Man City khủng hoảng: "Vương triều” sắp sụp đổ, Pep không còn là chính mình
Man City đang sa sút đầy bất ngờ và Pep Guardiola chưa có giải pháp chặn đà khủng hoảng.
Các bàn thắng của Liverpool trước Man City
Liverpool thắng Man City 2-0 như… một phép lạ. Đấy là “phép lạ” cho Man City, khi họ “chỉ” thua 2 bàn. Lẽ ra Man "xanh" đã có thể thua đến 3-4 chỉ trong hiệp đầu. Lần đầu tiên trong mùa bóng này, Man City phải hứng đến 18 cú sút. Lần đầu tiên trong mùa bóng này, Man City sút bóng ít hơn bị sút. Cũng là lần đầu tiên, ít ai ngạc nhiên khi thấy Man City thua trận…
Pep đã "rơi xuống mặt đất"
Từ năm 2010, HLV Pep Guardiola đã dẫn dắt Barcelona, Bayern Munich, Man City thi đấu 492 trận ở các giải La Liga, Bundesliga, Premier League. Các đội bóng do ông dẫn dắt kiếm được tổng cộng 1.177 điểm. Tỷ lệ trung bình 2,4 điểm/trận. Tính ra trong một mùa bóng có 38 vòng, bình quân đội bóng của Pep đạt được trung bình 91 điểm mỗi mùa.
Pep Guardiola phải đối mặt với muôn vàn thách thức ở mùa giải 2024/2025
Đấy là con số cao hơn điểm số của nhà vô địch danh giá nhất trong kỷ nguyên Premier League: Arsenal ở mùa bóng 2003/2004. Arsenal khi ấy là nhà vô địch duy nhất không thua trận nào trong suốt mùa bóng, và đấy là lần duy nhất ban tổ chức Premier League phải mạ vàng toàn bộ chiếc cúp vô địch trước khi trao cho Arsenal. Mùa ấy, Arsenal được 90 điểm ở giải Ngoại hạng.
Mùa này, Man City của Pep Guardiola được 23 điểm sau 13 vòng đấu ở Premier League. Bình quân 1,77 điểm/trận. Với con số này, thành tích sau 38 vòng sẽ là 67 điểm. Có lẽ chưa bao giờ bản thân Guardiola nghĩ đến một con số thấp như vậy.
Điểm số tệ nhất trước đây của ông là 78 điểm (ở mùa đầu tiên ông đến Man City cầm quân, 2016/17). Kể cả trong những năm hành nghề ở Bundesliga, giải đấu chỉ có 34 vòng mỗi mùa, cũng chưa bao giờ Pep kết thúc mùa bóng với điểm số thấp hơn 79.
Pep nhắc nhở dư luận rằng ông đã bao nhiêu lần vô địch Premier League
Những gì đang diễn ra với Pep đều là kỷ lục cá nhân của ông về sự thất bại. Kỷ lục với Pep đã xuất hiện từ lâu, chẳng qua nó cứ kéo dài. Vốn chưa bao giờ thua liên tiếp hơn 3 trận (tính chung mọi giải), giờ Pep đã biết thế nào là 5 trận thua liên tiếp. Ông không hề thắng trong 7 trận gần đây, gồm 4 trận thua liên tiếp ở Premier League. Trước đây, chưa bao giờ đội bóng của Pep dẫn trước 3 bàn đến tận phút 75 mà lại bị gỡ 3-3. Chưa bao giờ ông thua với cách biệt nhiều hơn 4 bàn…
Hậu quả là ngay lúc này, Man City đã bị hất ra khỏi “top 4” ở Premier League (chứ khoan nói chuyện tranh ngôi đầu bảng với Liverpool). Và thầy trò Pep chỉ đang đứng thứ 17/36 ở Champions League, nằm trong khu vực các đội bóng phải đá play-off để được lọt vào vòng 16 đội. Đây thật sự là cú khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Pep Guardiola bắt đầu huấn luyện. Không ai có thể tưởng tượng Man City thậm chí đứng dưới… Brighton, ở cột mốc 1/3 mùa bóng tại Premier League.
Vì sao lại thua khi không có Rodri?
