Lì lợm như Công Phượng!
Lần thứ ba xuất ngoại chơi bóng, dù chưa đoán biết có thành công, chân sút của HA Gia Lai đã tạo ra một con đường mới mà bầu Đức nói rằng 5-10 năm nữa trở thành trào lưu của bóng đá Việt Nam.
12 năm trước, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh biết cậu bé Công Phượng loắt choắt thi rớt lò SL Nghệ An nhưng vẫn lì lợm theo cha lên phố núi Pleiku ứng thí và đậu vào Học viện HA Gia Lai JMG Arsenal khi mới 12 tuổi. Lúc ấy, ông Vinh đã rất thích thú cá tính của một cầu thủ nhỏ dám làm, dám chịu thử thách mà không hề biết sợ hãi.
Công Phượng 12 năm trước thi rớt lò SL Nghệ An, lặn lội vào Pleiku thi tiếp và thành học viên khóa I HA Gia Lai - Arsenal JMG
Ông Vinh nói chưa thấy ai “lì lợm” như Công Phượng lúc ôm bóng tả xung hữu đột giữa vòng vây hàng thủ đối phương và bây giờ tiếp tục cuộc phiêu lưu sang trời Âu chơi bóng một thân một mình sau hai lần sang Hàn, Nhật chưa thành công.
Ngay cả những người yêu mến Công Phượng hoặc chưa mến yêu cũng phải động lòng khi cầu thủ gốc Nghệ An chia sẻ: “Tôi từng có ý định trở lại Nhật Bản chơi bóng. Vì tôi muốn đứng dậy ngay cái nơi tôi đã vấp ngã”.
Công Phượng dù không muốn vẫn phải nhớ đến cái thuở mười chín, đôi mươi đã liều lĩnh đầu quân cho CLB Mito Hollyhock hạng hai của Nhật. Không có nhiều cơ hội ra sân và lặng lẽ ngày trở về, Công Phượng bỏ ngoài tai những lời mỉa mai cay nghiệt để xóa đi, làm lại từ đầu.
“Tôi không sợ thất bại. Cái chính là tôi biết vì sao mình thất bại. Tôi hy vọng mình sẽ phù hợp với cách chơi của đội bóng Sint Truiden và gặt hái thành công ở Bỉ” - Công Phượng tâm sự.
Còn nhớ bốn tháng đá bóng ở Hàn Quốc trong màu áo Incheon United là một thất bại khác của Công Phượng. Nó đến sớm hơn bản hợp đồng cho mượn một năm. Chỉ có Công Phượng mới biết rõ nhất vì sao mình thất bại và bản thân đã điều chỉnh gì cho sự phát triển về chuyên môn.
Ít ra, người ta hiếm thấy Công Phượng ôm bóng mải miết như con thiêu thân lao vào bức tường phòng ngự để rồi mất bóng hoặc làm hỏng một pha tấn công sáng sủa của anh và đồng đội. Cũng rất ít người biết bầu Đức lúc cao hứng “múa rìu” dạy Công Phượng: “Bác cho phép con cầm bóng lừa thoải mái, 10 lần hư chín lần không sao, chỉ cần một lần ghi bàn là người ta sẽ nhớ đến con”.
Cuộc phiêu lưu thứ ba của Công Phượng chưa biết có trơn tru hay không nhưng chỉ mỗi việc chân sút 24 tuổi lì lợm, chịu dấn thân và thử thách mình để học hỏi không phải ai cũng làm nổi.
Cơ duyên của Công Phượng với CLB Sint Truiden Quản lý CLB Sint Truiden là một người Nhật có tên Takayuki Tateishi, cũng là đối tác của ông Lee Dong-jun - đại diện của HLV Park Hang-seo và các cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường. Ông Takayuki Tateishi tiết lộ mình biết Công Phượng cách đây hơn ba năm, khi ông còn là CEO của đội Tokyo. Hồi đó, chân sút HA Gia Lai đầu quân cho CLB Mito Hollyhock nhưng không may gặp chấn thương nên cơ hội chơi bóng không nhiều. Sau đó, ông Takayuki Tateishi có theo dõi Công Phượng và khi biết anh vừa chấm dứt hợp đồng với CLB Incheon United nên đã bàn với HLV của Sint Truiden mời sang chơi bóng ở Bỉ. Tiền đạo của đội tuyển Việt Nam sẽ khoác áo số 15 và tham gia thi đấu giải vô địch quốc gia Bỉ khai mạc vào giữa tháng 7 mà không cần thử việc. |
Công Phượng được trao chiếc áo số 15 ở CLB Bỉ Sint Truidense vì lí do đặc biệt.