Lình xình chuyện "đi đêm" ký hợp đồng với cầu thủ
Ít ngày trước dịp Tết Nguyên đán, bóng đá Việt Nam tiếp tục chứng kiến một câu chuyện không hay khác về giải vô địch quốc gia. Một người đại diện lâu năm ở V.League đã công khai tố cáo chuyện CLB SHB Đà Nẵng "đi đêm", tự ý ký hợp đồng với cầu thủ mà không thông qua người đại diện.
Tố cáo qua mạng xã hội
Tối 26/1, những người hâm mộ bóng đá vốn đang theo dõi tin tức về đội tuyển Việt Nam bất ngờ chứng kiến mạng xã hội nổi sóng vì một câu chuyện ở V.League. Ông Nguyễn Minh Châu, người từng đóng vai trò môi giới không ít ngoại binh sang Việt Nam thi đấu, đã công khai chuyện một đội bóng hàng đầu chèo kéo cầu thủ không thông qua người đại diện.
"Bóng đá Việt Nam đang chuyên nghiệp từng ngày, nhưng họ (các CLB) lại cứ muốn phá vỡ điều đó", ông Châu ngao ngán nhận xét. Thay vì giấu tên đội bóng đang tính "đi đêm", qua mặt mình, ông Nguyễn Minh Châu không ngại công bố trước truyền thông đó là SHB Đà Nẵng. Ông nói mình chưa bao giờ nghĩ một đội bóng danh tiếng như CLB sông Hàn lại tiến hành dụ dỗ cầu thủ ký hợp đồng mà không thông qua người đại diện, một việc "rất phản cảm và thiếu chuyên nghiệp". Đó là lý do khiến ông Châu quyết định công khai mọi chuyện trên báo chí, cũng như đem vụ việc ra tòa xử lý.
Nhìn về quá khứ, đây không phải lần đầu một CLB ở V.League thực hiện hành vi "đi đêm", ký hợp đồng trái phép với cầu thủ. Hồi năm 2018, CLB Sài Gòn từng chiêu mộ tiền đạo Nsi dù trước đó anh đã trở thành người thuộc biên chế Cần Thơ. Vụ việc vỡ lở, Nsi bị cấm thi đấu 1 năm, nhưng anh lại chứng nào tật nấy. Đến V.League 2019, anh lại ký hợp đồng với Nam Định dù còn thỏa thuận với CLB Sài Gòn.
Amaobi từng bị trừng phạt vì không chịu cắt tiền “phế”.
"Trong những vụ việc như thế này, bên sai trái rõ ràng là các đội bóng nhưng họ không phải chịu trách nhiệm. Chỉ có cầu thủ là người chịu thiệt, như trường hợp của Nsi", ông Nguyễn Minh Châu chia sẻ. Trên thực tế, tiền đạo người Cameroon năm nay mới bước sang tuổi 33 nhưng anh không còn thi đấu trận nào kể từ ngày vướng vòng lao lý với Cần Thơ. Vị "siêu cò" từng nuôi tham vọng đưa không ít danh thủ hàng đầu thế giới đến Việt Nam chỉ thắc mắc tại sao các CLB vẫn cố tình làm sai. Trong câu chuyện được ông Châu chia sẻ gần đây, cầu thủ được SHB Đà Nẵng chèo kéo lần này là tiền đạo Eydison.
Ngoài Eydison và Nsi, câu chuyện CLB qua mặt người đại diện còn xảy ra cả với những HLV nước ngoài. Chiến lược gia lão luyện Petrovic đã qua mặt người đại diện Jernej Kamensek để đơn phương ký hợp đồng với CLB Thanh Hóa. Nói về chuyện này, Kamensek cay đắng nói ông không ngờ một HLV như Petrovic cũng bị bóng đá Việt Nam đồng hóa.
Vì sao nên nỗi?
Theo Kamensek, một người từng đưa rất nhiều ngoại binh giỏi sang Việt Nam như Nastja Ceh hay Pape Omar Faye, nguyên nhân khiến các CLB Việt Nam muốn ký hợp đồng không thông qua người đại diện rất đơn giản. Họ không muốn trả phí môi giới dựa trên giá trị hợp đồng, một điều được coi là hết sức bình thường ở những nền bóng đá phát triển. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc các CLB ở V.League nghĩ đến lợi ích đội bóng không?