Ai cũng cho rằng sự vắng mặt vì chấn thương của tiền vệ Rodri là nguyên nhân chính khiến Man City sa sút không phanh. Nếu vậy thì phải phán luôn Man City không thể gượng dậy, vì Rodri phải nghỉ đến hết mùa bóng? Kỳ thực, Rodri đúng là nguyên nhân quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Vấn đề đặt ra vì sao Man City lại sụp đổ khi không có Rodri? Tiền vệ này tuy có hay thật, nhưng không phải là một siêu tượng đài.
Rodri vắng mặt khiến Man City phong độ sa sút nghiêm trọng
Guardiola vươn lên thành HLV xuất sắc nhất thế giới nhờ triết lý giữ bóng và lối chơi Tiki-taka huyền thoại. Triết lý của Pep: nếu quả bóng nằm trong chân bạn thì đối phương ghi bàn kiểu gì? Cầu thủ của Pep giữ bóng bằng cách liên tục chuyền ngắn cho nhau, đến một mức độ siêu nhuần nhuyễn. Khi một cầu thủ chuẩn bị nhận bóng thì các vị trí xung quanh đã phải di chuyển sao cho cầu thủ nhận bóng có ngay 3-4 giải pháp đơn giản cho đường chuyền tiếp theo. Cứ thế mà chuyền mãi.
Cầu thủ trong lối chơi này phải di chuyển liên tục, nhưng không tốn sức vì họ luôn nắm thế chủ động và không thay đổi tốc độ đột ngột. Đối phương bị hụt hơi do phải liên tục đuổi theo quả bóng và luôn ở thế bị động. Cho đến khi hàng thủ đối phương lộ ra chỗ sở hở thì Tiki-taka tung đòn quyết định, chuyền đường cuối cùng để dứt điểm, hoặc… chuyền luôn vào khung thành toang hoác.
Trước đây, người xem dễ có cảm giác đội bóng của Guardiola gồm 11 tiền vệ, chẳng qua họ đứng theo nhiều tầng khác nhau. Trên thực tế, đội tuyển Tây Ban Nha (cũng chơi như vậy, vì ảnh hưởng của Barcelona) từng gây tiếng vang khi ra sân với đội hình không có tiền đạo. Họ dùng 6 tiền vệ, đứng theo 2 tầng, trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3-0, và vô địch Euro 2012.
Nói đến Pep Guardiola là phải nói đến các đặc điểm chuyên môn vừa nêu, bất kể sau này người ta có gọi lối chơi của ông là Tiki-taka hay không. Tranh cãi chuyên môn lớn nhất mà Guardiola từng gây ra khi huấn luyện Man City là việc gạt tiền đạo danh giá Sergio Aguero ra khỏi đội hình.
Guardiola trông cậy vào Rodri bởi sự áp đảo tuyến giữa luôn là ưu tiên chiến thuật của ông
Aguero thuộc mẫu trung phong phải hoạt động ngay trong vùng cấm địa đối phương thì mới phát huy sở trường ghi bàn. Guardiola không chấp nhận. Trung phong nào đi nữa, cũng phải lùi về tham gia nhiều hơn vào khâu phối hợp. Aguero chuyển sang Barcelona. Man City của Pep vẫn vô địch Premier League mà không cần có tiền đạo thực thụ, trong suốt mùa bóng. Và Guardiola chính thức trở thành HLV xuất sắc nhất, thành công nhất, nổi tiếng nhất thế giới.
Vậy, đâu là chỗ quan trọng của Rodri, khi đội bóng của Guardiola vận hành như thể đấy là 11 tiền vệ? Xin thưa, những gì vừa nêu, nay… không còn nữa. Từ chỗ như có 11 tiền vệ, Pep giờ chỉ còn… 1 tiền vệ, đó chính là Rodri. Từ chỗ không chấp nhận một tiền đạo cự phách người Argentina, “nhãn hiệu” số 1 thế giới về tiền đạo, vì tiền đạo ấy “chỉ biết ghi bàn”, Pep giờ lại phụ thuộc vào một tiền đạo người Na Uy, Erling Haaland. HLV số 1 thế giới đã thay đổi hẳn so với chính mình, khoảng 2 năm nay.
Phụ thuộc vào một chân sút Na Uy
Kể từ khi có Haaland (mùa bóng 2022-23), cỗ máy chuyền bóng Man City chuyển dần thành cỗ máy chuyền dài. Tất nhiên, Man City của Pep hay bất kỳ đội bóng nào khác đều biết chuyền dài để phản công, hoặc tấn công nhanh. Chẳng qua trước đây họ không chơi như thế.
