ lương của MU cũng phình to nhất Premiership sau khi họ dùng lương khủng để trói chân Rooney và mời gọi các ngôi sao Pogba, Ibra về Old Trafford.
MU đã đổi thay nhưng đó là sự đổi thay không thể cưỡng lại được trong dòng chảy tự nhiên của bóng đá. Những người như Sir Alex cả trăm năm mới xuất hiện một lần và MU không thể bám mãi vào một mô hình cũ kỹ. Thất bại với David Moyes đã buộc họ phải nhìn nhận lại cách thức làm bóng đá của mình.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn thường giữ một quan điểm (hoặc một định kiến) rằng bóng đá đích thực không nên bị thương mại hóa, và rằng các cầu thủ không nên được trả quá nhiều tiền.
Quan điểm/định kiến ấy liệu có chính xác hay không? Trên hết, nó có công bằng hay không, khi mà các diễn viên Hollywood có thể kiếm vài chục triệu USD tiền cát-xê cho một bộ phim, hay tay đấm như Floyd Mayweather bỏ túi ngót trăm triệu USD mỗi lần thượng đài?
Giữa Mayweather và Ibrahimovic ai tài năng hơn, ai khổ luyện hơn? Chưa biết được. Nhưng có một điều chắc chắn, mỗi trận đấu của Mayweather chỉ phục vụ vài nghìn khán giả và khoảng trăm triệu người xem qua truyền hình, trong khi Ibrahimovic phục vụ 76.000 khán giả ở Old Trafford và hàng tỷ khán giả xem qua tivi.
Dĩ nhiên, sự phát triển nóng của những đội như MU luôn dấy lên lo ngại. Từ 8 năm trước, khi MU gặp Chelsea ở chung kết Champions League thì hai đội đã nợ tổng cộng 3 tỷ USD. Bởi thế mà ông Michel Platini khi chưa bị đình chỉ chức chủ tịch UEFA đã “đẻ” ra cái gọi là Luật Công bằng tài chính (UEFA Financial Fair Play - gọi tắt là FFP) để ngăn chặn.
Tuy nhiên người ta chứng minh được rằng FFP đi ngược lại các quy luật của kinh tế thị trường và bởi thế nó “chết yểu”. Hiện chưa rõ khi nào FFP được thực thi hoàn toàn, trong khi tác giả Platini thì đã bị “rút thẻ đỏ”.
Các ngôi sao của MU khiến giải đấu hấp dẫn hơn
Giải Ngoại hạng hấp dẫn nhờ MU
Những người như Michel Platini ghét sự hào nhoáng của giải Ngoại hạng. Họ lo ngại về việc quá nửa số CLB Premier League đã sang tay ông chủ ngoại - những người có thể bỏ cuộc bất kỳ lúc nào. Họ rùng mình khi thấy các CLB Anh quẳng số tiền không thể tin nổi để mua những cầu thủ không tương xứng...
Nhưng có một điều mà Platini không hiểu được, đó là: khán giả thích điều đó, đặc biệt là khán giả ngoại quốc. Họ thích sự hào nhoáng của Premiership. Họ thích những ông chủ hào phóng. Họ thích nụ cười của Abramovich, thích sự bí hiểm của các ông chủ Man United và Man City. Họ hứng thú với các ngôi sao hưởng lương ngất ngưởng...
Trong giai đoạn 2010-2013, Premier League đã kiếm được 1,44 tỷ bảng từ bán bản quyền truyền hình ra nước ngoài, cao gấp 4 lần La Liga, gấp 6 lần Serie A, gấp 14 lần Bundesliga. MU đâu có điên! 19 đội còn lại đâu có điên!
Về phía người Anh, họ phản ứng ra sao khi thấy các đội bóng lần lượt bị sang tay các ông chủ ngoại quốc? Họ không quá bận lòng bởi Rolls-Royce, một niềm tự hào quốc gia cũng bị bán đó thôi.
Suy cho cùng thì mục đích lớn nhất của bóng đá là để giải trí. Hãy cứ tận hưởng những bàn thắng của Ibra, những pha đi bóng ảo diệu của Pogba hay những cú tắc của Bailly... MU có bị “Man City hóa” cũng không phải chuyện hệ trọng nếu đó là một MU đẹp mắt và biết chiến thắng!
Luật Công bằng tài chính bị chính những nhà quản lý bóng đá phản đối. Chẳng hạn 3 năm trước, ông Sepp Blatter khi ấy là chủ tịch FIFA trong một bài phỏng vấn đã chỉ ra rằng FFP vô lý ngay từ cái tên của nó. “Không thể “play” (chơi) với “Financial” (tài chính) được, nó chỉ dành cho dân cờ bạc”, Blatter công kích. Theo cựu chủ tịch FIFA, FFP sẽ đánh vào túi tiền của các cầu thủ, đối tượng gần như làm việc cần cù cả năm và thường chơi 2 trận/tuần trong khi thu nhập chỉ ngang một siêu sao ca nhạc mỗi năm diễn 4-5 show. |
Video hàng công hứa hẹn của MU (nguồn VTV):
* Một vài số liệu trong bài tham khảo từ các tạp chí The Blizzard và Financial Times.