Mino Raiola, siêu cò tạo nên một thế giới bóng đá giật gân
Mino Raiola là một nhân vật đầy tranh cãi. Ông ta là kẻ thù của mọi CLB trong khi lại là người hùng trong mắt các cầu thủ. Nhưng điều đó không làm phiền tay cò 54 tuổi. “Tôi không quan tâm người ta khắc gì lên bia mộ tôi. Sao phải để ý miệng đời thế gian”, Raiola nói.
Ngay cả khi bạn tự tin về kiến thức bóng đá, không chắc bạn biết đến cái tên Rody Turpijn. Anh ta trưởng thành ở lò đào tạo Ajax, đá 6 trận cho đội một trước khi bị thải loại vào năm 1998. Tóm lại, một cầu thủ vô danh và đang ở tình trạng thất nghiệp.
Điều may mắn nhất với Turpijn là có Mino Raiola làm đại diện. Chỉ với một cuộc gọi, Raiola cùng Turpijn phóng tới một nhà hàng trên đường cao tốc để gặp Chủ tịch CLB De Graafschap. Raiola mở đầu câu chuyện bằng vài tin đồn về ngôi sao Pavel Nedved. Sau khi gây ấn tượng mạnh, Raiola yêu cầu vị Chủ tịch kia viết lên mảnh giấy mức lương có thể trả cho Turpijn.
Nhìn con số, Turpijn như mở cờ trong bụng. Mức lương ấy cao hơn nhiều so với những gì anh từng nhận ở Ajax. Vì vậy, Turpijn đã rất sửng sốt khi Raiola hét lên: “Ông có biết Rody nhận bao nhiêu ở Ajax không? Thật là một trò đùa. Chúng ta đi thôi Rody”. Turpijn do dự, nhưng cũng đành đứng lên theo chân Raiola bước ra. Vị Chủ tịch hốt hoảng kéo họ ngồi xuống, sau đó viết ra con số khác cao gấp bội kèm hợp đồng 4 năm.
Sau này Turpijn giải nghệ khi chưa bước sang tuổi 30, nhưng như chính cầu thủ này tiết lộ, thỏa thuận với De Graafschap mang đến “sự đảm bảo cho tương lai”, giúp anh “sống tốt suốt quãng đời còn lại”.
Câu chuyện của Turpijn nói lên hai điều. Thứ nhất, như nhà báo Simon Kuper viết cho Financial Times, các CLB đã trở nên thông minh hơn, nhưng vẫn kém khôn ngoan so với các đại diện kiểu Raiola. Thứ hai, với các CLB, Raiola là nỗi đau trong cái chết, nhưng với các cầu thủ, ông ta còn hơn cả tuyệt vời vì mang lại bản hợp đồng tốt nhất có thể.
Không có gì ngạc nhiên về khả năng kinh doanh của Raiola. Ông đã rèn giũa kỹ năng giao tiếp và đàm phán từ khi còn rất nhỏ, với công việc phụ tá trong tiệm bánh pizza gia đình ở thành phố Haarlem của Hà Lan. “Bố tôi làm việc 18, thậm chí 20 giờ ở đó”, Raiola nhớ lại trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, “Năm 11, 12 tuổi, tôi tới tiệm để gần gũi với ông. Khi ông ở trong bếp, liệu tôi có thể làm gì ngoài việc dọn dẹp, rửa chén bát?”.
Về sau tiệm pizza nhà Raiola mở rộng tới 11 cơ sở. Công lớn thuộc về Raiola. Trở thành người chạy bàn, với khả năng nói tốt cả hai thứ tiếng Italia và Hà Lan, cậu bé Mino chiếm được cảm tình lớn của mọi khách hàng. Khiếu kinh doanh cũng khiến Raiola được coi là thần đồng trong lĩnh vực này. Cậu thành lập một công ty (Intermezzo) chuyên giúp người Hà Lan làm ăn ở Italia, sau đó biến mình thành một triệu phú ở tuổi 19 bằng việc mua cửa hàng McDonald's địa phương rồi bán lại cho một nhà phát triển bất động sản.
Mino Raiola thời trai trẻ. (Ảnh: Getty Images)
Theo Raiola, việc giàu sớm khiến ông không còn nhu cầu kiếm thêm. Và cựu cầu thủ trẻ của CLB Haarlem quay lại với niềm đam mê bóng đá. Ông bỏ trường luật để đảm nhận vai trò Giám đốc kỹ thuật cho chính CLB Haarlem.
Làm thế nào một chàng trai trẻ không có chút kinh nghiệm nào được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng đó? Rất dễ. “Chủ tịch của Haarlem đến tiệm chúng tôi ăn tối vào mỗi thứ Sáu hàng tuần”, Raiola kể, “Tôi cứ liên tục tiêm vào đầu ông ta ý nghĩ ông ấy chẳng biết gì về bóng đá. Tới một ngày, ổng kéo tôi ngồi xuống và nói, nghe này, cậu thử giúp tôi”.
Tại Haarlem, Raiola đã nêu ra ý tưởng táo bạo về việc ký hợp đồng với cậu thiếu niên xuất sắc Dennis Bergkamp của lò Ajax. Các Giám đốc khác của CLB, già nua và bảo thủ, cực lực bác bỏ. Raiola bực bội bỏ đi, dành thời gian phát triển công ty Intermezzo.
Vụ chuyển nhượng đầu tiên của Raiola là giúp Bryan Roy từ Ajax đến Foggia năm 1992. Không chỉ giúp môi giới, Raiola còn dành nửa năm ở với Roy trong khách sạn Cicolella để cầu thủ này ổn định cuộc sống. Khi Roy kiếm được một căn hộ, Raiola tới để giúp sơn tường.
