Long Vũ: Sỉ vả Tạ Biên Cương không công bằng
Nhà báo Trịnh Long Vũ, Trưởng ban Truyền hình Cáp, Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng trong số những lời nhận xét về Tạ Biên Cương, có nhiều lời sỉ vả và nhục mạ, dù BLV Cương đã có rất nhiều cố gắng.
Vừa rồi tôi có đọc rất nhiều lời bình luận trên mạng về các bình luận viên bóng đá nói chung và trong đó nói nhiều chi tiết về anh Tạ Biên Cương.
Tôi không trực tiếp quản lý anh Tạ Biên Cương. Với góc độ là đồng nghiệp của anh Cương nên tôi có vài lời thế này: Tôi theo dõi anh Cương từ 2006 khi anh mới vào đài, anh ấy là một thanh niên yêu bóng đá. Bản thân anh Cương là một biên tập viên thể thao rất chịu khó, làm tốt và có tâm. Nó chỉ có một cái gợn đầu tiên ngay từ World Cup 2006, khi mới vào anh ấy chưa được đào tạo tốt nên có ấn tượng từ ban đầu không tốt. Nên là cả quá trình anh ấy đã tiến bộ rất nhiều, nhưng mọi người vẫn chê. Nói thật là dư luận khắt khe quá trong việc soi anh ấy. Có thể cùng một câu nói, nhưng tôi, anh Quang Huy, Quang Tùng lỡ mồm thì chưa chắc đã bị chê, nhưng anh ấy thì bị soi rất nhiều. Tôi cho rằng điều đó thực sự không công bằng lắm với các bạn trẻ yêu nghề này.
BLV Tạ Biên Cương đang bị "ném đá" tơi bời
Tôi đã tham gia tuyển chọn BLV cho một số đơn vị, khoảng 4-5 cuộc rồi, nhưng nói thật, bình luận bóng đá là một nghề rất khó, mỗi lần tuyển cũng vài trăm hồ sơ, cụ thể là K+ nhận được 200 hồ sơ, nhưng những vòng đầu, không ít ứng viên rất giống với Vietnam Idol vòng 1, vòng 2, rất buồn cười, vô cùng hài hước.
Nếu như có thể, chúng tôi sẵn sàng mở cửa, mời những người đã chê bai các BLV có thể đến làm cùng chúng tôi để hiểu rằng có làm được không.
Nói thật, có rất nhiều nhà báo kỳ cựu, các cầu thủ bóng đá… nói ngoài với nhau, vui vui thì dễ, nhưng ngồi trước micro thì lại rất tắc, không nói được.
Làm dâu trăm họ, mà trăm họ của mình lại rất kỹ tính và khó tính.
Các lãnh đạo đài có biết không, có đọc không, tôi khẳng định là có, thường xuyên là anh Tiến, anh Minh gọi tôi để trao đổi xem xử lý thế nào. Quả thật, tôi đọc những ý kiến, lời văn trên các mạng, mình phân tích một cách tỉnh táo, không phải cái gì cũng đúng. Có cái hơi quá, có cái thì rất quá. Tôi cũng nói với anh em BLV ở VTV nói chung rằng: Những cái gì mang tính xây dựng thì chúng ta nghe, im lặng và sửa, còn cái gì mang tính sỉ vả, thậm chí nhục mạ thì vứt vào sọt rác, không quan tâm. Như thế chúng ta mới giữ được lửa để làm việc, không thì sẽ như đẽo cày giữa đường, không biết phải làm thế nào cả. Thật tiếc là chúng tôi không còn những BLV có tên, có tuổi như anh Quang Huy, Quang Tùng, họ không còn làm ở đài nữa, nhưng tôi nghĩ các thế hệ sau này dù rất cố gắng, nhưng vì bị nhìn khắt khe quá nên chưa được như các thế hệ trước. Chúng tôi đang nỗ lực để làm tốt hơn nữa và mong mọi người sẽ có cái nhìn thông cảm hơn nữa với các anh em BLV.
Cá nhân tôi mà làm chưa chắc đã bằng các anh ấy đâu. Mọi người cứ hình dung: làm vào 1g45 sáng, làm 1 ngày thì được, 1 tháng cũng cố được, thậm chí là 1 năm, nhưng đấy là cái nghề, phải làm 2-3 năm, thậm chí là 10 năm.
Nhiều anh chị ở đây, cứ thứ 7-Chủ nhật là phải lên Vĩnh Yên làm cho K+ vào lúc nửa đêm, xa vợ xa con, chuyện ấy không đơn giản. Nửa đêm, một mình trước micro và màn hình, rất có thể sai, nhầm và cái sai nhầm đó nếu đặt vào ngữ cảnh của một trận đấu chưa chắc đã sai, nhưng nếu đặt riêng rẽ ra thì buồn cười lắm. Chẳng hạn câu: “Sân vận động không còn một chỗ kín”, nó là “chỗ trống”, nhưng chẳng qua là lỡ mồm nên mới nói như vậy.
Có chuyện theo kiểu ném đá, đánh hội đồng như vậy chúng tôi không bằng lòng. Chúng tôi rất mong sự chia sẻ của khán giả, các đồng nghiệp. Nhưng nói đến mức vùi dập, sỉ vả như thế không phải cách ứng xử văn hóa - Ông Hà Nam, trưởng ban thư kí biên tập, Đài truyền hình Việt Nam |