Làm sao để “giấc mơ” không là “ác mộng”
Việt Nam lại vừa có thêm một cầu thủ được tuyển chọn vào vòng chung kết ở Qatar từ chương trình “Giấc mơ sân cỏ”. Chúng ta đã từng có một cầu thủ được đào tạo “ngon lành” nhưng rồi mất biệt sau khi xuất hiện ở đội U19.
Cái tên Thái Sung chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên. Đây chính là cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này được tuyển chọn vào học viện bóng đá ở xứ Qatar, sau khi vượt qua hàng loạt các cầu thủ trẻ ở khắp các nước trên thế giới. Sung đã được rèn luyện bởi các huấn luyện viên đẳng cấp, được tập luyện bằng những triết lý bóng đá mới nhất và khi các cầu thủ cùng lứa tuổi khó khăn lắm mới có các cơ hội cọ xát, Thái Sung đã cùng các đồng đội ở học viện tham dự các trận giao hữu với các lò đào tạo trẻ từ các đội bóng mạnh nhất thế giới như Bayer Munich, AC Milan...
Thái Sung giờ đang chầu rìa đếm lá sung.
Sau ba năm “tu luyện”, Thái Sung trở lại Việt Nam dưới sự quản lý của đội bóng Đà Nẵng bởi khi ứng thí, Sung đang là cầu thủ trẻ của đội bóng này. Và rồi bi kịch của Sung bắt đầu từ đây. Quá nổi tiếng so với các cầu thủ cùng lứa và chuyên môn thì không phải bàn cãi, Sung được triệu tập lên đội bóng U19 Việt Nam hồi năm ngoái. Sau trận đấu đầu tiên coi được, Thái Sung dần “rụng” trong danh sách thi đấu chính thức. Lý do chính thức là phong độ không tốt nhưng ai cũng hiểu, đá bóng phải “có dây”, đến như tiền vệ già dặn như Minh Hiếu của Công An Hà Nội ngày xưa cũng phải xin về bởi “trái kèo”, thì Sung chỉ là chuyện nhỏ. Thậm chí, ngay người ở Đà Nẵng như huấn luyện viên đội U21 Phan Công Thìn còn cho rằng “Sung thường thôi nếu không nói là không tốt”, thì cách nào để Sung phát triển được.
Hồi đầu mùa bóng năm nay, Sung mừng lắm khi được huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức ngó ngàng tới, cất nhắc lên tập chung với đội hình một. Nhưng, mọi thứ vẫn đang ở phía trước bởi nhiều người lo rằng Sung đang “chột” dần đi sau thời gian trở về nước mà không có môi trường để thể hiện mình.
Giờ, trung tâm PVF vừa được huấn luyện viên Bora Milutinovic chọn một cầu thủ để sang Qatar tham dự vòng chung kết tuyển lựa. Điều này chứng tỏ các tài năng trẻ của chúng ta không hề thiếu. Nhưng nhìn từ sự kiện Thái Sung vượt qua cả vòng chung kết để rồi khi về lại Việt Nam chẳng thể phát huy tài năng, bài toán về dùng người đang được đặt ra.
Rõ ràng, việc quá trông chờ vào một lò đào tạo như cách VFF đang dồn hết lực cho lứa U19 của HAGL cũng được giới chuyên môn xác nhận rằng chưa phải là cách tốt. Nhìn lại giải đấu U19 vừa trôi qua, có thể thấy rất rõ các cầu thủ ngoài học viện dù được vào sân ít hơn nhưng đóng vai trò rất quan trọng, bàn thắng của Đức Huy thuộc lò Hà Nội T&T đã nói lên điều đó. Nghĩa là, vẫn còn rất nhiều các cầu thủ trẻ tài năng chưa được sử dụng đến và nếu được trọng dụng đúng mức, họ có khả năng đóng góp.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ngược lại, nếu giao đội U19 về lại cho VFF điều hành như cách bấy lâu nay, nghĩa là sử dụng huấn luyện viên mà mình quen biết theo những giai đoạn ngắn tập trung. Không có kế hoạch dài hơi, lần nào nhìn vào danh sách triệu tập cũng đều có tiếng ca thán “có dây” bởi các huấn luyện viên không trung lập... thì lứa U19 hiện nay có hỏng? Chắc rằng nhiều người sẽ nói ngay, hỏng chắc.
Thế nên, chúng ta cứ luôn vui với những gì các cầu thủ trẻ thể hiện được, từ Thái Sung, mới hơn là Nguyễn Hồng Sơn hay các cầu thủ từ lò HAGL như Anh Tuấn, Văn Toàn, Công Phượng... Chúng ta vẫn luôn có những giấc mơ đẹp về chuyện hoá rồng... nhưng rồi không thể thay đổi tư duy vận hành một đội bóng, điều hành một nền bóng đá theo cách, cứ hổng chỗ nào, lấp chỗ nấy xem chừng còn tệ hơn “xây nhà từ nóc”.
Để những giấc mơ không biến thành ác mộng, có vẻ như VFF ở nhiệm kỳ mới phải thay đổi nhiều chứ không chỉ là nói nhiều, vẽ ra nhiều kế hoạch như những năm trước đây.
Liệu có thể?!