Lộ trình tìm thầy nội
HLV Miura thì đã bị “trảm”, bây giờ lãnh đạo VFF đang ưu tiên thầy nội nhưng sẽ tạo điều kiện thế nào để thầy nội nhận nhiệm vụ?
Việc tìm thầy nội đủ tầm, đủ tâm và đủ bản lĩnh cho đội tuyển Việt Nam chắc chắn không hề đơn giản. Đặc biệt là phải tổng kết nghiêm túc “bài học” Miura và rút kinh nghiệm trước khi thuê thầy mới.
Nếu xem việc sa thải HLV Miura đơn thuần chỉ là vì ông này không phù hợp thì những HLV kế nhiệm chắc chắn cũng sẽ rơi vào vết xe đổ đó. Phải xác định đúng và đủ như ai chọn HLV Miura và tại sao lại trao HLV này những ưu ái quá lớn. Điển hình như sau mỗi giải đấu không cần tổng kết, rút kinh nghiệm. Thậm chí là cũng chẳng có hội đồng HLV hay bộ phận chuyên môn từ Ban Các đội tuyển quốc gia phản biện. Ngay cả chuyện lặp đi lặp lại là vì sao cầu thủ ở CLB lành lặn lên tập trung đội tuyển là chấn thương liên tục cũng như có những lúc bỏ qua khâu kiểm tra y tế cũng không được xem xét đến.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là khi thuê thầy nội thì lãnh đạo VFF cứ xen vào công tác chuyên môn của thầy nội. Còn lúc thuê thầy ngoại thì lại thả lỏng không cần phản biện khoa học mà rõ nhất là với HLV Miura.
HLV nội Hoàng Văn Phúc từng sa vào vòng xoáy này và cuối cùng bị “trảm” như vật tế thần. Ảnh: XUÂN HUY; đồ họa: BB
Trở lại hai lần thuê thầy nội Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc thì cả hai HLV này đều bị can thiệp quá nhiều và bị cư xử thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn vụ HLV Hoàng Văn Phúc để một trận thua “lạ” ở BTV Cup thì lập tức bị ông phó chủ tịch VFF ra lệnh “trảm”. Nhưng rồi sau khi hết giải đấy lại tìm cách khôi phục cho HLV này.
Vừa qua VFF “trảm” ông Miura có phải vì áp lực dư luận không?
Ông Miura bị “trảm” một phần vì không theo lối chơi nhỏ, nhuyễn và không trọng dụng lứa cầu thủ HA Gia Lai vậy thì HLV nội lên thay có bị bắt phải “theo ý” đấy không?
VFF đã đặt ra chỉ tiêu vô địch AFF Cup 2016 và vô địch SEA Games 2017. Vậy thì cần phải rõ dựa vào đâu để họ đặt chỉ tiêu đấy?
Nếu bóng đá Việt Nam từng tự hào vì lứa HA Gia Lai đá rất kỹ thuật thì Thái Lan cũng có lứa cầu thủ Học viện Bangkok - Arsenal với chung một mô hình đào tạo và đi trước HA Gia Lai hai năm. Cũng đã có ai so sánh song song với lứa cầu thủ HA Gia Lai, Myanmar cũng có lứa cầu thủ cùng lứa tuổi từng đá U-19 Đông Nam Á, châu Á và vào bán kết châu Á, tham dự World Cup U-20?
Đưa ra hàng loạt những so sánh đấy để đòi hỏi ngoài lứa HA Gia Lai đang được kỳ vọng, bóng đá Việt Nam phải có những cái hơn thì mới mong vượt được các đối thủ cũng đầu tư nhiều không kém. Và cũng từ đó mà đặt chỉ tiêu đúng hoặc dài hơi với thầy nội thay vì “trảm” tướng đổi thầy là buộc phải vô địch ngay.
Nếu bây giờ hỏi HLV Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng hay nhiều HLV khác liệu những cầu thủ ưu tú lứa học viện đầu của HA Gia Lai đếm trên đầu ngón tay có đủ sức, đủ lực làm nên ngôi vô địch SEA Games 29 thì họ có dám gật đầu?
Chúng tôi đồng ý với cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải từng là ủy viên Ban Chấp hành VFF khi chia sẻ rằng phải tạo ra lề lối và phương châm với sự thay đổi tích cực từ bộ máy VFF trước rồi hãy chọn HLV. Ông Hải cùng từng khẳng định bản chất của sự yếu kém của bóng đá Việt Nam không phải là thầy trò các cầu thủ ở đội tuyển mà là ở bộ máy VFF làm việc không đúng chuyên môn và không đủ trách nhiệm.