Mino Raiola và Mario Balotelli (ảnh trái). (Ảnh: Getty Images)
Thoạt đầu Raiola làm cùng tay cò có tiếng Rob Jansen. Nhờ đó, ông tham gia vào vụ chuyển nhượng đình đám đưa Dennis Bergkamp đến Inter. Michel Kreek sang Padova là một phi vụ khác. Giống Roy, Kreek đã rất biết ơn Raiola vì đã mua nhà, mua xe, mở tài khoản ngân hàng… làm nhiều thứ không nằm trong phạm vi công việc.
Khi tách khỏi Rob Jansen để làm riêng, rất nhanh chóng các cầu thủ tìm đến Raiola. Ông giống như một người bạn sẵn sàng làm hết mình vì họ. Ngày Mario Balotelli đốt pháo hoa cháy nhà, việc đầu tiên tiền đạo của Man City làm là gọi cho Raiola. Nhưng không chỉ thân thiết và tìm kiếm các bản hợp đồng khủng, Raiola còn tạo dựng cho các thân chủ một sự nghiệp tốt hơn họ hình dung. Theo quan niệm của ông, “tiền bạc là kết quả hoàn toàn hợp lý của một công việc được hoàn thành tốt”.
Pavel Nedved là một ví dụ. Raiola phát hiện ra tiền vệ người CH Czech và bị ấn tượng ngay lập tức với thái độ tập luyện điên cuồng của anh chàng này. Từ bài học rút ra từ bố, rằng những kẻ làm việc chăm chỉ đến mực cực đoan sẽ thành công, Raiola tin Nedved sẽ là “cầu thủ hoàn hảo, người chạy 17km mỗi trận, rê bóng như Maradona và không bao giờ ngừng tập”.
Đội hình những ngôi sao được đại diện bởi Mino Raiola. (Ảnh: G3 Football)
Trở ngại duy nhất là Nedved luôn nghi ngờ năng lực bản thân. Không vấn đề gì, Raiola có biệt tài về thuyết phục, sau đó đưa anh ta tới Lazio năm 1996. 6 năm sau, Nedved đã trở thành một ngôi sao lớn và Raiola lại đạo diễn vụ chuyển nhượng với Juventus, mang lại cho tiền vệ người CH Czech “mức lương cao hơn cả Zidane ở Real”.
Zlatan Ibrahimovic là câu chuyện nổi tiếng khác. Ngày đầu gặp nhau trong nhà hàng Nhật, vừa nhét đầy dạ dày bằng bơ và tôm Raiola vừa hỏi, “cậu muốn kiếm thật nhiều tiền hay trở thành cầu thủ số 1?”. Dĩ nhiên Ibrahimovic chọn vế sau. “Lựa chọn tốt đấy, nhưng nếu làm việc với tôi, hãy bán xe, bán chiếc đồng hồ vàng chóe đang đeo và tập chăm chỉ gấp ba, bởi các thống kê của cậu là rác rưởi”, Raiola nói.
Ibrahimovic đã lao vào tập luyện như Nedved, hình mẫu mà Raiola đưa ra. Nhờ đó, tiền đạo người Thụy Điển vẫn ra sân và ghi bàn sau hai thập kỷ. Cũng rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong khoảng thời gian đó. Chính là các vụ chuyển nhượng đến Juventus, Inter, Barca, Milan, PSG rồi MU, LA Galaxy và về lại Milan. Raiola đạo diễn tất thảy, đưa tổng giá trị chuyển nhượng của Ibra lên đến 152 triệu bảng.
Nhiều người nói rằng Raiola là kẻ tham lam vô độ và rất giỏi làm tiền. Ông gây hấn với Sir Alex Ferguson để đưa Paul Pogba ra khỏi MU, sau đó mang anh ta trở lại Old Trafford với mức giá kỷ lục 89 triệu bảng. Raiola đút túi 20 triệu bảng trong vụ này, và sẽ kiếm được một món nữa vào hè này khi Pogba chuẩn bị rời đi một lần nữa, kết thúc 6 năm đầy tai tiếng. Tay cò gốc Italia luôn biết cách tận dụng triệt để món hàng đang có, đồng thời không ngừng tạo ra những ồn ào để nâng giá trị món hàng.
Nhờ Mino Raiola, Zlatan Ibrahimovic đã tận hưởng sự nghiệp kéo dài hơn 2 thập kỷ. (Ảnh: Getty Images)
Sắp tới Erling Haaland có thể trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Theo tính toán của L’Equipe, một CLB ký hợp đồng với ngôi sao mà Raiola đang đại diện sẽ phải tiêu tốn ít nhất 250 triệu bảng cho phí chuyển nhượng, lương thưởng và tiền môi giới. Không có khả năng Raiola sẽ nhượng bộ. Ông ta thực dụng đến tàn nhẫn và sẵn sàng phá hỏng mọi thứ để đạt được điều mình cần. Vì vậy, Raiola là kẻ thù của các CLB trong khi lại là người hùng trong mắt các cầu thủ trong danh sách khách hàng.
Nhưng dưới góc độ nào, tất cả đều phải thừa nhận sự đặc biệt của Raiola. Ông ta đại diện cho chủ nghĩa hiện thực và rất biết cách khiến thế giới bóng đá trở nên kịch tính mà không cần đến trận đấu, chỉ bằng những tin tức gây sốc, các vụ áp phe bom tấn.
Ngay cả bây giờ, khi rơi vào tình trạng nguy kịch và chiến đấu để giành giật sự sống trong bệnh viện San Raffaele ở Milan (Italia), Raiola vẫn tạo nên buổi tối giật gân với các tin đồn về cái chết của mình.
Làng bóng đá thế giới xôn xao trước thông tin người đại diện Mino Raiola nguy kịch tính mạng vì bạo bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]