Man City: Thương hiệu lớn thế giới, tên tuổi nhỏ ở VN
Chuyến thăm Việt Nam tháng 7 tới của Manchester City không đơn thuần chỉ là du đấu mùa hè kiếm tiền. Những người đứng đầu Etihad muốn đây là cơ hội để đánh chiếm thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
Việt Nam đã từng là điểm đến của nhiều đội bóng lớn ở châu Âu. Juventus năm 1996, Ajax năm 1999, Olympiakos năm 2009, Frankfurt năm 2010 và nổi bật nhất là Arsenal năm 2013 đã đưa các cầu thủ chính thức đến thi đấu. Nhưng với việc ông Đỗ Quang Hiển thuyết phục được Manchester City sang thi đấu vào ngày 27/7 tới, Man City có lẽ sẽ là đội bóng có giá trị thương hiệu lớn nhất mà chúng ta từng được chào đón từ trước tới nay.
Trong bảng danh sách 20 CLB bóng đá giá trị nhất thế giới theo Forbes, Man City đứng trong nhóm “Super Six” bên cạnh 5 CLB khác là Barcelona, Chelsea, Liverpool, Manchester United và Real Madrid. Nhóm 6 ông lớn này nằm trong top 10 ở 4 hạng mục thống kê quan trọng của Forbes, đó là lượng người theo dõi trên mạng xã hội, doanh thu tiền vé, doanh thu truyền hình và doanh thu thương mại.
Man City đang nằm trong top 6 CLB bóng đá giá trị nhất, theo tạp chí Forbes
Theo thống kê đầu tháng này của Forbes, Man City có 21 triệu người theo dõi trên mạng xã hội (đứng thứ 9 thế giới), 170 triệu USD doanh thu tiền vé (thứ 9), 476 triệu USD doanh thu truyền hình (thứ 5) và 526 triệu USD doanh thu thương mại (thứ 5) từ tiền bán áo đấu và các mặt hàng liên quan. Giá trị CLB được Forbes xác định ở mức 1,3 tỷ USD, tăng 59% chỉ trong vòng 1 năm. Năm 2014 họ còn đang đứng ở vị trí thứ 49 trong top 50 CLB giá trị nhất thế giới.
Nhưng nếu như trên bình diện thế giới Manchester City là một thương hiệu được ưa chuộng và giàu giá trị, họ có ảnh hưởng thế nào ở thị trường Việt Nam, điểm đến của họ trong tháng 7 tới? Về lượng fan, Hội CĐV của Manchester City có 7.000 thành viên (và đây chưa phải là hội CĐV chính thức được Man City công nhận), khiêm tốn khi so sánh với hội CĐV Liverpool (LFCVN – hơn 20.000 thành viên), Chelsea (CFCVN – khoảng 12.000 thành viên thường trực trên fanpage), Arsenal (AFCVN – hơn 50.000 thành viên) hay Manchester United với ước tính hơn 26 triệu CĐV ở mọi miền đất nước.
Để có được sự xuất hiện của Man City ở Việt Nam, bầu Hiển đã tốn 35 tỷ đồng (1 triệu bảng) để mời CLB đến thi đấu. Mức giá này ít hơn hẳn so với gần 50 tỷ đồng chi phí mời Arsenal sang Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên sự chênh lệch mức giá cũng phản ánh sự nhận thức của Man City với thị phần của họ tại Việt Nam, rằng họ vẫn chưa có một chỗ đứng chân vững vàng tại một thị trường đã từ lâu thuộc về hai ông lớn Premier League khác là Manchester United và Arsenal.
Vì vậy, chuyến đi sang Việt Nam của Manchester City không chỉ đơn thuần là du đấu mùa hè kiếm tiền. Những người Anh cũng thèm muốn miếng bánh thương mại mà thị trường Việt Nam mang tới, và họ đã sẵn sàng để gây ấn tượng đẹp nhất có thể tại Mỹ Đình ngày 27/7 tới vì mục tiêu ấy.