Làm gì sau cơn sốt U-23 Việt Nam?
Sau rất nhiều năm vắng lạnh, người hâm mộ thèm không khí sân Thống Nhất như ngày vinh danh các cầu thủ U-23 Việt Nam.
25 ngàn vé phát ra “cháy” sạch cho buổi giao lưu của đội tuyển U-23 Việt Nam diễn ra trên sân Thống Nhất. Từ trước đó nhiều ngày, những người yêu thích cầu thủ vừa chơi vòng chung kết U-23 châu Á sục sôi mong ngắm nghía họ bằng xương bằng thịt ngoài đời.
Bóng đá Việt Nam không dễ có những ngày hạnh phúc vì thành công ngoài sức tưởng tượng của một đội tuyển trẻ. Nó làm người ta nhớ lại một thời cơn sốt U-19 Việt Nam cách đây bốn năm với những trụ cột của “lò” HA Gia Lai JMG chơi đẹp mắt ở các giải quốc tế, giúp khán giả có niềm vui đến sân bóng hơn. Thống kê của VPF lúc đó, chỉ riêng HA Gia Lai đã chiếm đến 1/4 lượng khán giả trong tổng số 14 đội chơi V-League.
Sân Thống Nhất sau thời gian dài nguội lạnh giờ nóng thật nóng khi đón các cầu thủ U-23 Việt Nam. Ảnh: PHẠM HUY
Chiến tích của U-23 Việt Nam vừa qua đình đám hơn lứa đàn em rất nhiều về mọi mặt. 25.000 vé cho khán giả hết sạch, chưa kể đám đông còn đứng ngoài sân và trước đó cả tuần các cầu thủ U-23 phải “chạy show” liên tục.
Từ hiệu ứng của thầy trò Park Hang-seo, các nhà tổ chức V-League thấy rõ hơn tiềm năng của bóng đá Việt Nam tạm thời lẩn khuất sau nhiều thất bát và làm rơi rớt niềm tin từ giới hâm mộ chứ không phải chán bóng đá.
Ai cũng biết V-League đìu hiu khán giả là một trong những nguyên nhân lớn khiến giải đấu bị nhà tài trợ hạ giá và dẫn đến chia tay. Cho nên việc một doanh nghiệp vừa ký hợp đồng ghi nhớ tính nhảy vào V-League sau sự kiện U-23 Việt Nam gây địa chấn làng bóng trẻ châu Á như một tín hiệu đẹp cho sự phát triển. Nó dẫn đến một đề xuất của VPF cần cho 1-2 cầu thủ dưới 23 tuổi ra sân trong đội hình xuất phát của CLB, ngoài việc giúp họ chơi cọ xát còn là một điểm hấp dẫn người xem chịu khó đến sân, dù không phải ai cũng đủ năng lực có suất đá chính.
U-23 Việt Nam đã cắm một cột mốc mới gây tiếng vang cho làng bóng quốc nội nhưng để duy trì và tạo thế đi lên cho V-League còn quá nhiều việc phải làm. Nó buộc các nhà làm bóng đá phải ngồi lại thỏa thuận với nhau và cùng nhau tuân theo sự chuyên nghiệp một cách fair play nhất.
Riêng với người hâm mộ bóng đá, chỉ mong mỏi cầu thủ chơi giải nhà với nỗ lực hơn sức mình như ở vòng chung kết U-23 châu Á thì đáng quý biết bao.
Nếu như vậy thì lo gì khán giả không chen chân vào sân xem bóng đá!
Khôi phục niềm tin ở V-League Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết VPF sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ các lãnh đội CLB để cùng nhau bàn về việc khôi phục niềm tin cho người yêu bóng đá, bắt nguồn từ hiệu ứng U-23 Việt Nam. Điều này mang tính chất sống còn ở V-League vì khán giả quyết định tất cả cho sự thành bại. Nhà tài trợ có còn ngó ngàng đến giải đấu hay không chỉ cần nhìn qua số lượng người xem chịu bỏ tiền mua vé vào sân. Ông Tú chia sẻ: “Trăn trở của tôi về V-League là làm sao duy trì tình cảm của người hâm mộ qua sự thành công của đội U-23 Việt Nam vừa mang lại mà không phải một sự yêu mến nhất thời. Điều tôi suy nghĩ trước tiên là các trận đấu phải sạch và hay mới có thể lôi cuốn khán giả một cách bền vững”. |
Bóng đá Việt Nam làm gì để tiếp bước thành công của Quang Hải, Xuân Trường?