Man City, Pep và âm mưu "thâm hiểm" thống trị bóng đá toàn cầu
Man City đang thành công ở Premier League với Pep Guardiola dẫn dắt, nhưng tham vọng của họ không chỉ dừng ở nước Anh.
Sơ lược về tập đoàn City Football Group
10 năm trước Man City còn không phải đối thủ của hàng xóm MU, nhưng mùa giải này người ta đang tranh cãi xem đội quân của Pep Guardiola có phải một trong những đội bóng mạnh nhất trong lịch sử Premier League do khởi đầu quá ấn tượng và bỏ xa tất cả các đối thủ còn lại.
Man City đang băng về chức vô địch Premier League mùa 2017/18
Pep Guardiola được bổ nhiệm vào năm 2016 và ông tất nhiên được giao trách nhiệm giúp City thống trị bóng đá Anh cũng như vươn tay ra châu Âu để đoạt một chức vô địch Champions League. Nhưng tham vọng thống trị của Man City không chỉ dừng ở mỗi việc có Pep trên ghế HLV trưởng, kế hoạch của họ còn rộng khắp trên phạm vi toàn thế giới.
Kế hoạch đó mang tên City Football Group (CFG), một tập đoàn sở hữu (hoặc đồng sở hữu) 6 CLB trên 4 lục địa khác nhau, với biên chế gồm 240 nam cầu thủ chuyên nghiệp. Hàng trăm cầu thủ tuổi teen được chọn lọc kỹ càng để thi đấu ở các đội trẻ của CFG. Tham vọng của tập đoàn này là thu thập những cầu thủ trẻ hàng đầu thế giới và đào tạo họ thành những ngôi sao tương lai của các CLB được CFG sở hữu, hoặc bán đi để thu lợi nhuận.
Siêu tập đoàn
Ý tưởng của CFG được bắt nguồn bởi Ferran Soriano, CEO của Man City. Theo quan điểm của Soriano, ngành kinh doanh bóng đá là một ngành dù thương hiệu của các CLB là khổng lồ nhưng lợi nhuận lại rất bèo bọt. “Một CLB toàn cầu với 500 triệu fan theo dõi hàng năm có lẽ chỉ thu về khoảng 500 triệu euro”, Soriano ước tính.
Man City là lá cờ đầu của tập đoàn City Footbal Group
Soriano đề xuất ý tưởng thành lập một tập đoàn bóng đá sở hữu một lúc nhiều CLB để thu về lợi nhuận khổng lồ. Ý tưởng này đã bị Barcelona từ chối, nhưng Soriano tìm thấy sự đồng thuận từ những ông chủ Arab của Man City, những người không thiếu tiền và dám đầu tư.
Từ khi Soriano nhậm chức ngày 1/9/2012, CFG đã thành lập CLB New York City FC thi đấu ở giải nhà nghề Mỹ MLS, đồng sở hữu CLB Melbourne City ở Australia, nắm một cổ phần nhỏ của CLB Yokohama Marinos ở Nhật Bản. Họ mua Atletico Torque, một CLB Uruguay thành lập năm 2007 nhưng mới chỉ đá chuyên nghiệp từ 2012, và tốn chỉ 3,5 triệu euro để nắm 44% cổ phần của CLB Girona, đội mùa này đang thi đấu ở La Liga.
Girona trở thành “sân sau” cho Man City gửi gắm các cầu thủ trẻ để rèn luyện kinh nghiệm, và sự tồn tại của CFG cho phép họ thuyên chuyển cầu thủ giữa các CLB con một cách thoải mái. Nếu họ được rao bán, các CLB của CFG sẽ được ưu tiên mua trước.
Ý đồ thương mại của Soriano là “nếu một CĐV yêu mến New York City, nhiều khả năng họ cũng sẽ yêu thích Man City”. Là một chuyên gia marketing lọc lõi, Soriano nói chữ “City” rất có giá trị marketing trong việc thành lập các đội bóng, vì đây là chữ có thể dễ dàng gắn vào sau tên các thành phố.
Thống trị thế giới
Nhiều CĐV trong những năm gần đây đã bắt đầu lo ngại về ý tưởng này, cho rằng các CLB giàu có sẽ tha hồ làm gì thì làm và biến đại đa số các đội bóng nhỏ thành những lò tuyển cầu thủ cho Man City hay PSG, thay vì là bộ mặt đại diện cho cộng đồng địa phương.
Pep Guardiola và triết lý của ông không chỉ là cho Man City, mà cho tất cả các CLB của City Football Group
Nhưng thực tế là với sự thương mại hóa ngày càng lớn của bóng đá thế giới, tất yếu những tập đoàn đa quốc gia sẽ xuất hiện. Có quá nhiều tiền để kiếm trong lĩnh vực này và nếu Man City không nhảy vào, họ sẽ chậm chân trước PSG hay một CLB giàu có nào đó.
Những tập đoàn như CFG tồn tại cũng không phải điều xấu. Nếu không vì CFG thì Girona làm sau lên được tận La Liga và thậm chí thắng Real Madrid? CFG sẽ tốt cho bóng đá Brazil, ngay cả những CLB giàu nhất nước này cũng bị các đại gia châu Âu “hút máu” khiến giải VĐQG Brazil như giải đấu cho những cầu thủ sắp giải nghệ.
CFG nếu tồn tại sẽ giúp Brazil có những học viện đào tạo cầu thủ với giáo trình tốt nhất và cơ sở vật chất tập luyện hàng đầu. Các cầu thủ ở những học viện này sẽ được thơm lây, họ có thể sẽ không vươn tới các đội mạnh như Man City nhưng ít nhất cũng sẽ được chú ý và mời về thi đấu do được đào tạo ở những học viện nổi tiếng.
Và Man City sẽ có một nguồn cầu thủ trẻ sẵn sàng kế cận đội 1. Chelsea cho mượn khoảng 30 cầu thủ trẻ nhưng đám này thi đấu cho những CLB mà lối chơi khác nhau, cách huấn luyện khác nhau và do đó không ít sao trẻ đã tắt lịm. Man City có thể cho sao trẻ của mình đá ở Girona, một CLB vẫn với lối đá như Man City, và họ khi về là có thể kế cận đàn anh.
Man City đang có một kế hoạch đầy tham vọng: Nắm nhiều fan từ nhiều châu lục nhất có thể, đào tạo ra những cầu thủ giỏi nhất có thể và kiếm nhiều tiền nhất có thể.
Với 13 điểm kém Man City, cuộc đua vô địch Ngoại hạng Anh đã không còn chỗ cho MU.