Lý do VFF chọn HLV thể lực Martin Fokel cho tuyển VN
Cựu tuyển thủ U21 quốc gia Đức, Martin Fokel được VFF “chọn mặt gửi vàng”, giao công việc làm chuyên gia thể lực cho đội tuyển Việt Nam dưới trướng HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Xét trên hồ sơ, bản lý lịch của ông Martin Fokel không thực sự “khủng” nếu so với người đồng hương Jurgen Gede, hiện đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc kỹ thuật cho bóng đá Việt Nam.
VFF ký hợp đồng với HLV Martin Fokel
Ông Martin Fokel sinh năm 1979, độ tuổi còn khá trẻ. Trong sự nghiệp thi đấu, ông Fokel từng khoác áo các đội tuyển U20 và U21 Đức. Năm 2014, ông Fokel kết thúc sự nghiệp thi đấu, chuyển sang làm công tác trẻ ở đội Saarbrucken.
Việc VFF ký hợp đồng với HLV Martin Fokel vì vậy khiến khá nhiều người bất ngờ.
TTK Lê Hoài Anh cho hay, quá trình đàm phán đã hoàn tất và hiện ông Fokel chỉ còn chờ để sang Việt Nam bắt tay vào việc, dự kiến vào cuối tháng 7 này. Nhiệm vụ của HLV Fokel là phụ trách công tác thể lực cho đội tuyển Việt Nam, đích ngắm là AFF cup 2016. Tuy nhiên trong khi chờ đợi tới AFF cup, ông Fokel sẽ hỗ trợ khâu thể lực cho tuyển U19, đang chuẩn bị cho giải U19 Đông Nam Á tại Lào.
Như vậy, cùng với ông Jurgen Gede, các HLV người Đức đang “đổ bộ” sang Việt Nam sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên thay nhà cầm quân người Nhật Bản, Toshiya Miura. Theo tìm hiểu, HLV Hữu Thắng hiện đang cần thêm 1 bác sĩ cấp cao nước ngoài. Không loại trừ khả năng, nhân vật này sẽ lại đến từ Đức. Điểm khá trùng hợp, HLV Hữu Thắng từng tu nghiệp tại Đức, với quan điểm cầm quân thực dụng.
Được biết, trước khi ký hợp đồng với HLV Fokel, VFF đã tham khảo ý kiến HLV Nguyễn Hữu Thắng, và nhà cầm quân xứ Nghệ cũng nhất trí với phương án chọn ông Fokel.
“Lý lịch chỉ là một phần, bởi khi lựa chọn chúng ta cần đánh giá HLV đó có phù hợp với Việt Nam hay không. Nhiều HLV nổi tiếng trên thế giới khi chưa thành danh cũng có hồ sơ rất bình thường”, một thành viên Hội đồng HLV quốc gia cho hay.
Trong khi đó, theo Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, bóng đá Nhật Bản (với các HLV của nước này là những đồng nghiệp tiền nhiệm của “ê-kip” các HLV người Đức) vốn tiếp thu, học hỏi khoa học bóng đá của Đức.
“Họ có học cả Brazil, nhưng đó chỉ là phần ngọn. Còn nền tảng của nền bóng đá Nhật Bản là từ Đức, bao gồm từ khâu đào tạo trẻ trở lên. Việc chúng ta lựa chọn chuyên gia, HLV người Đức vì vậy là bình thường”, ông Trần Quốc Tuấn nói.
Theo Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, việc ký hợp đồng với các HLV người Đức vì vậy không xung đột với quan hệ hợp tác phát triển bóng đá giữa Nhật Bản và Việt Nam.
“Nhật Bản là đối tác của chúng ta trên nhiều lĩnh vực, và trong bóng đá cũng bao gồm các cấp độ khác nhau. Phía họ đang và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam. Về điểm này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng bởi văn hoá hợp tác của người Nhật luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu”, ông Trần Quốc Tuấn cho biết.