Messi giỏi, hay bóng đá quá dễ dãi?
Lionel Messi đã đặt ra những giới hạn mới cho bóng đá, hay bóng đá chưa bao giờ đặt ra một giới hạn thực sự cho chính anh?
4 bàn vào lưới Osasuna trong thắng lợi 5-1 của Barca cuối tuần qua đã biến Messi trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử vượt qua cột mốc 200 bàn thắng tại giải vô địch TBN, với 202 bàn qua 235 trận. Anh hiện xếp thứ tám trong danh sách các chân sút vĩ đại nhất của Liga, và sớm muộn gì, kỷ lục 251 bàn do Telmo Zarra, hiện đang dẫn đầu danh sách này, cũng sẽ bị Messi vượt qua.
Đó là lần thứ 22, Messi ghi từ 3 bàn trở lên một trận cho Barca, và lần thứ năm, anh nổ súng 4 lần trở lên một trận. Với 11 trận ghi bàn liên tiếp ở Liga, Messi cũng đã vượt qua kỷ lục 10 trận của Mariano Martin (lập được từ mùa 1942-1943 đến 1943-1944) và Ronaldo “béo” (1996-1997), đều cho Barca. Mùa này, anh đã ghi 33 bàn ở Liga sau 21 vòng đấu, nhiều hơn cả mùa 2010-2011, và còn đến 17 vòng nữa để vượt qua kỷ lục 50 bàn mùa trước.
Thật không tưởng, Messi mới 25 tuổi, đã đoạt 4 Quả bóng Vàng liên tiếp, nhưng không hề có dấu hiệu nào cho thấy anh sẽ chững lại. Thậm chí, tỏa sáng và ghi bàn đối với tiền đạo người Argentina lúc này còn ngày càng dễ dàng hơn, bất chấp áp lực của vinh quang và kỳ vọng ngày một gia tăng. Bóng đá đang tỏ ra quá dễ dãi với Messi?
Messi vẫn liên tiếp nổ súng
Hãy “cảm ơn” Liga
Hãy bắt đầu bằng cuộc chạy đua Ronaldo – Messi trong 4 năm qua tại Liga. Mùa giải đầu tiên ở Madrid, tiền đạo người Bồ đã ghi đến 33 bàn trên mọi đấu trường, dù vẫn còn trong giai đoạn thích ứng (mùa ấy, Messi ghi 47 bàn). Mùa 2010-2011, cả hai cùng ghi 53 bàn trên mọi mặt trận, nhiều hơn 6 bàn so với kỷ lục mọi thời đại mà huyền thoại Ferenc Puskas đã từng lập vào những năm 60 thế kỷ trước. Mùa trước, Messi ghi 73 bàn sau 60 trận, còn Ronaldo đã nổ súng 60 lần qua 55 trận.
Trong 60 năm qua, tạm loại Messi và Ronaldo, cột mốc 30 bàn/ mùa ở Liga chỉ bị phá vỡ 7 lần bởi 7 cầu thủ khác nhau. Nhưng chỉ trong 4 mùa bóng có cả Messi và Ronaldo, cột mốc ấy đã bị xô đổ 5 lần (Messi 3 lần và Ronaldo 2).
Trước ngày Messi ghi 4 bàn vào lưới Osasuna, Ronaldo cũng đã ghi ghi cú hat-trick thứ 20 trong sự nghiệp, chỉ trong 11 phút ở trận gặp Getafe. Tất nhiên, đó là hai cầu thủ tấn công hay nhất của bóng đá đương đại, nhưng là ngôi sao được hậu thuẫn tối đa ở Barca và Real Madrid cũng đã khiến cho con đường họ đi trở nên bằng phẳng hơn.
Báo chí TBN thậm chí còn gọi Liga là “đống rác rưởi”, với một nửa số CLB ở hai hạng đấu cao nhất bị phá sản trong hai năm qua. Bản quyền truyền hình tại TBN không được chia đều cho các đội, mà theo hình thức tự thương lượng. Vì thế, Real Madrid và Barca kiếm gấp ba lần đội giàu nhất của phần còn lại là Atletico Madrid trong một mùa bóng.
Mùa bóng này là lần hiếm hoi Real Madrid phải chịu xếp thứ ba, vì những bất ổn nội bộ. Trong nửa thập kỷ đổ lại, Liga không khác gì giải Scotland, với sự thống trị của cặp Real – Barca. Messi, được hậu thuẫn bằng một tập thể ngoài hành tinh tại một giải đấu dường như chỉ dành riêng cho hai đội, đã dễ dàng xô đổ mọi cột mốc cá nhân.
