Mời người nước ngoài lên ghế nóng
Bóng đá Việt Nam tính kế hoạch mời chuyên gia Nhật điều hành giải V-League mùa bóng tới nhưng điều đó lại hoàn toàn không mới.
Mùa 2013, VPF đã từng mời chuyên gia Nhật Tanabe và tính trao cho ông quyền lèo lái hệ thống giải chuyên nghiệp cũng như nâng cấp các CLB Việt Nam. Thế nhưng chỉ sau vài tháng đi tìm hiểu thì ông lấy lý do về chữa bệnh và rút lui khỏi dự án phát triển V-League như J-League của người Nhật. Nguyên do thì tất cả những ai tinh ý đều biết cả, đó là ông không thể thay đổi khi phần cấu trúc hạ tầng bóng đá Việt Nam còn rất nhiều bừa bộn.
Dường như những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đang sai lầm trong việc hiểu tính cách của người Nhật khi cứ nghĩ bỏ tiền thuê chuyên gia giỏi ngồi vào là xong.
Người Nhật thuộc loại quản lý giỏi nhất thế giới không ai không biết, giải bóng đá Nhật được nhìn nhận là hàng đầu châu Á. Tìm tiền cho bóng đá của người Nhật cũng hiệu quả nhất châu Á… Thế nhưng đâu có phải mời người Nhật về ngồi trên cái ghế “thượng tầng” đấy là V-League bay bổng.
V-League phải thay đổi về chất và từ nền móng chứ không phải cứ đặt một chuyên gia Nhật vào là xong. Người Nhật làm bóng đá không bao giờ hô khẩu hiệu suông. Ảnh: XUÂN HUY
Vấn đề của bóng đá Việt Nam yếu kém từ cơ sở hạ tầng, cụ thể là từ con người quản lý CLB chứ chưa kể ở trên. Ông trưởng giải người Nhật về ngồi ghế trưởng giải đâu có can thiệp vào được cơ cấu, trình độ quản lý cấp CLB mà để nâng cấp. Mà cái chính sức mạnh của một nền bóng đá là ngoài đầu tàu VFF phải định hướng cho CLB về tầm quản lý theo mô hình chuyên nghiệp thì CLB mới là quan trọng.
Người Nhật khi được mời sang giúp bóng đá Việt Nam họ sẵn sàng “cháy” hết mình. Tuy nhiên, quan niệm của họ cũng rất rõ ràng, là chỉ góp công không thôi. Họ chỉ quyết liệt đóng góp chất xám của họ khi và chỉ khi nền bóng đá đó cầu tiến, biết lắng nghe, biết học hỏi những điều tốt, biết vươn lên sự hoàn thiện.
Trước nay các công ty Nhật tài trợ cho bóng đá Việt Nam kiểu như những cái áo của đội tuyển in dòng chữ Panasonic, Yamaha hay Honda… hoặc cái tên hãng nào đó thực chất chỉ là mang màu sắc ngoại giao chứ chẳng phải tài trợ.
Một công ty của Nhật khi quyết định tài trợ cho giải V-League thì họ phải quan sát, nghiên cứu kỹ chừng vài ba mùa bóng. Rồi từ đó nghiên cứu tiếp tính hiệu quả, lan tỏa của giải đấu, tình cảm của người hâm mộ đến với giải đấu ra sao. Rồi giải đấu có tích cực, có “sạch” hay không thì họ mới tham gia.
Người Nhật không bao giờ “quăng” một cục tiền ra cho một giải đấu mà họ không biết về nó vì sợ phản ứng ngược giải đấu mang tiếng thì sản phẩm của mình cũng xuống theo.
Có rất nhiều phía đối tác Việt Nam cứ nghĩ nước Nhật giàu có, bóng đá phát triển, các đối tác Nhật nhảy vào nghĩa là họ sẽ vung tiền ra nhiều qua đó phía chủ nhà dễ bề… tăm tia. Nhưng sau thời gian ngắn suy nghĩ ấy bị phá sản bởi người Nhật rất chặt chẽ, tính toán để đạt mục tiêu hiệu quả cao nhất.
Việc chăm chút cho thương hiệu theo cách làm của người Nhật khác với kiểu câu view mà bóng đá Việt Nam đang làm như xả cửa để khán giả đến đông và số liệu báo cáo là vài chục ngàn người cho một trận sau khi đã được nói thách.
Người Nhật nổi tiếng tính độ bền cho sản phẩm chứ không tính việc làm sao để người ta mua bằng mọi giá rồi sống chết mặc bay.
Thế nên chuyện mời chuyên gia Nhật làm trưởng giải cần phải làm được phần mà ta phải làm trước là tạo nền tảng tốt cho mặt bằng bóng đá từ trẻ lên đến cấp CLB thay cho kiểu làm chụp giựt như hiện nay.
Muốn lấy tiền tài trợ phải giữ gìn và phát triển thương hiệu Thai-League sau khi tạo được tiếng vang và thành công nhất định cùng việc phủ sóng đi khắp Đông Nam Á thì có Tập đoàn Toyota tài trợ ba năm. Giải đấu mang tên đầy đủ Thai Toyota Premier League. Nhưng để được Toyota giúp như thế này Thai-League đã phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí sạch, giàu tính cạnh tranh, các CLB phải hội tụ đủ tính chuyên nghiệp thì họ mới nhảy vào. |