Lý thuyết và thực chiến
Sau năm năm rèn luyện, đến tuổi 16-17, các em của lò HA Gia Lai - Arsenal JMG mới bắt đầu tập hợp lại thành đội bóng và thi đấu trong đó chủ yếu là giao hữu.
Năm 2013 vừa qua, các em mới thi đấu hai giải chính thức là U-19 Đông Nam Á và vòng loại U-19 châu Á ở Malaysia. Trong khi U-19 AS Roma hay U-19 Nhật đã thi đấu từ cấp độ U-11, U-12 đến U-17…
Các cầu thủ U-19 có lý thuyết giỏi nhưng thực chiến thì chưa thể bằng các đối thủ là vì thế.
Nhưng có thể nói Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG đang đi đúng hướng. Chúng ta cần những cầu thủ toàn diện nhất về mặt kỹ năng, sau đó là giai đoạn tiếp thu tư duy chiến thuật để có thể thích nghi với mọi đội bóng. Cái đích cuối cùng vẫn là “xuất khẩu” cầu thủ đá cho các giải quốc gia ở những châu lục và đội tuyển quốc gia trong tương lai. Còn những giải cấp độ U-19 như hiện tại dù là vòng chung kết châu Á hay U-20 thế giới thì vẫn chỉ là bước đệm.
Ép các em chín quá sớm sẽ không cho ra những trái ngọt thật sự.
Đây là đội bóng của tương lai. Chúng ta đang có những tài năng toàn diện từ trong trường học và qua thời gian thực chiến nhiều hơn, chúng ta sẽ có đội bóng.
Ép các em chín quá sớm sẽ không cho ra những trái ngọt thật sự.
Nên đưa HLV Graechen Guillaume sớm trở lại học viện. Ông là một thầy giáo giỏi trong học viện, phát hiện và rèn giũa kỹ năng cho các học sinh tuyệt vời nhưng chưa phải là một HLV chiến trường, giỏi tài thao lược chiến thuật… Bản thân Tập đoàn JMG cũng hiểu rõ điều này nên mới tạo điều kiện cho ông đi tích lũy kinh nghiệm ở các quốc gia khác nhau. Giống như U-19 Việt Nam khi đã thật sự hoàn thiện ở trong học viện, ông sẽ tiếp tục được bồi dưỡng trở thành HLV tài năng trong tương lai.
Cuối cùng, có nên bổ sung một chuyên gia chiến thuật bổ sung cho HLV Graechen Guillaume tại vòng chung kết U-19 châu Á ở Myanmar? Hay để dành ước mơ châu lục và World Cup thêm một thời gian nữa sẽ tốt hơn?