Làm sạch giải đấu
Nhiều người khi ngồi vào ghế điều hành đã lên tiếng làm sạch giải đấu hoặc làm sạch từ chính đội bóng của mình nhưng rồi không thể vì… “cô đơn”.
Tân Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng khi ngồi vào chiếc ghế nóng đã nhìn nhận muốn đưa bóng đá Việt Nam phát triển thì điều trước tiên là phải “làm sạch giải đấu”. Nghĩa là các giải chuyên nghiệp buộc phải diễn ra sòng phẳng và công bằng mới có thể hấp dẫn khán giả.
Điều ông Chóng nghĩ và nói thực sự không mới nhưng cái chính vẫn là cách làm và phải làm đồng bộ.
Thực tế hồi mới khai sinh VPF cách đây hơn bốn năm, vấn đề “làm sạch giải đấu” bằng việc thành lập ban tư vấn đạo đức bước đầu đã cho thu hoạch về tính trung thực của nhiều trận đấu. Đáng chú ý, trong ban này có rất nhiều chuyên gia bóng đá có uy tín và giàu kinh nghiệm nhiều năm theo dõi sát sao các giải chuyên nghiệp trong nước, chủ yếu là V-League. Dần dà những góp ý của các chuyên gia bị những nhà làm giải bỏ ngoài tai vì cho là làm khó ban tổ chức.
VPF từng sinh ban tư vấn đạo đức nhưng không dám nuôi dưỡng, liệu đời tân Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng có dám làm mạnh những vấn đề dư luận bức xúc và đòi hỏi phải sạch như thế này không?
Ban tư vấn đạo đức chỉ tồn tại một năm rồi tự giải tán bởi cảm thấy tiếng nói của mình không có giá trị, dù các thành viên đều tham gia không vì tư lợi và không nhận thù lao.
V-League trở lại con đường cũ với nhiều lần giẫm phải vết xe đổ mà không gặp bất cứ trở ngại hoặc phản biện nào thuần túy về chuyên môn từ những biểu hiện trên sân cỏ. Chính Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng cũng thừa nhận ở mùa giải qua vẫn còn đó nhiều lời bàn tán của dư luận về các trận đấu thiếu tích cực đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của giải đấu. Điển hình là một số trận của Hải Phòng hay SL Nghệ An chơi với tư tưởng buông thả, lại được bao biện là nhằm dưỡng sức trụ cột và bởi cầu thủ đá thua vì… thương đối thủ.
Rõ ràng bóng đá tình cảm vẫn còn đất sống và biến cuộc thi đấu đối kháng của những người đàn ông với nhau thành thứ bóng đá tình cảm dị hợm. Nó là một cái vòng kim cô khiến bóng đá Việt Nam cứ luẩn quẩn giữa việc cầu thủ chơi không hết mình khiến chất lượng trận đấu giảm, dẫn đến khán đài vắng khán giả nên tiền vé thất thu.
Tân tổng giám đốc VPF nhìn ra việc đầu tiên là “làm sạch giải đấu” không phải các cộng sự của ông không biết mà cái chính là không dám hoặc không chịu làm.
Ông Cao Văn Chóng hứa hẹn sẽ giúp bóng đá Việt Nam nâng chất và nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ tự nghỉ chứ không chờ đến khi bị cách chức.
Giới hâm mộ nghe thì chỉ biết hy vọng với sức trẻ, tư duy của tân tổng giám đốc VPF dám nghĩ, dám nói và dám làm sẽ thay đổi bộ mặt các giải đấu chuyên nghiệp mà không phải nói rồi… để đó hoặc nói một đằng làm một nẻo.
Và quan trọng là thành phần còn lại có ủng hộ ông Chóng, có làm quyết liệt hay không, nhất là khi sự việc va chạm đến quyền lợi của chính mình.