Mourinho & chiêu “lấy độc trị độc”
Bóng đá đương đại đã thay đổi. Vẫn còn chỗ cho những đội chơi đẹp, nhưng đó phải là những đội đạt tới sự hoàn hảo của lối chơi để thành công như Barcelona. Nhưng một khi đã mọc ra những đội bóng như Barca, tất yếu cũng sẽ mọc ra những đội bóng “dựng xe bus” như Chelsea.
Bài học của Bobby Robson
Jose Mourinho hiểu điều đó rõ hơn ai hết. Những kiến thức học được của Mourinho hầu hết đến từ Sir Bobby Robson. Nó giải thích vì sao Mourinho lại thích phá lối chơi của đối thủ đến như thế: Chính cố HLV huyền thoại Robson cũng phá lối chơi của đội bạn khi thấy cần thiết.
Trong nhiệm kỳ làm HLV trưởng ĐT Anh của Sir Bobby Robson, ông đã nhận ra vấn đề của ĐT Anh sau các kỳ World Cup 1982 và EURO 1984. Tuyển Anh khi đó có hàng phòng ngự chơi khá rời rạc và mắc những sai lầm nghiêm trọng trong các trận đấu lớn. Tất nhiên, trong số những bàn thua đó có pha solo vĩ đại nhất trong lịch sử của Maradona tại Mexico 86.
Cố HLV Bobby Robson đã có tác động tới phong cách Mourinho
Hướng tới World Cup 1990, ĐT Anh dẫn đầu vòng loại khu vực châu Âu mà không thủng lưới dù chỉ 1 bàn thắng. Sơ đồ 4-4-2 truyền thống bị vứt đi để thay bằng 5-4-1, với một trung vệ thòng. Dư luận ở Anh chỉ trích Robson, đặc biệt sau trận hòa 1-1 trước Cộng hòa Ireland ngày ra quân tại Italia. Có người cho rằng Robson đổi cách đá do bị cầu thủ gây sức ép, nhưng ông đã đốp lại: “Tôi thay đổi, chứ không phải các cầu thủ. Tôi không hề có ý định để Van Basten và Gullitt chọc lỗ vào đội hình của chúng tôi”.
Quả thực Robson đã làm như vậy trước Hà Lan. Họ cầm hòa 0-0 trong loạt trận thứ 2 của bảng F và góp phần khiến Hà Lan - nhà ĐKVĐ châu Âu chịu đứng thứ 3 sau vòng bảng. “Cơn lốc da cam” sau đó để thua trước một đối thủ chơi còn thực dụng hơn ĐT Anh, nhà vô địch Đức, ở vòng knock-out.
Đó là bài học lớn nhất mà Sir Bobby dành cho chàng phiên dịch trẻ tuổi Mourinho. Robson chấp nhận chơi thực dụng để đưa Anh vào tới bán kết, và cầm hòa được một Hà Lan chơi Tổng lực. Khi gặp phải đối thủ quá mạnh như Hà Lan, đá sòng phẳng sẽ chỉ mang tới thất bại.
Đi trước thời đại
Barcelona ngày nay và cả Bayern Munich của Pep Guardiola cũng giống như Hà Lan của thập kỷ 1980. Cũng tấn công ép sân, cũng nặng tính nghệ thuật. Nhưng đã có Hà Lan thì có ngay ĐT Anh của Bobby Robson, và khi đã có Barcelona thì cũng sẽ có Chelsea dựng xe bus.
Sự xuất hiện của những đội bóng có lối chơi bị đánh giá là “phản bóng đá” là một quy luật tất yếu để sinh tồn. Không chỉ nhằm bảo vệ khung thành khỏi những bàn thua, các HLV ngày nay đã được khai sáng ra rằng một đội bóng càng chơi tấn công nhiều bao nhiêu thì càng dâng cao bấy nhiêu, đi kèm với đó là khoảng trống rộng rãi bên phần sân nhà để phản công.
Nhưng tại sao Mourinho luôn dẫn dắt những CLB rất mạnh về lực lượng và luôn có tiền đạo giỏi, nhưng vẫn “dựng xe bus” một cách đều đặn trước đối thủ mạnh thay vì đá đôi công?
Mourinho luôn ưu tiên phòng ngự
Chỉ có thể giải thích điều đó bằng một lập luận, rằng chính Mourinho tự cho các học trò chơi phòng ngự để ngăn cản đối phương cũng chơi phòng ngự như mình. Ông dựng xe bus để buộc đối thủ không dựng xe bus với mình. Chúng ta hãy thử lật ngược vị trí của mỗi đội bóng: nếu Chelsea là một đội có hàng công rất mạnh và đã “hủy diệt” rất nhiều đối thủ, trong khi Barcelona lại là đội yếu hơn, liệu Barca có dựng xe bus? Có, nếu Barca và Chelsea gặp nhau ở chung kết Champions League.
Nếu Mourinho đặt đội bóng mà mình dẫn dắt vào vị thế của một ông lớn quá mạnh so với phần còn lại của châu Âu, ông sẽ tự khiến công việc của mình khó khăn hơn thường lệ khi phải đối đầu với những đối thủ ngày càng khó bị đánh bại hơn vì sự chủ động phòng thủ số đông của họ. Khi đó thì việc ghi bàn rất khó thực hiện, dù Chelsea có tiền đạo giỏi đến mấy. Cứ nhìn vào Bayern đầu mùa giải này sẽ thấy rằng họ ghi bàn vất vả thế nào.
Khi thống kê tất cả các đội bóng mà Mourinho dẫn dắt từ khi khởi nghiệp đến nay, ta sẽ phát hiện ra một điều thú vị rằng mùa giải nào CLB của Mourinho cũng đứng nhất, hoặc nhì ở giải VĐQG về số bàn thắng ghi được. Thành tích ấy đạt được nhờ Mourinho chủ động áp dụng lối chơi chặt chẽ và buộc đối thủ phải mở khoảng trống ra cho cầu thủ của mình tận dụng. Mourinho đúng là không phải người thích cái đẹp trong bóng đá, nhưng bàn thắng thì luôn luôn nhiều.
Thực tế đó cho thấy, Mourinho là một người thức thời và đi trước thời đại. Đẹp không phải lúc này cũng thắng, nhưng thắng thì luôn đẹp.