Man City đã chính thức giành chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2022/23 sớm 3 trận đấu, bất chấp Arsenal mới là đội nắm giữ ngôi đầu trong phần lớn thời gian. Đây là chức vô địch Ngoại hạng Anh thứ 3 liên tiếp của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Pep Guardiola. Không ngoa khi nói rằng Man City đang thống trị bóng đá xứ sở sương mù.
Ba mùa giải liên tiếp chứng kiến Man City vô địch Ngoại hạng Anh theo những kịch bản khác nhau. Ở mùa giải 2020/21, đoàn quân của HLV Pep Guardiola kết thúc mùa giải với 86 điểm, bỏ xa đội xếp thứ hai là MU tới 12 điểm. Sang mùa giải 2021/22, Man City và Liverpool tạo nên một trong những cuộc đua “song mã” hay nhất lịch sử Ngoại hạng Anh.
Vòng cuối, Man City để Aston Villa dẫn trước 2-0 tới tận phút 75 nhưng chỉ trong 15 phút cuối trận, các học trò của HLV Pep Guardiola ghi liền 3 bàn để thắng ngược 3-2. Ở trận đấu cùng giờ, Liverpool thắng Wolverhampton 3-1 và có những thời điểm trong trận đấu ngang bằng về điểm số với Man City. Chung cuộc, Man City đăng quang với 93 điểm, hơn Liverpool đúng 1 điểm.
Trở lại mùa giải năm nay, Man City từng có giai đoạn kém Arsenal tới 8 điểm. Tuy nhiên, phong độ của Man City trong giai đoạn nước rút quá ấn tượng với 12 chiến thắng liên tiếp, cộng thêm việc Arsenal liên tục sảy chân, đã giúp đội chủ sân Etihad ngược dòng ngoạn mục giành chức vô địch Ngoại hạng Anh thứ 5 trong 6 mùa giải.
Không thể phủ nhận những sự đầu tư mạnh tay của giới chủ Ả Rập đã giúp HLV Pep Guardiola tạo ra Man City bách chiến bách thắng. Tuy nhiên, Man City không phải đội duy nhất chi nhiều tiền cho việc mua sắm ngôi sao.
Nên nhớ rằng MU, Chelsea hay Liverpool cũng mang về rất nhiều bản hợp đồng “bom tấn” trong nhiều năm qua. Điển hình là việc Chelsea dưới thời ông chủ người Mỹ Todd Boehly chi hơn 550 triệu bảng trong 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất. Nhưng như đã thấy, cả ba ông lớn kể trên đều không thể bắt kịp đội chủ sân Etihad.
HLV tạm quyền của Chelsea, Frank Lampard đã phải thốt lên: “Với phong độ của Man City, bạn sẽ không muốn đặt cược vào bất cứ điều gì chống lại họ. Tôi nghĩ họ là đội bóng hay nhất thế giới hiện tại. Điều đó có tốt cho bóng đá Anh không? Vâng, tại sao không? Phần còn lại của giải đấu phải cố gắng đạt được tiêu chuẩn đó.
Nguồn cảm hứng duy nhất phải là những gì Man City đã làm để đạt được vị trí của họ. Việc nâng cao chiếc cúp là điều đáng trân trọng. Nhưng hiểu được lí do tại sao họ duy trì được vị thế như vậy lại là một câu chuyện khác”.
MU đã trải qua 10 năm không vô địch Ngoại hạng Anh, nhưng xét toàn lịch sử, “Quỷ đỏ” vẫn là đội bóng thành công nhất giải đấu cao nhất xứ sở sương mù với 20 lần đăng quang. MU cũng là đội duy nhất có 2 lần vô địch Ngoại hạng Anh trong 3 năm liên tiếp, đều trong thời gian HLV Sir Alex Ferguson tại vị.
Lần đầu tiên là giai đoạn 1998-2001 nhưng thời điểm đó khá xa so với hiện tại để nhắc tới. Hãy nhìn lại giai đoạn 2006-2009. Sau khi trải qua 3 năm liên tiếp chứng kiến hai đội bóng thành London là Arsenal và Chelsea thay nhau nâng cúp, MU đã đòi lại ngôi vương ở mùa giải 2006/07 với 89 điểm, hơn “The Blues” 6 điểm.
Sang mùa giải 2007/08, MU một lần nữa gieo sầu cho Chelsea trong cuộc đua vô địch Ngoại hạng Anh. Bất chấp liên tiếp mất điểm ở 3 vòng đầu và tụt xuống đến vị trí thứ 17, “Quỷ đỏ” vẫn có màn bứt tốc ngoạn mục để lên ngôi vô địch với 87 điểm, hơn “The Blues” vỏn vẹn 2 điểm.
Đến mùa giải 2008/09, MU hoàn tất cú hat-trick vô địch Ngoại hạng Anh liên tiếp lần thứ hai trong lịch sử. Dù bị Liverpool bám đuổi quyết liệt cho đến những vòng đấu cuối cùng, nhưng Sir Alex và các học trò vẫn xuất sắc giành danh hiệu vô địch nước Anh lần thứ 18 với 90 điểm, qua đó cân bằng thành tích của chính “Lữ đoàn đỏ” khi đó.