Haaland đang mất dạng cho cả các trận lớn nhỏ của Man City
Lối chơi của Man City thay đổi rất lớn từ khi có Haaland. Bản thân Haaland hầu như chẳng làm gì trong cái gọi là “lối chơi toàn đội”. Anh phối hợp rất ít, cũng chẳng di chuyển tạo khoảng trống, hoặc lôi kéo hậu vệ. Anh chạm bóng rất ít. Anh chỉ ghi bàn, và ghi rất nhiều bàn. Có lúc, người ta tính ra rằng Haaland chỉ chạm bóng bình quân 8,57 lần để có một bàn.
Tính từ Haaland khi gia nhập, Man City đến đầu mùa này có 22,7 lần chạm bóng cho 1 bàn thắng! Haaland hòa nhập thế nào ư? Phải nói ngược lại: Man City phải hòa nhập với Haaland, thậm chí Pep phải hòa nhập với Haaland!
Trớ trêu ở chỗ, mùa đầu tiên Haaland xuất hiện (2022/23) chính là mùa bóng vĩ đại nhất của cả Man City nói chung, cũng như Pep nói riêng, khi họ vô địch Champions League, Premier League và cúp FA. Đưa được Man City lên ngôi vô địch Champions League mới thật sự huy hoàng, chứ Barcelona mà vô địch Champions League thì dễ, còn Bayern Munich vô địch Bundesliga thì chỉ là… lẽ đương nhiên.
Câu chuyện Pep Guardiola cũng như Man City nói chung phải phụ thuộc vào Haaland trở thành phương châm bền vững. Làm sao thì làm, cứ phải tìm cách đưa bóng cho Haaland. Tiền vệ công, hay hậu vệ cánh đều phải hướng đến mục tiêu quan trọng ấy. Và thế là, chỉ còn mỗi thủ lĩnh Rodri đảm trách mọi chuyện quan trọng còn lại. Vì Rodri quá hay nên Pep càng ỷ lại, và tất cả bỗng “toang” khi Rodri chấn thương nghiêm trọng, phải nghỉ đến hết mùa.
Các cầu thủ tấn công của Man City đang rất kém trong khâu ghi bàn
Hàng thủ lỏng lẻo. Hàng công pressing không hiệu quả, hoặc không tích cực. Đội hình mất cân bằng từ nhân sự đến lối chơi. Lực lượng không quá dày. Đấy là những điểm yếu của Man City mùa này.
Nhưng tất cả đều bị che đi khi Haaland khởi đầu mùa bóng quá “sung”. Man City toàn thắng 4 vòng đầu tiên, ghi 11 bàn, trong đó có… 9 bàn của Haaland. Pep thậm chí đã thử nghiệm việc cho Rodri nghỉ ngơi vào đầu mùa. Mateo Kovacic thay vai, ban đầu tỏ ra ổn thỏa.
Nhưng chỉ sau vài trận đã lộ rõ Rodri là tiền vệ không thể thay thế. Anh trở lại, và chấn thương trong trận gặp Arsenal ở vòng 5. Man City suýt “chết” trước Arsenal (gỡ hòa 2-2 ở phút 90+8). Kể từ trận ấy, nhà ĐKVĐ chỉ thắng 3, hòa 2, thua 4 ở Premier League. Họ thắng các đội yếu Slovan Bratislava và Sparta Prague ở Champions League, nhưng thua Sporting và hòa Feyenoord.
Haaland không thể thăng hoa mãi. Gần đây, số liệu thống kê chỉ ra rằng anh là cầu thủ phung phí cơ hội nhiều nhất trong cả 5 giải đấu lớn. Đấy thuần túy là thất bại cá nhân, ở khâu ghi bàn.
Và khi cả một “vương triều” bỗng sụp đổ vì một cá nhân rớt phong độ, và (hoặc cùng) một cá nhân khác không thể thi đấu, thì thật ra vương triều ấy đã "mục nát" rồi, chỉ chờ sụp đổ mà thôi. Với Pep Guardiola, từ lâu ông đã không còn là chính mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc đấu giữa Arsenal và MU chính là tâm điểm của vòng 14 Ngoại hạng Anh. Trong khi đó, Man City dự báo sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn.