Lịch sử World Cup 1990: Pha 'phun mưa'của Rijkaard phơi bày mối 'thâm thù' Đức - Hà Lan
Danh họa Pablo Picasso từng nói: " Nếu tôi khạc nhổ, người ta sẽ lấy nước bọt của tôi và xem là tác phẩm nghệ thuật". Nhưng với Rijkaard (Hà Lan), pha khạc nhổ trên sân khấu World Cup 1990 là một tác phẩm xấu xí.
Italia 1990 không phải là một kỳ World Cup của bóng đá tận hiến. Các đội tuyển chơi thứ bóng đá khô khan, đặt ưu tiên hàng đầu cho khâu phòng ngự. Điều này đã dẫn đến số lượng bàn thắng bình quân mỗi trận ở World Cup 1990 thấp kỷ lục, đồng thời kéo thêm số thẻ đỏ nhiều gấp đôi kỳ World Cup 4 năm trước đó.
Tuy nhiên, Italia 1990 chắc chắn là kỳ World Cup để lại nhiều cảm xúc nhất cho người hâm mộ bóng đá. Từ bài hát chủ đề 'Mùa hè Italia', hành trình diệu kỳ của 'Chú sư tử bất khuất' Cameroon hay Schillaci - 'ngôi sao băng' của đội tuyển nước chủ nhà. Có quá nhiều ký ức để người hâm mộ hồi tưởng nhưng trong khuôn khổ bài viết này, hãy cùng tua ngược thời gian và xem lại pha nhổ nước bọt vào tóc Voeller của Rijkaard trong thư hùng giữa Đức và Hà Lan, vòng 16 đội World Cup 1990.
Danh họa Pablo Picasso từng nói: "Nếu tôi khạc nhổ, người ta sẽ lấy nước bọt của tôi và xem là tác phẩm nghệ thuật". Nhưng với Rijkaard, pha khạc nhổ trên sân gây tranh cãi rất lớn và thậm chí còn được xem là pha xấu chơi biểu tượng của bóng đá thập niên 90. Cần phải nhắc lại, Rijkaard lúc bấy giờ là ngôi sao hàng đầu châu Âu và vừa ghi bàn thắng giúp AC Milan của HLV Arrigo Sacchi vô địch cúp C1.
Mối thâm thù Đức - Hà Lan
Đức và Hà Lan bước vào vòng 16 đội World Cup 1990 với phong độ hoàn toàn trái ngược. 'Cỗ xe tăng' làm mưa làm gió ở vòng bảng với 10 bàn thắng sau 3 trận, trong khi 'Cơn lốc màu da cam' thi đấu kém cỏi với 3 trận hoà. Trận đấu giữa hai đội rất đáng chờ đợi vì Đức và Hà Lan có mối 'thâm thù' trên sân cỏ. Hà Lan từng là nạn nhân của phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2. Thậm chí, cầu thủ Hà Lan Wim van Hanegem còn tuyên bố: "Chúng tôi muốn làm bẽ mặt người Đức trên sân cỏ. Tôi ghét họ, đất nước này đã sát hại cả gia đình tôi. Tôi luôn trong cơn thịnh nộ mỗi khi đối đầu với họ".
Sự thù ghét của người hâm mộ Hà Lan lên đến đỉnh điểm khi 'Cơn lốc màu da cam' để thua Đức trong trận chung kết World Cup 1974. Thất bại này mở đầu cho 3 lần Hà Lan không thể thắng ở chung kết World Cup, dẫn đến biệt danh 'Vua về nhì'. Ở vòng loại World Cup 1990 khu vực châu Âu, Hà Lan và Tây Đức đối đầu tại Rotterdam. Người hâm mộ Hà Lan khi đó giăng một biểu ngữ khổng lồ so sánh đội trưởng tuyển Đức, Lothar Matthäus, với trùm phát xít Adolf Hitler. Người hâm mộ trung lập dễ dàng đoán được trận đấu Đức - Hà Lan diễn ra rất căng thẳng và sự thật đúng như vậy với 7 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ.
Trận đấu giữa Đức và Hà Lan trong khuôn khổ vòng 16 đội diễn ra trên sân San Siro. Đây có thể được xem là sân nhà của Hà Lan vì 3 ngôi sao hàng đầu là Gullit, Rijkaard và Van Basten đang thi đấu cho AC Milan. Nhưng trên một sân khấu quen thuộc, bộ ba này không thể tỏa sáng, riêng Rijkaard là nỗi thất vọng với sự cố phun nước bọt vào tóc tiền đạo Voeller của tuyển Đức.
Đối đầu Rijkaard - Voeller
Trong một tình huống bên phía cánh trái, Rijkaard bị thổi phạt vì pha phạm lỗi thô bạo với tiền đạo Voeller của tuyển Đức. Khi trọng tài quay lưng đi, Rijkaard đã nhổ một bãi nước bọt lên mái tóc của Voeller. Theo hình ảnh quay chậm, mái tóc của số 9 bên phía đội tuyển Đức bay phấp phới trong gió sau khi 'dính đòn' từ Rijkaard. Một hình ảnh lãng mạn và kinh tởm!
Voeller phàn nàn với trọng tài về tình huống bị "phun mưa" nhưng lại nhận thẻ vàng cho lỗi phản ứng. Có lẽ, vị vua áo đen chẳng thể ngờ Rijkaard lại có hành động mất vệ sinh như vậy. Sau đó, Voeller và Rijkaard tiếp tục có những va chạm trong tình huống trước khung thành Hà Lan. Lần này, trọng tài đã quyết định rút thẻ đỏ đuổi cả hai khỏi sân.
Trên đường rời khỏi sân, Rijkaard một lần nữa nhổ nước bọt lên mái tóc của Voeller trước ống kính truyền hình. Chất lỏng nhầy nhụa từ khuôn miệng Rijkaard đáp xuống mái tóc của Voeller chỉ trong tích tắc nhưng là đủ để lọt vào những bức ảnh xuất hiện trên trang nhất. Voeller quay lại nhìn và đuổi theo Rijkaard nhưng đã kịp bình tĩnh trở lại để không đẩy mọi việc đi quá xa. Đội bóng Tây Đức của Voeller lên ngôi vô địch năm đó sau khi đánh bại Argentina với tỷ số tối thiểu trong trận chung kết. Đáng chú ý, trận chung kết diễn ra trên sân nhà của AS Roma - CLB chủ quản của Voeller.
5 tháng sau, Rijkaard gặp lại Voeller khi AC Milan đối đầu với Roma. Ngôi sao người Hà Lan xin lỗi và nói rằng ông đã mất bình tĩnh vì stress chuyện tình cảm: Rijkaard và vợ đã ly thân ngay trước thềm World Cup 2022. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Rijkaard nhận lỗi về mình và khẳng định Voeller không phải người gây sự.
"Hôm đó tôi đã sai. Anh ấy không hề xúc phạm tôi. Tôi luôn dành sự kính trọng cho Voeller nhưng bị mất bình tĩnh khi phải nhận thẻ đỏ. Tôi đã xin lỗi anh ấy ngay sau trận đấu và không có bất kỳ ác cảm nào", Rijkaard nói.
Cái kết ngọt ngào
Ngọt ngào ở đây không chỉ theo nghĩa bóng mà còn là nghĩa đen. Công ty Echte Butter lên ý tưởng cho chiến dịch marketing tiếp theo bằng cách mời Rijkaard và Voeller đóng quảng cáo bơ sữa vào năm 1996. Trong đoạn video quảng cáo, cả hai cầu thủ mặc áo choàng màu kem giống nhau, chia sẻ những lát bánh mì nướng vào một buổi sáng. Tất cả tiền cát xê đều được Rijkaard và Voeller đóng góp cho một tổ chức từ thiện.
Thời điểm hiện tại, Voeller vẫn hoạt động bóng đá năng nổ trong vai trò giám đốc thể thao tại Bayer Leverkusen. Rijkaard có một sự nghiệp HLV đáng chú ý tại Barcelona từ năm 2003 đến 2008. Tuy nhiên, huyền thoại bóng đá Hà Lan không duy trì được thành công khi dẫn dắt Saudi Arabia và bị sa thải vào năm 2013.
Sự cố "phun mưa" chắc chắn không làm lu mờ những đóng góp của Rijkaard cho bóng đá Hà Lan nói riêng, thế giới nói chung. Đây chỉ như là một gia vị giúp bóng đá trở nên đời hơn, khi mà những hỉ nộ ái ố được bộc lộ một cách chân thật. Và nó cũng giúp cho World Cup 1990 có vị trí đặc biệt trong ký ức của người hâm mộ bóng đá.
WORLD CUP 1990 Chủ nhà: Italia Số đội tham dự: 24 Vô địch: Tây Đức Á quân: Argentina Vua phá lưới: Schillaci (Italia) - 6 bàn Cầu thủ xuất sắc nhất: Schillaci (Italia) Số trận đấu: 52 Bàn thắng: 115 (2,21 bàn/trận) |
Nguồn: [Link nguồn]
Tất cả đều biết về “Bàn tay của Chúa” và “Bàn thắng thế kỷ”, hai khoảnh khắc vĩ đại được Diego Maradona tạo ra tại World Cup 1986. Tuy nhiên không phải ai cũng biết câu...