Mẹ Công Phượng trút bầu tâm sự về thủ lĩnh U19 VN (Kỳ 2)
Trong mắt bà Hoa, cậu con trai Công Phượng không chỉ đá bóng giỏi mà còn là người có nghị lực, quyết tâm “phi thường” và cũng là người con hiếu thảo với cha mẹ…
U19 Việt Nam đang chiếm được cảm tình của người hâm mộ và trong đội hình U19 Việt Nam, tiền đạo Công Phượng được nhiều người mến mộ. Với pha ghi bàn đẳng cấp trong trận U19 U19 Việt Nam thắng U19 Australia, và cả những gì đã trình diễn trong gần 1 năm qua cùng U19 VN, Công Phượng đã trở thành cái tên “gây sốt” của làng bóng đá Việt Nam. Công Phượng là ai, khả năng của anh như thế nào, tại sao người hâm mộ lại “kết” đội trưởng của U19 VN…Hãy cùng theo dõi loạt bài “Công Phượng và cơn sốt của người hâm mộ” để hiểu thêm về một cầu thủ đầy hứa hẹn của bóng đá Việt Nam trong tương lai. |
Video mẹ của Công Phượng kể chuyện về con trai:
* “Người thầy” đầu tiên và chuyện đôi giày đá bóng 11.000 đồng của Công Phượng
Sau khi ghi tuyệt phẩm vào lưới U19 Úc để giúp U19 Việt Nam có được chiến thắng đầu tiên tại giải U19 Đông Nam Á – Cúp Nutifood 2014, Công Phượng đã quá xúc động và không cầm nổi nước mắt của mình. Những giọt nước mắt hạnh phúc của Công Phượng đã rơi khi anh ghi được một trong những bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp cho đến thời điểm hiện tại.
Nhưng theo những chia sẻ của thủ quân U19 Việt Nam, trong giây phút hàng triệu NHM bóng đá Việt Nam đang lâng lâng với tuyệt phẩm vào lưới U19 Úc ấy, những ký ức về người anh trai quá cố đã ùa về trong tâm trí Công Phượng. Không trao đổi được nhiều với Công Phượng sau bàn thắng ngỡ ngàng của anh, nhưng qua câu chuyện với mẹ Phượng, bà Nguyễn Thị Hoa, chúng tôi đã biết thêm nhiều chuyện về ký ức bóng đá một thời thơ trẻ không thể quên của Phượng.
Bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ với phóng viên về cậu con trai Công Phượng
Vài ngày trước đó, mong muốn được trực tiếp xem Công Phượng và đồng đội thi đấu ở sân Mỹ Đình, bà Hoa đã tất tả bán thóc trong nhà để có tiền ra Hà Nội xem con thi đấu (ở nhà bố mẹ Phượng đang xây nhà, để nâng cấp mái nhà lụp xụp cũ thành ngôi nhà cấp 4).
Gia đình khó khăn, không có tiền để thuê nhà nghỉ, khách sạn gần sân Mỹ Đình, bà đành nhờ cậy chỗ ở của một người quen trong làng ở huyện Từ Liêm để trông mong đến giờ ra sân cổ vũ cho con trai và U19 Việt Nam. Bố, chị gái Phượng cũng muốn đi cùng, nhưng phần vì việc nhà, phần vì còn phải để dành tiền, chờ U19 Việt Nam nếu lọt vào chung kết họ mới có điều kiện đi Hà Nội.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi sáng 6/9, bà Nguyễn Thị Hoa – mẹ Công Phượng, đã rất xúc động khi kể về những ký ức không thể nào quên của Công Phượng với người anh trai Công Khoa (hơn Công Phượng 5 tuổi). Theo lời bà Hoa, từ khi mới 4 tuổi, Công Phượng đã biết đi theo anh Khoa ra đồng thả trâu “và chính Khoa là thầy dạy đá bóng đầu tiên của Phượng”.
Thế nhưng, trong một lần đi thả trâu, Khoa đã bị đuối nước và mất. Đó là mất mát quá lớn đối với gia đình bà Hoa nói chung và Công Phượng nói riêng. Kể từ đó, Công Phượng không có ai làm bầu bạn, không có ai dạy đá bóng, thủ quân tương lai của U19 Việt Nam lúc ấy chỉ biết chơi bóng quanh sân nhà và nhiều lúc còn năn nỉ cả bố mẹ ra sân chơi bóng với mình.
Bà Hoa xúc động khi kể về những ký ức không thể nào quên của Công Phượng với người anh trai Công Khoa (hơn Công Phượng 5 tuổi)
Những đam mê với trái bóng của Công Phượng được nuôi dưỡng ngay từ lúc mới 4-5 tuổi ấy, cùng ký ức về những ngày tháng chơi bóng với anh trai khiến tài năng trẻ sinh năm 1995 này thể hiện quyết tâm đi học bóng đá bằng được.
