Mối đe dọa từ Trung Quốc: Sau Oscar là Messi, Sanchez
Túi tiền không đáy của người Trung Quốc đang ngày càng vươn vòi bạch tuộc ra xa hơn, Oscar mới chỉ là bước tiến tiếp theo trước khi bóng đá Trung Quốc đón chào thêm những ngôi sao khác của bóng đá thế giới.
Cơ hội có thật với những ngôi sao hàng đầu châu Âu
Những bom tấn chuyển nhượng đến từ Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại, mới đây nó còn được nâng lên một mức độ cao hơn khi Thượng Hải SIPG kích hoạt hợp đồng cùng mức lương khủng để đem về một ngôi sao đang trong thời kỳ đỉnh cao phong độ là Oscar của Chelsea.
Oscar chỉ là trường hợp mới nhất sau khi những CLB hàng đầu của bóng đá Trung Quốc đã đem về được kha khá những ngôi sao hạng B hoặc C của bóng đá châu Âu như Hulk, Demba Ba, Ramirez, Gervinho, Pelle, Lavezzi hay Jackson Martinez.
Oscar chuẩn bị là cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới
Điều thu hút những cầu thủ không quá xuất sắc ở châu Âu đến với đất nước đông dân nhất thế giới, chắc chắn là yếu tố tiền lương, còn với các CLB sở hữu họ, đó là mức giá chuyển nhượng rất hời mà họ sẽ khó có được nếu tìm kiếm những đối tác chuyển nhượng ở châu Âu cho những cầu thủ không quá xuất sắc của mình.
Những cái tên gần nhất được người Trung Quốc nhắm đến bắt đầu có sự khác biệt, sau khi đã tạo ra xu hướng mới cho giới cầu thủ ngôi sao ở châu Âu, họ bắt đầu tiếp cận những cầu thủ chất lượng hơn. Sau Oscar, trường hợp đang tốn rất nhiều giấy mực của báo chí thế giới chính là Messi.
Cầu thủ đã từng giành danh hiệu Quả bóng vàng tới 5 lần và hầu như đã quá no nê với những danh hiệu và các kỷ lục cùng Barca đang đi tới giai đoạn đỉnh cao và quan trọng trong sự nghiệp của mình, anh vẫn đang lưỡng lự trong việc gia hạn với Barca khi chỉ còn 1 năm rưỡi hợp đồng.
Có thể Messi đang đứng trước lời hứa hẹn về một mức lương không tưởng và những môi trường bóng đá mới mẻ và... thoải mái hơn. Ngoài ra chẳng phải là Barca sẽ chẳng bao giờ bán đi đứa con cưng của mình. Với một mức giá không tưởng nhưng có thể có thật là 500 triệu euro, không dám chắc Barca sẽ không mềm lòng và tiễn đi ngôi sao số 1 của mình. Bởi số tiền khổng lồ kia đủ để họ tái đầu tư cho một vài siêu sao tiềm năng khác.
Messi có thể đang đắn đo trước núi tiền của người Trung Quốc
Cesc Fabregas, John Terry, Carlos Tevez, hay Sanchez cũng là những cái tên khác đang được người Trung Quốc nhắm tới. Cesc và Sanchez có thể sẽ tiếp tục là những món hời mà Chelsea và Arsenal có thể kiếm được từ người Trung Quốc nhờ vẫn đang ở độ tuổi đỉnh cao trong sự nghiệp.
Và cả 4 đều được hứa hẹn mức lương khủng khiếp, trên dưới 40 triệu euro/năm, con số còn khủng hơn cả của Oscar hiện tại. Với họ còn như thế, không hiểu nếu Messi thực sự sang Trung Quốc, lương của anh sẽ giật gân cỡ nào.
Mua những ngôi sao để tạo ra những ngôi sao
Mọi thương vụ chuyển nhượng trên đều nằm trong một kế hoạch dài hạn của họ, đem thêm càng nhiều hơn nữa những ngôi sao hàng đầu để nâng tầm chất lượng những đội bóng và chất lượng giải đấu của họ trong mắt giới truyền thông, và có thể sẽ tạo nên những giải đấu có chất lượng cạnh tranh chuyên môn cao hơn, hoặc có thể sẽ là cả 1 Premier League ở Trung Quốc.
Với chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao, người Trung Quốc cũng mong muốn tính cạnh tranh sẽ tăng cao và giúp cho bóng đá nước nhà của họ phát triển hơn. Việc đem về những ngôi sao không hề mâu thuẫn với chính sách đào tạo trẻ của bóng đá nước này. Chính phủ Trung Quốc đang rất chú trọng vào việc đầu tư phát triển môn thể thao vua. Trên thực tế, giờ đây bóng đá còn là môn học bắt buộc ở bất cứ trường học nào trong cả nước.
Ngoài những cầu thủ ngôi sao, những HLV hàng đầu thế giới cũng đang dần tụ hội về Super League của Trung Quốc, như Scolari, Pellegrini, Felix Magath, Villas Boas hay Gustavo Poyet, không ngoài mục đích nâng tầm chất lượng giải đấu.
Tiền đến từ đâu
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chắc chắn không thiếu những đại gia trong thương trường đầu tư vào bóng đá. Rất nhiều những công ty hay tập đoàn lớn đã rót túi tiền không đáy của mình vào những CLB bóng đá hàng đầu của Super League, như Hàng Châu Evergrande hay Thượng Hải SIPG.
Hàng Châu Evergrande là một ví dụ điển hình, với dòng tiền vô hạn từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, tập đoàn đã sở hữu 40% CLB. Họ nhanh chóng nối tiếp thành quả mà một thượng hiệu bất động sản lớn của châu Á đã làm được khi mua lại CLB này vào năm 2011, đem họ trở lại vị thế số 1 trong nước và châu lục.
CLB của Trung Quốc đang được Forbes định giá lên tới 270 triệu euro, không quá xa so với cái tên đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong 3 mùa bóng qua ở TBN và Champions League châu Âu, Atletico Madrid, đội được định giá chỉ hơn gấp đôi như thế, 633 triệu euro.