Messi đọ huyền thoại: Pele chịu khổ để Messi thăng hoa (P2)
Messi đang tỏa sáng với bóng đá đương đại nhưng không ít cựu danh thủ cho rằng anh được chơi bóng trong thời mà trọng tài bảo vệ anh nhiều hơn so với quá khứ của những Pele hay Diego Maradona.
Lionel Messi là cầu thủ bóng đá nổi bật nhất của thời điểm hiện tại, và tất yếu anh sẽ được so sánh với những huyền thoại vĩ đại khác của bóng đá. Di sản mà Messi đang để lại đặt anh ngang tầm với những ai? Di sản đó to lớn chừng nào? Tiền bối nào có ảnh hưởng lớn nhất lên Messi? Hãy cùng ngược dòng thời gian để so sánh Messi với các huyền thoại trong quá khứ. |
Cách đây không lâu Filipe Luis, hậu vệ biên của Atletico, đã bình luận rằng Lionel Messi được bảo vệ một cách có phần hơi quá mức bởi trọng tài ở La Liga cũng như báo giới TBN, rằng sự bảo vệ dành cho những siêu sao như Messi đã lên tới mức độ quá đáng.
Liệu sự thực Messi có được bảo vệ? Những huyền thoại năm xưa như Pele và Diego Maradona có được bảo vệ như thời bây giờ?
Messi đá bóng trong thời "sung sướng" hơn thời của Pele?
Kỷ nguyên Pele, kỷ nguyên của bạo lực
Kỷ nguyên của Pele là một kỷ nguyên bóng đá không thiếu những nghệ sĩ sân cỏ đỉnh cao, nhưng cũng là giai đoạn mà bạo lực bóng đá tràn lan khắp nơi.
Ở Nam Mỹ, các trận đấu ở cúp Liên lục địa khiến lối chơi bạo lực của các CLB Argentina & Uruguay được biết đến rộng rãi, từ sự kiện 5 cầu thủ bị thẻ đỏ trong trận Racing Club – Celtic năm 1967 cho tới tiền đạo Nestor Combin của AC Milan bị đá bất tỉnh trên sân năm 1969 bởi cầu thủ Estudiantes.
Người Nestor Combin bê bết máu sau trận gặp Estudiantes ở Cúp Liên lục địa 1969
Pele và các CLB Brazil khác đã phải đối mặt với lối chơi triệt hạ của bóng đá Nam Mỹ, tới mức từ năm 1965 các CLB Brazil bắt đầu từ chối tham dự cả Copa Libertadores lẫn cúp Liên lục địa.
Ở châu Âu, World Cup 1966 trở thành một bước ngoặt trong lịch sử giải đấu bởi Pele bị các cầu thủ Bulgaria và Bồ Đào Nha liên tiếp chơi xấu. Điều đáng sợ ở chỗ: Pele bị chấn thương nặng nhưng vẫn phải ở lại sân do khi đó World Cup chưa cho thay người, và những cầu thủ đốn hạ Pele cũng ở lại trên sân vì World Cup chưa dùng đến thẻ đỏ.
Tiền bối của Messi, Diego Maradona, đã từng chơi bóng ở La Liga và khi đó bóng đá TBN là một diện mạo khác hẳn bây giờ. Khi ông gia nhập Barcelona năm 1982, cùng lúc đó Athletic Bilbao của HLV Javier Clemente bước vào thời đỉnh cao nhờ lối chơi cực rắn và máu lửa.
Maradona chấn thương nặng sau một cú xoạc của Goikoetxea năm 1983
Sự nghiệp của Maradona bị đe dọa nghiêm trọng bởi một cú xoạc do Andoni Goikoetxea gây ra tháng 9/1983. Cuối mùa 1983/84 người ta chứng kiến Maradona mất bình tĩnh và ẩu đả với cầu thủ Bilbao sau khi thua chung kết Cúp nhà Vua, trong một trận đấu mà Maradona tiếp tục bị Goikoetxea tìm cách triệt bỏ.
Video Pele bị đối phương triệt hạ
Luật chơi mới, cuộc chiến cũ?
Vì Pele bị triệt hạ ở World Cup 1966 mà giải đấu này năm 1970 đã cho ra mắt thẻ đỏ lẫn quyền thay người (dù đã tồn tại trước đó ở các giải khác), đó cũng là năm mà ĐT Brazil chơi thứ bóng đá đẹp mắt để đi tới chức vô địch và đó cũng là kỳ World Cup có tỷ lệ bàn thắng cao nhất trong lịch sử.
Luật bóng đá cũng thay đổi đáng kể từ đó nhằm khiến các trận đấu ít tính bạo lực hơn và sạch hơn. Những hành vi trước đây không bị trừng phạt như khạc nhổ, văng tục chửi bậy với đối phương thì từ năm 1980 - 1990 đã có án phạt. Huyền thoại Michel Platini, người luôn ca tụng Messi, cũng nói vào năm 2011 rằng trọng tài không bảo vệ những Johan Cruyff, Maradona hay Zidane như cách họ bảo vệ Messi.
Trọng tài La Liga rất nặng tay với những pha phạm lỗi dành cho các cầu thủ ngôi sao
Nhưng không chỉ vậy, bóng đá đã được thương mại hóa rất nhiều và không chỉ các siêu sao mà những đội bóng lớn cũng được thiên vị. Số bàn thắng đáng ngờ mà Barca và Real ghi trong tư thế việt vị xuất hiện khá thường xuyên mùa này qua mùa khác (?). Trong khi đó Messi, Ronaldo, Neymar hay Luis Suarez kiếm 11m ở La Liga không khó, chỉ cần họ lọt được vào vòng cấm và ngã là các trọng tài cũng có thể cắt còi nếu thấy dù chỉ một va chạm rất nhẹ.
Nhưng vì thế có nên cho rằng những gì Messi làm được thời nay không xứng khi so sánh với Pele và Diego Maradona?
Có một vấn đề về La Liga là công tác trọng tài ở đây không chỉ mắc lỗi nhiều, mà tồi hơn nữa là Ban kỷ luật gần như không xem lại tình huống qua video mà chỉ đọc báo cáo của tổ trọng tài. Thế nên mới có chuyện thủ môn Espanyol dẫm lên chân và Pepe dẫm lên tay Messi mà không bị trừng phạt.
Thủ môn Pau Lopez dẫm lên chân Messi nhưng không bị trừng phạt do trọng tài không nhìn thấy và Ban kỷ luật cũng không xem lại video
Messi trên thực tế vẫn phải đối mặt với thứ bóng đá tiểu xảo ở La Liga giống như Maradona từng đối mặt cách đây hơn 30 năm. Nó chỉ diễn ra ít lộ liễu và ít thường xuyên hơn, nhưng cũng như trước kia nó ít khi bị trừng phạt. Mà Messi đã là mục tiêu của sự triệt hạ được một thập kỷ rồi, và tính cách trầm lặng là điều đã khiến anh không bị ức chế như Maradona năm xưa.
Thế nên có thể nói rằng tuy thời thế và luật chơi đã khác, nhưng cuộc chiến bóng đá thì vẫn quyết liệt như xưa. Lionel Messi có thể được trọng tài bảo vệ, nhưng không có sức chịu đựng bền bỉ thì chẳng có trọng tài nào có thể duy trì phong độ của anh được tới một thập kỷ.
Lionel Messi là một danh thủ vĩ đại nhưng anh chưa từng thử sức ở một giải đấu khác ngoài La Liga. Messi có thể thành công ở Premier League hay không và sánh ngang với các huyền thoại ở đó? Hãy đón xem phần 3 vào lúc 10h30 ngày 25/3