Man City: Chỉ biết đá… Cúp C2
Đây đã là mùa giải thứ 5 liên tiếp Man City không thắng trận đầu tiên trên sân nhà ở mỗi chiến dịch Champions League, và dù đã bỏ ra hàng trăm triệu bảng đầu tư đội hình, "The Citizens" vẫn đang loay hoay đi tìm câu hỏi ở cấp độ châu lục.
Nhìn lại thất bại 1-2 của Man City trước Juventus ở vòng bảng Champions League:
Cả hai đội bóng thành Manchester đều thất bại cùng ngày, trước hai đội bóng đã từng vô địch cúp châu Âu. So với thất bại của MU trước một PSV được đánh giá dưới cơ hơn, thất bại của Man City là trước đương kim Á quân Juventus nên cũng không đến nỗi quá mất thể diện.
Ngoại trừ một điều, Man City lẽ ra phải có điểm. Man City đã dẫn 1-0 cho đến phút 70, cầm bóng 55,2% thời lượng trận đấu và sút 13 lần (so với 10 lần của Juve). Họ vẫn cần đến Giorgio Chiellini đá phản lưới nhà để vượt lên, nhưng bàn thắng nào cũng là bàn thắng. Tuy nhiên rốt cuộc “The Citizens” vẫn bị lội ngược dòng 1-2, với 2 bàn thắng theo hai phong cách khác nhau của Mario Mandzukic và Alvaro Morata.
Man City mùa thứ 5 liên tiếp không thắng trong trận sân nhà đầu tiên ở Champions League
Juventus đã không chơi quá hay, nhưng Man City nên tự trách mình khi Raheem Sterling và Wilfried Bony bỏ lỡ khá nhiều cơ hội ăn bàn rõ rệt khiến Sergio Aguero bị đau nhẹ vẫn phải vào sân cứu điểm ở cuối trận (nhưng bất thành). Nhưng thời điểm mà đội bóng của HLV Manuel Pellegrini thực sự sụp đổ là khi đội trưởng Vincent Kompany phải rời sân do chấn thương, trao lại hàng thủ cho cặp trung vệ lần đầu tiên đá cùng nhau Mangala – Otamendi.
Trước trận đấu này, Juve đang có phong độ rất tệ với 1 điểm sau 3 trận ở Serie A, trong khi Man City toàn thắng sau 5 vòng ở Premier League và thậm chí chưa thủng lưới. Nhưng bất chấp phong độ thế nào, dường như khi phải đi đá cúp châu Âu họ lại bị choáng ngợp và không ứng biến hợp lý trước những diễn biến lối chơi của đối thủ, kể cả khi có đội hình mạnh nhất. Đây đã là mùa giải thứ 5 liên tiếp Man City không thắng được trận ra quân Champions League trên sân nhà.
Lịch sử đã nói rằng Manchester City như một anh khờ ở mặt trận châu lục. Kể từ lần đầu tiên dự cúp châu Âu trong mùa giải 1968/69 khi góp mặt ở cúp C1, City đã rất đều đặn thể hiện sự non kém của mình bất kể trong thời hoàng kim của CLB.
Barca 2 năm liên tiếp cho City ra về sớm
Sau khi đoạt chức vô địch Anh năm 1968, HLV Malcolm Allison của Man City đã huênh hoang nói đội bóng của ông sẽ “làm châu Âu khiếp sợ” và “tấn công như chưa ai từng làm được kể từ những năm của Real Madrid”. Man City chạm trán Fenerbahce ở vòng 1 và Allison khinh địch đến độ không thèm đi khảo sát đối thủ mà chỉ dựa vào báo cáo của một cựu HLV người Anh từng dẫn dắt đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là “The Citizens” thua 1-2 sau 2 lượt trận.
Sau lần bị loại xấu hổ ấy, Man City có được thành công ở Cup C2 khi đoạt chức vô địch năm 1970 và vào bán kết năm 1971. Nhưng tiếp đến là 3 lần liền bị loại ở vòng 1 của UEFA Cup, và sau khi lọt tới tứ kết của giải đấu này năm 1979, Man City đã phải đợi 24 năm để trở lại cúp châu Âu mùa 2003/04. Trở lại với Champions League mùa giải 2011/12, Man City hai năm liền bị loại từ vòng bảng trước khi có hai mùa liên tiếp dừng bước ở vòng 16 đội, cả hai lần Barcelona đều đóng vai “kỳ đà cản mũi”.
Việc góp mặt “ngắn ngày” ở các lần dự cúp châu Âu của Man City khiến nhiều người có dịp chê cười đội hình tốn hơn trăm triệu bảng để xây dựng của Sheik Mansour. Thế nhưng dường như những thất bại như thế này đến từ sự thất thế trong khả năng huấn luyện và gây dựng lối chơi hơn là do tài năng cầu thủ.
Manuel Pellegrini có vẻ không phù hợp để đưa City tới vinh quang châu Âu
Man City có thể lắm ngôi sao nhưng họ không có một HLV thực sự quyết đoán để phản ứng linh hoạt trong các trận đấu cúp. Roberto Mancini đã luôn thất bại ở Champions League dù dẫn dắt Man City hay Inter Milan, trong khi thành công lớn nhất của Pellegrini ở cúp châu Âu lại là khi làm việc cho những CLB ít ngôi sao như Villarreal hay Malaga, nhưng thất bại với Real Madrid.
Cách đây 10 năm, Chelsea cũng dùng tiền xây đội hình như Man City nhưng HLV Jose Mourinho đã từng đăng quang châu Âu cùng Porto và thừa bản lĩnh để đưa Chelsea 2 lần vào bán kết trong 3 mùa giải. Man City cần một HLV tầm cỡ như thế để tiến xa ở cấp độ châu lục.
Lịch sử dự cúp châu Âu của Manchester City | ||
Mùa giải | Giải đấu | Kết quả |
1968-69 | Cúp C1 | Vòng 1 |
1969-70 |
Cúp C2 |
Vô địch |
1970-71 |
Cúp C2 |
Bán kết |
1972-73 |
UEFA Cup |
Vòng 1 |
1976-77 |
UEFA Cup |
Vòng 1 |
1977-78 |
UEFA Cup |
Vòng 1 |
1978-79 |
UEFA Cup |
Tứ kết |
2003-04 |
UEFA Cup |
Vòng 2 |
2008-09 |
UEFA Cup |
Tứ kết |
2010-11 |
Europa League |
Vòng 16 đội |
2011-12 |
Champions League |
Vòng bảng |
Europa League | Vòng 16 đội | |
2012-13 |
Champions League |
Vòng bảng |
2013-14 |
Champions League |
Vòng 16 đội |
2014-15 |
Champions League |
Vòng 16 đội |