Messi đọ huyền thoại: M10 có sợ Ngoại hạng Anh? (P3)
Messi đã chinh phục được La Liga nhiều lần rồi, vậy anh có nên dành chút suy nghĩ đối với Premier League?
Lionel Messi là cầu thủ bóng đá nổi bật nhất của thời điểm hiện tại, và tất yếu anh sẽ được so sánh với những huyền thoại vĩ đại khác của bóng đá. Di sản mà Messi đang để lại đặt anh ngang tầm với những ai? Di sản đó to lớn chừng nào? Tiền bối nào có ảnh hưởng lớn nhất lên Messi? Hãy cùng ngược dòng thời gian để so sánh Messi với các huyền thoại trong quá khứ. |
Đất lành ở đâu, chim đậu ở đó
Lionel Messi vốn luôn được so sánh với Cristiano Ronaldo ở nhiều mặt. Một trong những mặt đó là việc Ronaldo đã thành danh ở La Liga lẫn Premier League, trong khi Messi mới chỉ ở La Liga. Người Anh đùa cợt rằng không biết liệu Messi có tỏa sáng khi “chơi bóng dưới một chiều mưa nặng hạt ở Stoke”.
Lionel Messi đã thành đạt ở La Liga, nhưng anh có chinh phục được Premier League?
Trước tiên phải nói rằng có vô số danh thủ lớn đã từng chơi bóng ở châu Âu và làm nên danh tiếng của mình mà không hề đến với giải Ngoại hạng Anh. Mặc dù bóng đá Anh ngày nay đang sở hữu giải VĐQG được xem nhiều nhất và có tính cạnh tranh khốc liệt nhất, nhưng không phải nhân tài nào cũng đều phải qua đó để được chứng nhận là vĩ đại.
Còn ai nhớ thời hoàng kim của Serie A, khi trong những năm 1980, 1990 và đầu thập niên 2000, đó là giải đấu có nhiều cầu thủ đẳng cấp hàng đầu nhất? Từ năm 1980 cho đến năm 2007, đã có tới 16 người đoạt Quả bóng Vàng của France Football trong khi đang khoác áo một CLB nào đó ở Italia.
Bắt đầu từ Paolo Rossi năm 1982 và 3 năm liên tiếp sau đó của Michel Platini, cho tới 3 lần đoạt giải thưởng tổng cộng từ Ruud Gullitt và Marco van Basten. Danh sách đó cứ kéo dài mãi: Lothar Matthaus, Roberto Baggio, George Weah, Ronaldo, Zinedine Zidane, Pavel Nedved, Andriy Shevchenko và Kaka. Trong năm 1988, 1989 và 1990, bóng đá Serie A quá tuyệt diệu tới mức 3 ứng viên cuối cùng cho QBV mỗi năm đều đang chơi tại Italia.
Mà đó là ta chưa nói đến những danh thủ vĩ đại khác không có dịp đoạt QBV vì những lý do khác nhau, như Paolo Maldini, Franco Baresi, Francesco Totti, Gabriel Batistuta, Alessandro Del Piero, Andrea Pirlo, Zlatan Ibrahimovic và tất nhiên, Diego Maradona.
Không ngạc nhiên khi mọi tài năng lớn trong giai đoạn 1980 – 2007 lại tập trung nhiều đến thế ở Italia. Nền bóng đá này không chỉ là bậc thầy về chiến thuật, mà nền kinh tế của nước này còn bùng nổ nhờ sự phát triển của công nghiệp nặng, mang đến cho các CLB sức mạnh tài chính vượt trội so với phần còn lại của châu Âu (Parma hay Lazio cũng là đội mạnh trong kỷ nguyên ấy).
Shevchenko đối đầu Fabio Cannavaro
Trong những cái tên huyền thoại được đề cập ở trên, chỉ có Andriy Shevchenko đặt chân tới Premier League khi đã ở vào buổi xế chiều sự nghiệp để hưởng lương cao ở Chelsea.
Messi đang có tất cả tại Barcelona, với số chức vô địch đồ sộ, đồng đội hoàn hảo và tiền lương cao nhất giới cầu thủ. Chẳng mấy ai thắc mắc vì sao Shevchenko lại không rời AC Milan trong thời đỉnh cao phong độ để đến Chelsea sớm hơn vài năm, vậy thì Messi có lý do gì mà phải chứng tỏ bản thân ở Premier League?
Giờ có phải quá muộn?
Nhưng tất nhiên chúng ta là fan và chúng ta có quyền mơ tưởng về một ngày không xa một siêu sao của đất TBN như Lionel Messi lại đến chơi bóng ở Premier League. Cảm giác được chứng kiến ma thuật Argentina trên đất Anh, và được thấy anh cùng đồng đội chinh phục chức vô địch Premier League (khó hơn vô địch La Liga nhiều) sẽ thú vị biết chừng nào!
Messi đã đánh bại nhiều đội bóng Anh ở Champions League, nhưng đối đầu nhau hàng tuần ở Premier League có thể sẽ khác
Messi đã đánh bại được khá nhiều đối thủ Premier League trong sự nghiệp mỗi khi thi đấu ở Champions League, nhưng cạnh tranh hàng tuần tại Anh thì là một chuyện khác. Sức ép phải thi đấu ở mức độ cao nhất, phải đối mặt với các cầu thủ cơ bắp có thể bào mòn thể lực lẫn tinh thần của một cầu thủ rất nhanh chóng.
Nếu rời Barca bây giờ thì có lẽ người ta sẽ không được chứng kiến đỉnh cao của Leo tại Premier League. Anh sắp chạm mốc 30 tuổi với gần 42.000 phút chơi bóng hằn lên cơ thể, chịu khoảng một chục ca chấn thương cũng như không ít đòn chơi xấu từ đối phương.
Những huyền thoại lớn của Premier League hầu hết đều đến với giải đấu khi còn trẻ hoặc trong độ tuổi sung sức. Eric Cantona đến MU năm 26 tuổi, Thierry Henry tới Arsenal năm 22 tuổi và Cristiano Ronaldo gia nhập MU khi mới có 18 tuổi. Ít có trường hợp nào tỏa sáng ở Anh khi đến vào tầm tuổi 28-30.
Nếu Messi đến Premier League, anh sẽ không đến nỗi như Shevchenko bởi đẳng cấp của Messi hơn Sheva rất nhiều ở khả năng làm đồng đội tốt hơn. M10 chắc chắn sẽ giành được thành công nhất định, cho dù có thể không lâu dài. Đội bóng mà anh gia nhập cũng phải bao quanh anh với những đồng đội giỏi để khai thác tối đa tài năng của Messi, mà điều này cần thời gian lẫn tiền bạc (nếu cần thiết).
Có khi Bojan Krkic sang Stoke để báo cáo cho Messi về khả năng chơi bóng ở Anh
Nhưng biết đâu Messi đã lên kế hoạch đến Anh từ lâu mà không nói cho ai biết? Bojan Krkic chắc là mật thám được Messi cử đến thăm dò khả năng chơi bóng trong những chiều mưa buồn ở Stoke.
Vậy nên Lionel Messi, xin đừng "nhát". Hãy đến với giải Ngoại hạng, các fan Premier League đang chờ đón anh.
Michel Platini đã từng nói Lionel Messi tỏa sáng trong một kỷ nguyên mà bóng đá đã không còn những hậu vệ hàng đầu để ngăn cản anh? Liệu điều đó có chính xác? Đón xem phần 4 vào lúc 10h30 ngày 26/3!