Nếu HLV Pep Guardiola sở hữu đội hình gồm nhiều cầu thủ chất lượng trải đều các tuyến từ đội hình chính đến dự bị và ông thậm chí được nâng cấp qua từng mùa giải thì Sir Alex hoàn toàn khác. Tất nhiên, chiến lược gia người Scotland vẫn có những ngôi sao như Ronaldo, Rooney hay Tevez trên hàng công, Rio Ferdinand, Vidic, Evra hay Van Der Sar ở hàng thủ, còn tuyến giữa có Paul Scholes, Ryan Giggs hay Michael Carrick.
MU giai đoạn đó bị đánh giá là có sự chênh lệch nhất định giữa đội hình chính và những cái tên dự bị, nếu đem ra so sánh với Chelsea được ông chủ Roman Abramovich đầu tư mạnh mẽ lúc bấy giờ. Dẫu vậy, Sir Alex vẫn biết cách tùy cơ ứng biến để giúp MU thống trị bóng đá Anh 3 mùa giải liên tiếp.
Đến giờ, vẫn ít người hiểu được Sir Alex đã giúp MU duy trì vị thế số 1 ở Ngoại hạng Anh bằng cách nào với những “kép phụ” như Anderson, Cleverley, Welbeck, Evans, O'Shea, hay 2 anh em nhà Rafael và Fabio trong đội hình. Nếu HLV Pep Guardiola tiếp quản MU khi đó, có thể ông đã đẩy đi hết toàn bộ các cầu thủ kể trên như đã làm với Man City trong thời gian đầu.
Điểm chung trong thành công của MU trước đây và Man City hiện tại là họ có hai HLV rất giỏi đua đường dài, đặc biệt trong giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, triết lý hướng đến thành công của hai vị chiến lược gia này lại có đôi chút khác nhau.
Sir Alex đã từng nói: “Tấn công có thể giúp bạn giành chiến thắng một trận đấu. Nhưng phòng ngự mới giúp bạn giành cả một danh hiệu”. Chiến lược gia người Scotland luôn có phương án chiến lược cụ thể để đối phó với mọi đối thủ. Dưới thời Sir Alex, MU chắt chiu điểm số trước các đối thủ yếu hơn và thi đấu sòng phẳng trong các trận đấu mang tính chất “6 điểm”.
Trong khi đó, HLV Pep Guardiola luôn muốn các học trò chơi kiểm soát bóng trong mọi trận đấu. Với chiến lược gia người Tây Ban Nha, tấn công chính là cách phòng ngự tốt nhất. Bên cạnh đó, ông còn sử dụng nhân sự một cách biến hóa. Điển hình là việc đẩy trung vệ John Stones lên chơi như một tiền vệ ở mùa giải này.
Thành công của MU giai đoạn 2006-2009 mang cũng đậm dấu ấn Ronaldo. Siêu sao người Bồ Đào Nha chính là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất cho “Quỷ đỏ” trên con đường đăng quang Ngoại hạng Anh 3 mùa giải liên tiếp. Đỉnh cao ở mùa giải 2007/08, CR7 ghi tới 31 bàn và đoạt luôn danh hiệu Vua phá lưới. Nên nhớ, Ronaldo lúc bấy giờ chơi ở vị trí tiền vệ chạy cánh.
Trong khi đó, HLV Pep Guardiola buộc phải sử dụng “số 9 ảo” trong hai mùa giải 2020/21 và 2021/22. Lý do bởi Sergio Aguero liên tục dính chấn thương, còn Gabriel Jesus “trận nổ trận tịt”. Phải bước sang mùa giải năm nay, chiến lược gia người Tây Ban Nha mới có được miếng ghép hoàn hảo mang tên Erling Haaland.
Ngay trong mùa giải đầu tiên chơi bóng ở Ngoại hạng Anh, Haaland đã chơi chói sáng khi ghi tới 36 bàn sau 34 trận. Thành tích này giúp chân sút người Na Uy phá kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải Ngoại hạng Anh của hai huyền thoại Alan Shearer và Andrew Cole (34 bàn).
Kỷ lục của Haaland được đề cao hơn bởi anh làm được điều đó trong mùa giải 38 vòng. Cole và Shearer lập kỷ lục khi Ngoại hạng Anh còn đá 42 vòng mỗi mùa. Với việc Man City vẫn còn 2 trận đấu nữa, Haaland được dự đoán sẽ nâng cao kỷ lục của chính mình. Một thành tích quá đỗi ấn tượng với một cầu thủ mới “chân ướt, chân ráo” đến giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh.
Nhìn lại quá trình mà MU và Man City vô địch Ngoại hạng Anh 3 lần liên tiếp, hai đội đều có những điểm chung và khác nhau. Thật khó để so sánh đội hình nào mạnh hơn vì đơn giản là hai đội không cùng giai đoạn. Chỉ biết 1 điều rằng MU giai đoạn 2006-2009 và Man City từ 2020-2023 đều xứng đáng lọt vào những đội hình vĩ đại bậc nhất lịch sử Ngoại hạng Anh.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |