"Lật mặt" MU sau 3 trận thắng: Không tấn công tổng lực, phiên bản khác của Mourinho?
MU đã giành 3 chiến thắng liên tiếp. Dù vậy, khó có thể nói rằng lối chơi của “Quỷ đỏ” là thuyết phục, khi đây đều là những chiến thắng với cách biệt tối thiểu.
Mourinho trong hình hài Ten Hag?
“Nếu thắng 10-0, bạn hủy diệt một trận đấu. Nhưng thắng 10 trận đấu với tỷ số 1-0, bạn hủy diệt cả giải đấu”, đó là câu nói nổi tiếng của HLV Jose Mourinho. Và nó cũng là kim chỉ nam trong suốt sự nghiệp của “Người đặc biệt”.
MU đang chơi bóng đá phòng ngự - phản công
Nhưng Mourinho là Mourinho, một mẫu HLV bị đánh giá là thực dụng, đề cao kết quả hơn tất thảy. Trong khoảng thời gian làm việc ở MU, các fan đội bóng này hiếm khi nào hài lòng với nhà cầm quân người Bồ Đào Nha bởi lối chơi thiên về phòng ngự, mệt mỏi và thiếu tính giải trí. Dưới thời Mourinho, MU dẫu có thắng thì cũng thường là các kết quả với cách biệt sít sao.
Nhưng ngạc nhiên ở chỗ, ngay cả dưới thời Erik Ten Hag, MU cũng đang chơi thứ bóng đá phòng ngự phản công tương tự. 2 trận đầu tiên, MU cầm bóng nhiều hơn, dứt điểm nhỉnh hơn đối thủ nhưng đều thua trận trước Brighton (MU cầm bóng 63%, dứt điểm 17 so với 15 lần của Brighton) và Brentford (MU cầm bóng 67%, dứt điểm 15 so với 13 của Brentford).
Nhưng ở 3 trận vừa qua, đã có sự thay đổi đáng kể về mặt lối chơi của “Quỷ đỏ”. Trước Liverpool, đội bóng dưới trướng HLV Ten Hag chỉ kiểm soát 29,5% thời lượng bóng, dứt điểm 13 so với 17 của đối thủ. Với Southampton, MU cầm bóng nhỉnh hơn chút ít (52%, sút 11, còn Southampton sút 17). Với Leicester, MU kiểm soát thời lượng bóng 46%, sút 9 so với 10 của đội chủ nhà.
Rõ ràng MU đã chuyển đổi từ phong cách cầm bóng chủ động, hướng đến lối chơi tấn công tổng lực mang đặc trưng Erik Ten Hag sang cách chơi phòng ngự phản công như đã từng với Jose Mourinho hay giai đoạn đầu của Ole Gunnar Solskjaer.
Ten Hag phải tìm về bản ngã?
Tất nhiên, phòng ngự phản công bao giờ cũng dễ chơi hơn so với tấn công áp đặt thế trận. Đó là lý do “Quỷ đỏ” có thể thu về 3 chiến thắng tức thời. Vấn đề ở chỗ, MU sẽ không thể chơi thứ bóng đá như vậy trong cả chiến dịch.
MU cần sớm trở lại với vị thế kẻ đi chinh phục
Và các đối thủ cũng chẳng dại gì cho các cầu thủ chạy cánh vừa có tốc độ vừa có kỹ thuật của MU có cơ hội khai thác các khoảng trống, nhất là với các đội bóng thuộc hàng chiếu dưới. Nếu thầy trò Ten Hag không tấn công áp đặt, đối thủ cũng không có lý do gì phải đẩy cao đội hình.
Khi bổ nhiệm Erik Ten Hag vào ghế nóng, ban lãnh đạo MU mong ngóng “Quỷ đỏ” sẽ chơi thứ bóng đá tấn công tổng lực, triết lý đã làm nên thành công của nhà cầm quân người Hà Lan. Nhưng giờ đây, họ chỉ đang nhận được một phiên bản khác của Ole và Mourinho. Rõ ràng Ten Hag cần sớm tìm lại bản ngã của mình, bởi thực tế ông đang làm trái sở trường vì áp lực thành tích.
Cách chơi hiện tại của MU lý giải tại sao Ten Hag cho bộ ba Maguire, Ronaldo, Shaw lên băng ghế dự bị. Trung vệ Maguire là người có xu hướng giữ bóng, phát triển từ sân nhà và không giỏi chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang phản công vì đặc điểm thể trạng. Shaw là cầu thủ có khả năng phối hợp, luân chuyển bóng từ phần sân nhà trong khi Malacia nhỉnh hơn ở khoản tốc độ.
Đặc biệt, Ronaldo ở tuổi 37 đương nhiên không thể chơi như cách Rashford đang chơi. Không thể đòi hỏi CR7 chạy nước rút liên tục. Nhưng siêu sao người Bồ Đào Nha sẽ vô cùng lợi hại nếu các đồng đội tạo ra nhiều cơ hội để anh dứt điểm. Vì vậy, chỉ khi nào MU trở lại trạng thái đội bóng cửa trên, khi ấy Ronaldo mới có đất dụng võ.
Nguồn: [Link nguồn]
2 tỷ bảng cho chuyển nhượng là con số không tưởng, đặc biệt trong bối cảnh nước Anh đang rơi vào cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt vì lạm phát. Vậy các CLB Premier League đã lấy...