“Cảm ơn” các hậu vệ đương đại
Tháng Ba năm ngoái, trận tứ kết lượt đi Champions League giữa AC Milan và Barcelona, chúng ta chứng kiến một cảnh tượng đáng ngạc nhiên: Phút 57, Alessandro Nesta xoạc và phá bóng ngay trong chân Messi ở vạch 5m50. Tiền đạo người Argentina bực tức đến nỗi phải đấm thùm thụp xuống sân để giải tỏa.
Barca bị cầm hòa 0-0, và cầu thủ hay nhất thế giới đã bị khóa chặt bởi một hậu vệ 36 tuổi. Sự thông minh và tinh tế trong phòng ngự của Nesta đã chiến thắng.
Thời của các trung vệ nâng phòng ngự lên tầm nghệ thuật ấy đã qua. Ở Liga, chỉ có “gã đồ tể” Pepe của Real Madrid là có chút hy vọng, nhưng sự hung hăng của anh cũng không còn dọa được Messi. Đếm đi đếm lại, các hậu vệ đẳng cấp cao trên thế giới cũng không quá một bàn tay. Ở đẳng cấp của Nesta, Cannavaro, Maldini hay Berti Votgs, Gentile năm xưa thì lại càng không thể mơ đến.
Đã qua rồi cái thời mà “Cậu bé Vàng” Diego Maradona có thể bị kèm đến… phát khóc, như những gì mà Claudio Gentile đã làm ở World Cup 1982. Hay như một hậu vệ tiêu biểu cho sự tiểu xảo của phòng ngự kiểu Ý là Marco Materazzi đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Zidane vĩ đại tại trận chung kết World Cup 2006.
Messi không có một khắc tinh như thế. Nếu một Nesta chỉ còn chừng 50% phong độ so với thời kỳ đỉnh cao còn có thể ngăn chặn được Messi, thì rõ ràng là tiền đạo người Argentina đã được “nuông chiều” quá lâu bởi các hậu vệ hạng xoàng.
Và cảm ơn cả thời đại
Messi thật may mắn, vì anh sinh ra trong một thời đại có thể biến một cậu bé bị mắc chứng thiếu hormone tăng trưởng thành một cầu thủ vĩ đại đến nhường này. Trong suốt nửa thập kỷ qua, anh chỉ hai lần dính chấn thương, nhưng chỉ phải nghỉ thi đấu tối đa là… vài ngày. Messi được chăm sóc và huấn luyện khoa học, bài bản hơn Maradona, cũng như Maradona được hưởng các điều kiện tốt hơn Pele.
Đó không hẳn là những yếu tố đưa Messi lên đỉnh cao, nhưng là điều giúp anh gặt hái vinh quang một cách bền bỉ và với đam mê gần như nguyên vẹn như hiện tại.
Quá khó để cản Messi ở thời điểm hiện tại
Nhưng Messi vẫn hoàn toàn xứng đáng
Bóng đá đã “tiến hóa” đến không tưởng trong hơn hai thế kỷ, từ một trò chơi mà các cầu thủ chỉ biết cắm cổ chạy thục mạng đến khung thành, cho đến khi được xây dựng với rất nhiều trường phái, các hệ thống chiến thuật và tính toán chi tiết, được phân tích chính xác thậm chí dưới sự hỗ trợ của máy móc.
Bóng đá hiện đại thậm chí đã làm mờ nhạt dấu ấn cá nhân. Tính tập thể cao của nó khiến cho việc một cầu thủ nổi bật trong đội của anh ta trở nên rất khó khăn, chưa kể là nổi bật trên toàn thế giới.
Nhưng Messi là một ngoại lệ. Anh thách thức sự “tiến hóa” của bóng đá, phá vỡ mọi toan tính của nó bằng bản năng thiên phú. Cũng như cười vào sự phủ nhận phũ phàng của nó với dấu ấn cá nhân.
Điều quan trọng hơn cả, anh vẫn chơi bóng với niềm vui và đem lại niềm vui cho tất cả, trong một kỷ nguyên mà bóng đá trở nên công nghiệp đến mức chừa rất ít chỗ cho niềm vui nguyên sơ của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.
Và vì thế, Messi hoàn toàn xứng đáng nhận được mọi sự nuông chiều của bóng đá, vì anh đại diện cho giá trị cơ bản và vĩnh hằng của nó.