Lượt đi V-League 2017: Trọng tài thành mớ “bung xung”
Xuyên suốt 13 vòng đấu của lượt đi Toyota V-League 2017, các sự cố liên quan tới trọng tài trở thành tâm điểm, át cả chuyện chuyên môn giữa đội bóng với nhau. CLB phản ứng trọng tài “như cơm bữa”, bất kể đúng sai.
Nổi cộm nhất có lẽ là sự cố trên sân Thống Nhất trong trận đấu của CLB TPHCM với Long An chiều 19/2. Do phản ứng quyết định thổi phạt 11m của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, toàn bộ các cầu thủ Long An đã không chịu thi đấu, đứng im cho TP Hồ Chí Minh sút tung lưới 2 lần. Trước đó, thủ môn Minh Nhựt của Long An cũng quay lưng không bắt quả đá phạt penalty do tiền đạo Victor thực hiện cho TPHCM.
HLV Petrovic lao tới đòi ăn thua đủ với các trọng tài trong tình huống không công nhận bàn thắng của CLB Thanh Hóa ở phút 88 trận đấu ngày 19/3 giữa Thanh Hóa và CLB Hà Nội.
Vì phản ứng này, Chủ tịch Long An Võ Thành Nhiệm và HLV trưởng Ngô Quang Sang bị mất chức, chịu án phạt rất nặng từ phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Thủ môn Minh Nhựt và hậu vệ Huỳnh Quang Thanh cũng chịu án “treo giò” 2 năm. Trọng tài Nguyễn Trọng Thư không bị phạt, do kết quả xem xét sau đó cho thấy, ông Thư không sai luật khi thổi phạt penalty đối với Long An.
Trọng tài sai bị phản ứng đành một nhẽ, rất nhiều trường hợp trọng tài đưa ra quyết định đúng, nhưng CLB vẫn phản ứng rất quyết liệt, bất chấp những cảnh báo từ phía BTC. Đơn cử như ở trận đấu giữa CLB Hà Nội và Thanh Hoá hôm 19/3, phút 88 bóng đã bay vào lưới CLB Hà Nội từ pha sút phạt của tiền vệ Quốc Phương. Tuy nhiên, bàn thắng không được trọng tài Hiền Triết công nhận bởi trước đó, trung vệ Bật Hiếu của Thanh Hoá bị xác định đã việt vị. Sau quyết định của ông Triết, HLV Petrovic của Thanh Hoá đã lao vào tính “ăn thua đủ” với tổ trọng tài. Can ngăn mãi, ông thầy Tây mới chịu lên khán đài, chấp nhận theo dõi như khán giả. Kết quả kiểm tra băng ghi hình xác định trọng tài Hiền Triết đúng!
Không thể kể hết số lần phản ứng của CLB mỗi khi đội nhà chịu thiệt thòi từ quyết định của trọng tài. Vòng đấu nào cũng có chuyện đội này kêu ca, đội kia phàn nàn. Nhiều đội bóng thậm chí “đánh” cả công văn gửi VFF và BTC V-League để khiếu nại. Một trọng tài Hà Nội chia sẻ, từ dạo xảy ra sự cố trên sân Thống Nhất giữa TPHCM - Long An, mỗi lần cầm còi ra sân là như “đánh trận”, thấp thỏm lo. CLB thắng không sao, nếu thua thì ắt trọng tài sẽ được nhắc tên trong buổi họp báo sau trận. Có lúc, thấy trọng tài kỳ cựu Đoàn Phú Tấn, nay làm giám sát, lên trang cá nhân tuyên bố, CLB nào đổ lỗi cho trọng tài “là hèn”.
Kể vậy chẳng phải để bênh vực hay bao che cho giới cầm còi V-League. Thực tế công tác trọng tài nhiều năm là vấn đề nổi cộm, bị dư luận kêu ca không ít. Vòng đấu nào cũng xảy ra sai sót, với mức độ khác nhau. Nhiều quyết định sai của trọng tài ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả trận đấu, thành tích của đội bóng. Tuy nhiên như thế không có nghĩa nên cổ xuý cho phản ứng thiếu chuyên nghiệp của các CLB. V-League là sân chơi chung của các đội bóng. Một giải đấu muốn xây dựng lên chuyên nghiệp, thì từng thành tố cần phải chuyên nghiệp, trong đó có các CLB. Trọng tài sai sẽ bị xử lý theo quy định, nhưng CLB cần hành xử chuyên nghiệp, nếu không muốn bị làm hạ giá sân chơi của chính mình.
Nói tới đây lại nhớ tới việc HAGL bị phạt do lỗi phản ứng trọng tài ở trận đấu với Thanh Hoá lượt trận 12. Ngoài BTC, một loạt cá nhân trong đó có Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh phải chịu án kỷ luật của VFF. Ông Tấn Anh bị đình chỉ làm nhiệm vụ 3 trận, phạt tiền 7 triệu đồng. Nhưng sau án phạt, HAGL và cá nhân ông Nguyễn Tấn Anh lập tức lên tiếng nhận sai, và xin lỗi người hâm mộ, BTC giải. Nếu đội bóng nào cũng có thái độ phản ứng cầu thị như HAGL, thì V-League ắt đã có thể tốt hơn nhiều so với hiện nay.
Ngoảnh sang trời Âu, một giải đấu danh giá như Champion League nhưng gần như lượt trận nào trọng tài cũng xảy ra sai sót, nhiều lỗi đặc biệt nghiêm trọng. Nói vui, mấy ông trọng tài đẳng cấp FIFA ở châu Âu, nếu phải sang cầm còi V-League ắt từ lâu đã phải bỏ nghề.
Hà Nội nắm quyền tự quyết cho chức vô địch lượt đi.