Câu trả lời có lẽ là không. Richard Harcus, một người đại diện làm việc ở khu vực Đông Nam Á nhiều năm giống Kamensek, mới đây đã thẳng thừng nói về những mặt tối của bóng đá Việt Nam. "Những người làm bóng đá tại V.League không có tầm nhìn dài hạn. Họ chỉ tính đến những mục tiêu ngắn hạn trước mắt, chứ không nghĩ tới hướng phát triển lâu dài. Đó là lý do các CLB ở V.League không ký hợp đồng quá 2 năm với ngoại binh", Harcus nói.
Trên thực tế, các cầu thủ ở V.League, nhất là ngoại binh đều có người đại diện, nhưng họ lại thường không bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cầu thủ. Nhân vật điển hình khiến người đại diện ở V.League thường bị gắn mác "cò" là ông Trần Tiến Đại. "Cò" Đại nổi tiếng với những thương vụ ăn chia tiền lương, lót tay với cầu thủ, đặc biệt trong thời gian ông làm Chủ tịch CLB Sài Gòn. Ngoài ra, những người làm bóng đá tại Việt Nam không ai không biết đến khái niệm "tiền phế". Đó thực chất là khoản tiền không được ghi rõ trong hợp đồng mà cầu thủ phải chia cho các bên liên quan, bao gồm người đại diện và đôi lúc là cả...
HLV trưởng đội bóng khi hợp đồng được ký kết. Hiếm có cầu thủ nào dám lên tiếng về chuyện cắt phế ăn tiền này, ngoại trừ Lê Công Vinh. Trong tự truyện của mình, Công Vinh kể anh đã cương quyết từ chối cầm túi tiền đến "ra mắt" HLV Lê Thụy Hải lúc mới đầu quân cho Bình Dương. Với những ai muốn phá vỡ luật im lặng về tiền phế, hình phạt dành cho họ có thể cực kỳ nặng nề.
Errol Stevens phải tháo chạy vì bị đe dọa.
Trong câu chuyện của Công Vinh, anh không được đá chính ở CLB B. Bình Dương cho đến ngày HLV Lê Thụy Hải rời ghế nóng. Một người khác từng định không "cắt phế" cho lãnh đạo đội bóng như Amaobi phải chịu cảnh nay đây mai đó, lang bạt hết đội bóng này đến đội bóng khác. Nguyên do cũng chỉ vì một lần ký hợp đồng với SHB Đà Nẵng, Amaobi đã thỏa thuận "cắt phế" nhưng không chi tiền cho lãnh đạo CLB.
Từ câu chuyện của những Công Vinh, Amaobi hay ông Nguyễn Minh Châu chia sẻ, có thể thấy bóng đá Việt Nam đang thiếu những người đại diện chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự thiếu vắng đó lại không bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung. Trên thực tế, bóng đá Việt Nam dường như không có nhu cầu sử dụng người đại diện, đặc biệt là các cầu thủ nội. Dường như họ sợ khi muốn làm mọi thứ quá rõ ràng, sẽ không có CLB nào để ý đến mình nữa.
Cầu thủ không chịu cắt phế thì bị khủng bố? Khi Errol Stevens mới đến Việt Nam lần đầu, CLB anh ký hợp đồng là Hà Nội ACB của bầu Kiên. Ông bầu Nguyễn Đức Kiên nổi tiếng là người thẳng tính, dám nói lên mặt trái của bóng đá Việt Nam, nhưng ông cũng không thể dẹp hết mọi vấn đề tiêu cực trong CLB của mình. Stevens kể 10 năm trước, anh và người đại diện đã phải chấp nhận chia tiền lót tay cho ban huấn luyện CLB mới được ký hợp đồng. Sau này, anh không mất đồng nào "cắt phế" cho Hải Phòng vì được đích thân Chủ tịch CLB mời về. Trong giai đoạn thi đấu cho CLB Hải Phòng, Stevens không ít lần gây ồn ào. Anh từng đích thân lên văn phòng CLB gây rối để xin giấy tờ làm thủ tục cấp hộ chiếu cho con trai. Đến khi đội bóng chậm thanh toán tiền lương, Stevens kiện Hải Phòng ra FIFA và được bồi thường gần 5 tỷ đồng. Nhưng câu chuyện kinh khủng nhất Stevens trải qua ở Việt Nam là khi anh ký hợp đồng ngắn hạn với Thanh Hóa. Để cầu thủ này buộc phải đơn phương thanh lý hợp đồng, đội bóng xứ Thanh đã đe dọa Stevens khiến anh muốn rời Việt Nam càng sớm càng tốt. |
Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) ấn tượng với thủ môn bên phía Australia sau pha cản phá bàn thắng mười mươi của Công Phương.
Nguồn: [Link nguồn]