Một V.League “bình đẳng” hơn
Với chiến thắng thứ 2 liên tiếp từ đầu giải, B.BD đã vươn lên lọt vào Top 5 và hoàn toàn có thể vươn cao nữa do vẫn kém một vài đội xếp trên 1 trận chưa đá. Xếp đầu bảng xếp hạng lúc này đang là Thanh Hóa, đội bóng đôi năm trước vẫn là kẻ ăn đong, chỉ mong sớm trụ hạng là mừng lắm rồi.
1. Có dạo, chỉ đôi năm trước thôi V.League vẫn là một thế giới bị phân hoá cực độ. Đấy là thuở khi đồng tiền còn là thứ vũ khí chính để các ông bầu đấu với nhau, với biểu hiện rõ nhất từ công khai như các bản hợp đồng, khoản lương thưởng đến âm chiêu chỉ được dùng dưới gầm bàn như trọng tài, móc ngoặc… Giai đoạn V.League giống như một sòng bài sốt “xình xịch” đó, tiền mới là thứ đáng để quan tâm khác. Những chuyện còn lại, kể cả là nền tảng cơ bản nhất như danh dự, tín nghĩa… đều bị vứt trôi hoặc nhẹ nhàng hơn là gác qua một bên.
Trọng Hoàng và Abass của B.BD Ảnh: DƯ HẢI
Khi đó, rất dễ để phân định thứ hạng cho một đội bóng cũng như dự đoán hành trình của họ trong mùa bóng đó. Giai đoạn đó quản quân rất dễ: chịu khó chi tiền, xài tiền và điều tiết nhịp độ bơm tiền. Khi ấy, những liên minh tình nghĩa ngỡ đã tuyệt chủng từ thời bao cấp thật ra vẫn tồn tại nhằm đảm những hệ số bảo đảm cơ bản nhất về điểm số. Bởi vậy, không quá khó để biết SLNA sẽ cương hay nhu lúc nào, hoặc K.KH sẽ có phải rớt hạng hay không…
Giai đoạn đó, trong rất nhiều kết quả điều ý nghĩ duy nhất tồn tại là thứ tình nghĩa giữa 2 đội bóng, cụ thể là của 2 lãnh đạo 2 bên. Những yếu tố như chuyên môn, chiến thuật, tâm lý… đều chỉ đóng vai phụ, hoặc lắm lúc được dựng lên như bức bình phong cho những thủ thuật sau màn. Cũng bởi vậy, V.League những năm kim tiền có lắm kết quả “bất ngờ” nhưng nếu điểm lại đều rất hợp lý, và khi kết thúc giải, những người tinh ý đều thấy nó vừa vặn đến kỳ lạ. Bất ngờ, đột biến kiểu CS.ĐT giai đoạn mới lên hạng là điều hết sức xa xỉ. Mà chẳng phải chỉ sau 2 năm quậy tưng, đội bóng xứ bưng biền này, sau những nỗ lực hút máu không ngừng của các đại gia đã hiện nguyên hình kiếp “con nhà nghèo” và đến giờ vẫn chưa hồi tỉnh đó sao? Nói ngắn gọn, khi ấy cuộc chơi phân định rất rõ về nhóm đội, thể hiện đẳng cấp, năng lực và cả quan hệ. K.KH mùa 2012 dù đá tậm tịt thế nào vẫn không “bị” xếp vào nhóm có khả năng rớt hạng là vì thế.
2. Nhưng dường như đang có những thay đổi, hoặc chí ít là dấu hiệu thay đổi, cho thấy một V.League đang ngày càng “bình đẳng”. Thấy rõ nhất là việc Thanh Hóa đang trở thành cái tên gây sốt khi một mình độc bá ngôi đầu bảng. Rất thú vị. Nhưng không chỉ chừng ấy.
T.QN và Thanh Hóa đang là 2 cái tên xếp cao nhất ở bảng xếp hạng sau vòng 6, trên nhóm những đại gia quen thuộc như anh em nhà bầu Hiển (HN T&T, SHB.ĐN), B.BD hay SLNA, HA.GL. Đấy là kết quả bất ngờ bởi nếu người ta còn có chút để ý đội bóng xứ Thanh nhờ nỗ lực đua đến cùng vào cuối mùa trước thì với T.QN quả chẳng ai dám nghĩ.
Thanh Hóa, điểm lại vẫn là chính họ của vài năm qua. Đội bóng xứ Thanh, bất kể những scandal về xài tiền như vụ phạt tiền đạo Việt Thắng thực tế chưa bao giờ là đại gia trong cách xài tiền. Trên nền tảng cầu thủ địa phương, lãnh đạo nơi đây vẫn bỏ tiền để lấy thêm người. Nhưng họ xài đúng kiểu “ăn chắc, mặc bền” hiếm khi tiêu hoang. Lối đá của Thanh Hóa cũng thế, dựa trên nền tảng là tính gắn kết chặt chẽ, tận dụng từng “nửa cơ hội” nhờ hàng phòng ngự kín kẽ. Và trên hết, tại Thanh Hóa không có ngôi sao nào.
Một đội đầu bảng với những đặc điểm nhận dạng như Thanh Hóa quả là lạ, rất khó và ít có cơ hội xuất hiện ở vài năm trước. Như đã nói, suất tốp đầu bảng luôn rất chật chội và đa phần đều được “book” sẵn. Ở cái nền bóng đá dựa nhiều trên quan hệ như trước kia, việc mon men vào nhóm trên là hành vi khiếm nhã, và phải bị trừng phạt. Nhưng V.League 2014 ít nhất đến lúc này không như thế nữa.
Nó cũng giống như việc T.QN chễm chệ ngôi nhì bảng. Hay việc một nhóm gồm nửa tá đội rồng rắn kèn cựa nhau ở nhóm “dưới-tốp-đầu”. Khi tiền không còn sẵn để tiêu xài hoang phí, thứ bóng đá thực chất hơn đã dần trở lại, nơi các đội bóng sẽ buộc phải dựa nhiều hơn vào chính thực lực của mình. Không nói là thứ bóng đá dưới gầm bàn đã biến mất hoàn toàn, nhưng sự chi phối của nó đã vơi đáng kể, giúp các CLB có nhiều lựa chọn hơn, để dám phá cách mưu cầu cho mình hơn. Miễn năng lực chuyên môn đủ để chiến.
Thanh Hóa bay cao và mừng cho một V.League đã bình đẳng hơn với tất cả.