“Bố mẹ dành dụm mãi mới có tiền mua cho Phượng đôi giày với giá 11.000 đồng để đá bóng. Hắn (nó, từ địa phương mẹ Phương nói về con trai – PV) thích lắm, cứ đá bóng suốt ngày vậy thôi, đến nỗi mà giày rách hết cả ra vẫn cứ đá. Đến khi đi xuống Vinh để “thử việc” ở SLNA, các thầy mới hỏi giày đâu không có mà lại đi giày rách. Nhìn Phượng đứng không biết trả lời sao, tôi thương hắn lắm…”, bà Hoa bồi hồi kể lại.
* Không lấy tiền nhà, nhường mẹ tiền phụ cấp
Để có được những thành công bước đầu như ngày hôm nay, Công Phượng đã phải trải qua cả một quá trình dài khổ luyện. Nói về cậu con trai, bà Hoa không khỏi tự hào về nghị lực, quyết tâm vượt khó để học đá bóng bằng cho bằng được của Công Phượng.
Đó không chỉ thể hiện ở việc Công Phượng đã phải không biết bao nhiều lần năn nỉ bố mẹ cho đi xuống Vinh, hay vào Học viện HAGL Arsenal JMG để thi tuyển khi xem được những tin tức tuyển sinh của hai lò đào tạo này qua chiếc tivi trắng đen cũ kỹ của gia đình. So với nhiều đồng đội khác thuộc khóa I Học viện HAGM Arsenal JMG, Công Phượng cũng chịu nhiều thiếu thốn về tình cảm trong suốt 7 năm khổ luyện tại Hàm Rồng.
Bà Hoa không khỏi tự hào về nghị lực, quyết tâm vượt khó để học đá bóng bằng cho bằng được của Công Phượng
“Bạn của Phượng, phần đa gia đình có điều kiện cả. Nhà tôi thì vừa neo người, lại khó khăn nữa. Để có tiền cho bố hắn đưa hắn vào tận HAGL để thi tuyển cũng đã là cả một vấn đề lớn. Vậy nên, chúng tôi ít có dịp vào đấy mà thăm, động viên Phượng. Tôi biết Phượng cũng nhớ nhà lắm, nhưng mỗi lần về thăm nhà tôi lại thấy hắn lớn hẳn và chững chạc hơn”, bà Hoa tự hào nói về cậu con trai.
Bà Hoa kể, mỗi lần Công Phượng về thăm nhà trong thời gian theo học tại Học viện HAGL Arsenal JMG, thương con quá bà lại lo đi chạy vạy, hay thậm chí bán thóc để “dúi cho hắn ít tiền vào đó ăn tiêu, hay mua sắm cho bằng bạn bằng bè”.
Nhưng lần nào cũng thế, không những Công Phượng một mực không lấy một đồng của bố mẹ mà còn đưa lại tiền mà “Phượng dành dụm được từ tiền phụ cấp của Học viện cho mẹ để lo cho gia đình”.
“Mỗi lần Phượng về nhà là làng trên xóm dưới xôn xao hết cả lên. Đám trẻ con đi đến đâu cũng hô Công Phượng, Công Phượng,… Chỉ nhìn thấy tôi chứ chưa thấy Phượng, chúng cũng hô Công Phượng. Mà Phượng có nghị lực, quyết tâm lắm.
Từ quê ra Thủ đô, bà Hoa chỉ quanh quẩn ở khu nhà của người quen cùng làng để chờ ngày ra sân Mỹ Đình cổ vũ Công Phượng chứ không dám đi đâu chơi cho biết phố phường Hà Nội
Về nhà nhưng Phượng không bao giờ quên tập luyện đâu. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng giờ là Phượng lại đi giày ra đồng chạy thể lực. Nhiều người trong làng nói Phượng làm vậy để ra vẻ ta đây giờ là ngôi sao. Phượng cũng nghe được nhiều lời dị nghị, nhưng hắn mặc kệ và bảo các thầy dặn về nghỉ, nhưng vẫn phải tập.
Phượng còn bắt tôi theo ra đồng bấm giờ để hắn chạy bao giờ đúng 20 phút, thở không được nữa mới nghỉ. Về đến nhà, chưa kịp làm gì thì Phượng đã dặn mẹ phải nấu cơm để ăn cho đúng giờ. Cả nhà chuẩn bị đi ngủ rồi, Phượng còn chạy ra chống đẩy mấy trăm lần nữa rồi mới chịu nghỉ. Tôi bảo “tập cái chi mà tập nhiều rứa”, hắn cứ chẳng nói chẳng rằng, rồi lại tập tiếp…”
* Lần đầu tiên trực tiếp xem con và đồng đội chơi bóng ở sân Mỹ Đình, thấy Công Phượng được hâm mộ sau khi ghi bàn, bà Hoa đã nghẹn ngào không nói nên lời và ngỡ ngàng như thế nào? Mời các bạn đón xem bài tiếp theo “Mẹ Công Phượng “hoảng hốt” khi con trai được hâm mộ (Kỳ 3)" vào 10h30, thứ Hai 8/9.