Messi lương gấp đôi "tỷ phú" Ronaldo: Barca lo sụp đổ
Lionel Messi muốn một mức lương cao hơn Ronaldo nếu gia hạn với Barcelona, một mức lương sẽ tăng thêm nguy cơ Barca sụp đổ khi anh rời CLB.
Khổ sở kiếm tiền vì Messi
Sau khi Cristiano Ronaldo được gia hạn 5 năm với mức lương 20 triệu bảng/năm bởi Real Madrid, báo chí Anh đưa tin Lionel Messi muốn có một bản hợp đồng thậm chí còn kếch xù hơn thế, với mức lương 40 triệu bảng/năm.
Messi muốn được trả lương cao hơn Ronaldo
Con số này có vẻ là sản phẩm phóng đại của báo giới Anh, còn theo nguồn tin từ báo chí Tây Ban Nha, thu nhập hiện tại của Messi (20 triệu euro/năm) sẽ được tăng lương thêm 10 triệu euro trong lần tiếp theo gia hạn. Theo đúng giao kèo, Messi sẽ được hưởng 30 triệu euro/năm (25 triệu bảng/năm) nếu gia hạn lần này.
Messi nếu được gia hạn sẽ có một thu nhập còn lớn hơn cả Ronaldo vừa được hưởng tại Real Madrid. Có điều Barcelona chưa chấp nhận đòi hỏi của anh. Phải chăng Barca đang thiếu tiền?
Barca là một trong những đội bóng giàu nhất thế giới và với doanh thu hơn 600 triệu euro mỗi năm, tưởng như việc thỏa mãn Messi không phải điều gì khó khăn. Nhưng giữa giàu với an toàn về tài chính là hai vấn đề khác nhau.
Việc trả lương cho bộ ba tiền đạo chủ lực Messi – Neymar – Suarez đã ngốn của Barcelona tới 21% ngân sách hoạt động của CLB, và tổng quỹ lương của Barca đã ăn tới 73% doanh thu hàng năm.
Để trả lương cho Messi và Neymar, Barca đã phải đàm phán theo hướng không tăng lương nhiều cho họ, bù lại tăng tiền thưởng và tỷ lệ phần trăm bản quyền hình ảnh. Thách thức cho Barca ở chỗ, đội bóng này càng chiến thắng thì càng phải trả nhiều tiền thưởng. Sau chức vô địch Champions League năm 2015, Barca rốt cuộc đã bị âm về mặt chi tiêu trong một quý tài chính.
Bộ ba này ngốn tới 21% quỹ lương của Barcelona
Nou Camp là một trong những SVĐ có sức chứa lớn nhất châu Âu, nhưng giá vé của Barca lại thấp thứ 16 trong số các CLB ở Cựu lục địa theo lời chủ tịch Josep Bartomeu trong một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Financial Times. Đây khó có thể xem là nguồn tiền Barca có thể dựa vào.
Về mặt tài trợ, sau khi không thể đòi Qatar Airways nâng mức tiền lên 57 triệu euro/mùa, vừa qua Barca đã có hợp đồng tài trợ mới là tập đoàn thương mại điện tử Rakuten từ Nhật Bản, những người trả 55 triệu euro/năm để được tài trợ áo đấu cho Barca. Nhưng chừng đó chưa đủ, Barca còn muốn đàm phán lại hợp đồng với Nike, dù phải tới tháng 6/2018 mới được làm điều đó.
Barca đã nghĩ cả tới cách bán tên sân Nou Camp để tìm nguồn thu. Họ thuê cố vấn người Mỹ Van Wagner vào cuối năm ngoái để tìm đối tác bán tên sân Nou Camp mới sắp khánh thành, mà thu nhập mỗi năm có thể vào khoảng 20 triệu euro.
Barca sẽ sụp đổ khi Messi ra đi?
Nếu vụ gia hạn hợp đồng này thành công, bất luận Messi được hưởng 25 triệu bảng/năm hay 40 triệu bảng/năm thì anh vẫn sẽ tạo ra một gánh nặng tài chính lớn đối với Barcelona, trong khi điều tương tự khó có thể nói về trường hợp của Ronaldo với Real Madrid.
Những thống kê nêu trên đã cho thấy Barca phải vất vả tìm kiếm nguồn thu thế nào trong thời gian qua để có tiền trang trải lương thưởng cho Messi nói riêng và các ngôi sao Barcelona khác nói chung. Nhưng liệu một mình Messi có thể gây ra một sự sụp đổ tài chính cho một CLB tầm cỡ như Barca?
Liệu Messi có trung thành với Barca tới khi sân Nou Camp mới khánh thành?
Nói đến bán tên sân, Barcelona sẽ chuyển tới SVĐ mới vào năm 2021 và chi phí xây dựng 650 triệu euro (560 triệu bảng) là một con số khổng lồ đối với bất cứ CLB bóng đá nào dù giàu nhất hay giàu vừa vừa. Đây mới thực sự là gánh nặng chính mà Barca đang đối mặt, tiền lương của những Messi hay Neymar chỉ góp phần đè thêm lên vai Barca.
Trong lịch sử bóng đá hiếm CLB nào thành công ngay khi chuyển sang sân vận động mới. Arsenal chuyển sân năm 2006 là một ví dụ, nhưng ngoài ra còn có CLB Sao Paulo ở Brazil, 11 năm trắng tay sau khi xây sân Estádio Morumbi năm 1958. Và chính Barca cũng là một nạn nhân: Khi Nou Camp khánh thành năm 1957, Barca chỉ đoạt La Liga thêm 2 mùa rồi có gần 14 năm trắng tay cho đến lúc Johan Cruyff xuất hiện.
Messi nhiều khả năng sẽ rời Barca vào năm 2020 hoặc 2021 nếu được gia hạn, khi đó Barca sẽ khó lòng có được nền tảng tài chính để cạnh tranh với Real Madrid, đội vừa thưởng “béo” cho Ronaldo nhưng không bị áp lực về SVĐ như Barca. Còn nếu Barca không muốn Messi làm khổ túi tiền của họ, Man City đã sẵn sàng chào đón anh.
Barca cũng đã từng lâm vào cảnh thiếu tiền và mất ngôi sao trong quá khứ như Ronaldo và Luis Figo trước thế kỷ mới. Nay sau một chu kỳ đại thành công, Barca có lẽ sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ mà chuyện hợp đồng của Lionel Messi chỉ là bước đầu.