Mong TP.HCM có một đội bóng tử tế
Đó là lời nhắn nhủ của Hội trưởng Hội cổ động viên VFS Trần Hữu Nghĩa, một địa phương mà bây giờ đây có lực lượng cổ động viên hùng hậu nhưng không có đội tử tế để …họ sống chết.
Sáng 20-6, Amitie-SC TP.HCM chính thức cho ra đời đội bóng để chuẩn bị tham dự giải hạng ba toàn quốc và đặt ra lộ trình đến mùa bóng 2020, đội sẽ lên đá V- League.
Amitie (theo tiếng Pháp có nghĩa là tình bạn, tình bằng hữu), là một học viện lớn nhất nhì ở Nhật Bản, đào tạo theo đúng triết lý xây dựng nền tảng cơ bản nhất của bóng đá Nhật Bản, trước tiên là đào tạo từ gốc, từ nền tảng phong trào.
Triết lý nền tảng bóng đá Nhật là gì? Đó là một đội bóng đóng trên một địa bàn nào đó thì phải có trách nhiệm với cộng đồng dân cư. Phải liên tục và xuyên suốt trong việc tham gia công tác xã hội. Đến trường học dạy cho các em học sinh chơi bóng, kích thích niềm đam mê bóng đá, nói chuyện với các em về nghề nghiệp bóng đá.
Ban huấn luyện CLB Amitie-SC TP.HCM siết chặt tay hội trưởng Hội CĐV VFS(giữa). Ảnh: TP
Điều này không nhất thiết đều buộc các em phải trở thành những chuyên nghiệp nhưng giúp các em thể chất và trí lực, tinh thần đồng đội sự lễ phép thông qua dạy bóng đá. Nói một cách nom na là trước tiên giúp các em lẽ phải làm người trước khi làm cầu thủ. Một đội bóng gắn liền với công tác xã hội địa phương đó thì sẽ kéo khán giả đến sân đông, đó là mối gắn kết giữa bóng đá và cộng đồng.
Ở Nhật việc một địa phương chẳng hạn như một tỉnh, một thành phố và có nhiều đội bóng thì họ còn “giành giật” nhau để được đến các trường học từ nhà trẻ đến trường đại học để dậy các em chơi bóng nhằm thu hút người hâm mộ về mình. Đó cũng là bí kíp vì sao giải J- League của Nhật luôn đầy ắp khán giả. Một đội bóng luôn phải có trách niệm với cộng đồng, với người dân địa phương.
Một cầu thủ của đội buổi chiều tập cùng đội thì buổi sáng phải đi làm công tác xã hội. Nhiệm vụ này đeo đuổi và là trách nhiệm của mỗi cầu thủ chuyên nghiệp ở Nhật… Và Amitie- SC TP.HCM sẽ rập khuôn phương pháp này khi vận hành tại TP.HCM.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc Amitie- SC TP.HCM nhận xét: “Cầu thủ nhà nghề Việt Nam sướng quá, buổi sáng nghỉ, buổi chiều ra tập và chờ ngày thi đấu. Cầu thủ Nhật không phải vậy đâu, buổi sáng là nhiệm vụ, đi làm công việc cộng đồng, buổi chiều ra sân tập.
Nhiệm vụ này đeo đuổi suốt cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp của họ. Bởi có như thế thì khi đội nhà thi đấu người dân, cộng đồng mới đến sân ủng hộ và mối quan hệ của đội bóng với cộng đồng trở thành máu thịt”.
Khi chính thức nhảy vào bóng đá Việt Nam. Amitie-SC TP.HCM sẽ tuyển chọn cầu thủ trên 21 tuổi để bổ sung tham dự giải hạng ba toàn quốc. Sau đó Amitie- SC TP.HCM bắt đầu các công cuộc tuyển chọn tài năng nhí để thành lập học viện và đào tạo dài hơi để góp phần vào sự phát triển bóng đá TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Mong rằng triết lý bóng đá Nhật, phong cách bóng đá Nhật, nền tảng bóng đá Nhật sẽ đi vào bóng đá TP.HCM theo chiều rộng lẫn chiều sâu.
Sắc màu bóng đá TP.HCM Từ thời bao cấp, bóng đá TP.HCM là trung mạnh của quốc gia nay là một vùng trắng ở bóng đá đỉnh cao nhất quốc gia. Nhiều đội bóng chuyển khẩu về TP.HCM để thực thi cái mục tiêu ẩn giấu đằng sau là xin đất, không được rồi kiếm cớ giải tán. Nay bóng đá TP. HCM manh nha những đội như PVF, NutiFood- Arsenal và bây giờ đến Amitie- SC TP.HCM. Hy vọng những năm tới sắc màu của bóng đá TP.HCM sẽ khởi phát trở lại. |