Mourinho có thực sự “phản bóng đá” không?
“Phản bóng đá” là cái mác dư luận gán cho Jose Mourinho. Thế nhưng những con số bàn thắng lại cho một cái nhìn khác về khả năng tấn công thực sự của HLV này.
Đã tròn 10 năm kể từ lần đầu Jose Mourinho đến Chelsea. 10 năm ấy ông đã đặt tên mình lên bản đồ bóng đá thế giới theo những cách mạnh mẽ nhất, không chỉ trong phòng họp báo mà cả trong phòng thay đồ và trên sân bóng. Thực ra ông đã đặt tên lên bản đồ bóng đá khi Porto vô địch Champions League, nhưng Chelsea là dự án đình đám thực sự của “Người đặc biệt”.
“Oan” cho Mourinho
Bất chấp sự chỉ trích của dư luận, rằng Jose Mourinho là một HLV “phản bóng đá”, chú trọng phòng ngự và chơi rắn, những đội bóng mà Mou dẫn dắt đều đứng nhất hoặc đứng nhì mỗi năm về số bàn thắng ở giải VĐQG.
Mourinho không “phản bóng đá” như nhiều người nghĩ
Thống kê chi tiết như sau: Mùa giải 2004/05 và 2005/06, Chelsea cùng ghi 72 bàn (đứng sau 87 bàn của Arsenal trong mùa 2004/05, và ngang bằng MU mùa 2005/06). Mùa 2006/07, Chelsea có 64 bàn và đứng sau 83 bàn của MU. Ở Inter Milan, Mourinho dẫn đầu số bàn thắng trong 2 mùa 2008/09 (70 bàn, ngang Milan) và 2009/10 (75 bàn). Với Real Madrid, Mourinho đưa Real tới 2 mùa 2010/11 (102 bàn) và 2011/12 (121 bàn) đứng đầu về bàn thắng ở La Liga trước khi tụt xuống thứ hai ở mùa 2012/13 (103 bàn, sau 115 bàn của Barca).
Những con số ấy cho thấy, bất chấp người ta có nói này nói nọ về phong cách của Jose Mourinho, những đội bóng mà ông dẫn dắt đều là những cỗ máy ghi bàn và sẽ bảo đảm cho khán giả nhiều bàn thắng lẫn chiến thắng.
Đừng chỉ biết trách Mourinho
Tuy nhiên, mùa giải 2013/14 đang đi đến hồi kết và triển vọng đoạt danh hiệu của Chelsea rất nhỏ nhoi. Năm đầu tiên trở lại của Mou không áp đảo bằng năm đầu tiên ông đến với CLB. Đây sẽ là lần đầu tiên một đội bóng của Mourinho không kết thúc trong top 2 về số bàn thắng ghi được (kém Liverpool và Man City). Lối chơi của Mourinho vẫn vậy, chỉ có điều năm qua Chelsea đã thi đấu với một hàng công chỉ ở mức trung bình.
Mourinho không có những tiền đạo phù hợp để xây dựng lối chơi
Khó có thể đổ lỗi cho Mourinho khi mà dự án của ông lúc này bao gồm quá nhiều thành phần cũ của những đời HLV trước. Fernando Torres là con cưng của ông chủ Roman Abramovich, một vụ chuyển nhượng giống như với Shevchenko ngày trước. Cả hai đều không còn ở đỉnh cao khi đến London: Torres đã sa sút vì vết mổ đầu gối, còn Sheva đã cao tuổi. Demba Ba là một bản hợp đồng mua vội để cứu chữa cho tình trạng khan bàn thắng đầu năm 2013, mà khi đó thì Mourinho vẫn đang ở Madrid.
Hàng tiền vệ của Chelsea có 2 chuyên gia dắt bóng. Một người đã bị tống đi vì thường xuyên khiến đội chủ nhà bị đe dọa khi đối phương phản công (Juan Mata). Người còn lại được giữ lại nhờ khả năng xoay chuyển trận đấu nhưng lại ham rê dắt khiến các pha phản công bị chậm (Eden Hazard).
Tiền đạo duy nhất Mourinho mang về, Samuel Eto’o, đã qua thời đỉnh cao phong độ và chính Mou cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào một người như thế. Điều đáng nói là ở tuổi 33 và chỉ đá 30 trận (21 trận xuất phát), Eto’o vẫn ghi được 12 bàn. Đó không chỉ là nhờ Eto’o dùng kinh nghiệm thi đấu để ghi bàn, mà còn vì chỉ thị của Mourinho: tuyệt đối hạn chế tạt bóng khi Eto’o có mặt trên sân. Trung bình số quả tạt của Chelsea mỗi trận là 21 lần, nhưng trong những trận mà Eto’o thi đấu, con số giảm mạnh còn 8 quả tạt/trận.
Cần một sự ghi nhận
Có một điều mà ít người nhận ra, đó là Mourinho mặc dù áp dụng triệt để lối chơi phòng ngự phản công, ông lại là một người có khả năng phát huy tối đa sức mạnh của các tiền đạo. Didier Drogba trở thành ngôi sao ở Chelsea nhờ lối chuyền bóng lên thẳng của Mourinho. Diego Milito tỏa sáng tại Inter vì tất cả những gì Mou yêu cầu ở anh là chọn vị trí để dứt điểm một chạm. Cũng chính Mourinho xây dựng phong cách “đánh nhanh ghi bàn nhanh” mà đến bây giờ Real Madrid vẫn áp dụng, với Cristiano Ronaldo là trung tâm. Điểm chung: không ai trong 3 tiền đạo nêu trên ghi dưới 20 bàn trong những mùa thi đấu dưới trướng Mourinho.
Nếu mua được Diego Costa, Chelsea sẽ nguy hiểm khó lường
Đó là lời giải thích vì sao những đội bóng mà Mourinho dẫn dắt đều đứng nhất/nhì ở giải VĐQG về số bàn thắng. Còn với dự án hiện tại ở Chelsea, Mou phải làm việc với những con người không như ý muốn, và kết quả thu được cũng chỉ đến được gần 70 bàn như hiện tại. Tình hình hàng công Chelsea vẫn chưa thể thay đổi được sau 12 tháng, khi tới 60% số bàn thắng vẫn là do các tiền vệ ghi.
Cứ thoải mái gắn cái mác “phản bóng đá” lên HLV người Bồ nếu chúng ta muốn, nhưng trái bóng thì không nói dối chút nào, rằng Mourinho là một trong những HLV xuất sắc nhất về phương diện tấn công, một điều nghe chừng rất phi lý.
Chelsea những trận vừa qua mới chỉ tập trung vào khía cạnh phòng ngự, còn mặt phản công vẫn yếu. Nhưng như đã nói, đó không phải lỗi của Mourinho mà là bởi ông chưa có được những con người phù hợp. Mùa Hè sắp đến, Mourinho sẽ có cơ hội tân trang đội hình như ý muốn để mang tới những kết quả tốt hơn.