Mổ xẻ thất bại của U-22 Việt Nam: HLV Hữu Thắng có dám báo cáo đầy đủ?
Sau thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016, có ai báo cáo và mổ xẻ vấn đề đâu. Vì thế liệu U-22 Việt Nam thất bại tại SEA Games 29, HLV Nguyễn Hữu Thắng có dám viết một bản báo cáo chân thực về thất bại?
Nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng đủ dũng cảm lột tả hết bản chất của vấn đề, ông có thể tạo nên những cú sốc. Nhưng quan trọng là những nhà điều hành sẽ khắc phục thế nào.
HLV Nguyễn Hữu Thắng giỏi cầm quân ở CLB, nhất là những đội có “lính Nghệ An” nhiều. Nhưng cấp độ đội tuyển quốc gia, HLV Hữu Thắng vẫn là người học việc đúng nghĩa. Đi tham dự một giải quốc tế như AFF Cup hay SEA Games khác xa với việc ra nước ngoài đá một hoặc vài trận vòng loại rồi về. Nó đòi hỏi một hành trang kiến thức và thực tế phải đầy ắp và trải nghiệm nhiều.
HLV Hữu Thắng liệu có bản báo cáo đầy đủ không? Ảnh: HUY PHẠM
Điều này với HLV Hữu Thắng vẫn là con số 0 to tướng. Cụ thể tại bảng B SEA Games 29 có sáu đội, U-22 Việt Nam và hai đội mạnh giàu thành tích là Thái Lan, Indonesia đều cùng lịch đấu dày đặc… Ở đây cần phải có hành trang chuẩn bị, có yếu tố tâm lý, công tác tư tưởng, phương pháp sử dụng cầu thủ thật khoa học, kể cả việc chỉ huy cho tổ bác sĩ phát huy nhiệm vụ hồi phục cho cầu thủ…
Điều này thì chắc chắn HLV Hữu Thắng chưa đủ kiến thức. Ngay cả ban huấn luyện U-22 Việt Nam, trong đó có y sĩ xoa bóp người Đức tự nâng cấp mình là bác sĩ, là chuyên gia thể lực cũng chưa nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề cần kíp này.
U-22 Thái Lan lẫn U-22 Indonesia và cả các đội bảng A dùng phương pháp xoay tua rất rõ. Chúng ta thấy tay săn bàn Samphaodi của Thái Lan dường như đá cách trận để giữ sức và kịp hồi phục, còn tiền vệ cánh lợi hại Sasalak cũng đá rất vừa phải trong lịch đấu dày đặc ấy. Tương tự, đội Indonesia gần như chỉ có thủ môn là bắt đủ, còn lại họ cũng xoay đều chuẩn bị cho những trận quan trọng.
Còn ta với những Công Phượng, Văn Thanh, Văn Toàn… cứ cày đến kiệt sức. Có sự khác biệt lớn là với lịch đấu dày như thế, U-22 Thái Lan giải quyết “3 điểm” nhưng bảo toàn sức và lực lượng là ưu tiên hàng đầu thay vì thắng càng nhiều bàn càng tốt.
Ngoài những vấn đề chuyên môn là HLV Nguyễn Hữu Thắng lần đầu cầm quân dự trọn vẹn một giải quốc tế, còn lắm bất cập bên ngoài kiến thức của ông lẫn đội ngũ giúp việc.
HLV Nguyễn Hữu Thắng có dám nói rằng mình toàn quyền quyết định tất cả con người hay không? Hay nói khác đi là ông có chịu áp lực phải đưa nhóm cầu thủ nào đó vào sân liên tục, kể cả từng con người cụ thể? Ngoài ra, chất lượng của các chuyến thi đấu giao hữu và tập huấn cũng rất quan trọng.
Nếu sự thất bại của U-22 Việt Nam lần này mà HLV Nguyễn Hữu Thắng có một bản báo cáo thật lòng thì sẽ có rất nhiều điều đáng bàn.
Còn ngược lại thì vẫn chỉ là những thủ tục qua loa, sơ sài như mọi lần.
Sau thời Hữu Thắng, cầu thủ HAGL không còn quá được yêu chiều khi lên ĐT Việt Nam.