Lộ diện pha sút 11m "khó chịu" hơn cả Pogba gây sốt bóng đá Nhật Bản
Giải bóng đá học đường toàn Nhật Bản lại gây sốt với pha đá phạt đền còn khó chịu hơn kiểu sút của Pogba từng sử dụng.
Pha đá phạt đền gây ức chế cho thủ môn đối phương mà không phạm luật
Sút phạt từ chấm 11m (phạt đền hoặc luân lưu) là một trong những đặc sản của bóng đá. Đó là cuộc đấu trí giữa cầu thủ sút bóng và thủ môn khi đôi bên đều tìm cách đưa đối phương vào cái "bẫy" mình giăng ra từ trước. Theo luật mới, thủ môn cần phải giữ ít nhất 1 chân trên vạch cầu môn trước khi đối phương dứt điểm.
Pha đá phạt đền lấy đà còn chậm hơn cả Pogba
Quy định này khiến các thủ môn gặp bất lợi không ít và họ sẽ cực kỳ khó chịu khi gặp phải cú dứt điểm dưới đây. Tại giải bóng đá học đường toàn Nhật Bản lần thứ 100 đang diễn ra, một pha đá luân lưu đang tạo ra nhiều tranh cãi. Sau 90 phút, hai trường Kinh tế lưu thông Kashiwa (Chiba) và Kindai Wakayama (Wakayama) hòa nhau với tỉ số 1-1 và buộc phải dùng tới loạt luân lưu.
Ở lượt sút thứ hai, cầu thủ của trường Kinh tế lưu thông Kashiwa đã có pha chạy đà cực "dị". Sau khi đứng yên khoảng 10 giây, cầu thủ này bắt đầu tiến tới trái bóng với tốc độ... chậm hơn rùa. Khi tới gần trái bóng, cầu thủ áo đỏ thậm chí còn nhảy lên một nhịp trước khi tung ra cú dứt điểm.
Rõ ràng, thủ môn của Kindai Wakayama đã mắc bẫy đối thủ với màn chạy đà cực kỳ gây mất tập trung. Chứng kiến pha bóng này, nhiều khán giả không khỏi bật cười và bình luận rằng bóng đá học đường Nhật Bản dường như bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những bộ truyện tranh nổi tiếng như Tsubasa, Jindo..
Pogba từng dùng kiểu đá phạt đền như vậy nhưng bị lên án mạnh mẽ.
Thực tế, kiểu sút này đã được sử dụng tại châu Âu và hai ví dụ điển hình nhất là Paul Pogba và Simone Zaza. Tiền đạo người Italia từng trở thành trò cười trên mạng xã hội sau pha đá phạt đền kiểu như vậy nhưng lại đưa bóng lên trời. Pogba cũng từng gặp tình huống tương tự và trước sức ép từ dư luận, cầu thủ này đã từ bỏ kiểu đá chậm như rùa này.
Giải bóng đá học đường toàn Nhật Bản được coi trọng không kém gì giải J-League. Các đội bóng góp mặt ở vòng chung kết phải vượt qua rất nhiều đối thủ mới ở cùng khu vực. Giải đấu này rất khắc nghiệt ở điểm thể thức là loại trực tiếp, chỉ cần thua 1 trận là phải ra về. Bởi vậy, các cầu thủ tới giải đấu đều rất nỗ lực và với sức sáng tạo của tuổi trẻ, họ có thể tạo ra những pha bóng khó tin.
Nguồn: [Link nguồn]
Một pha dàn xếp đá phạt kỳ dị tại Nhật Bản đã cho hiệu quả bất ngờ.