Làm bóng đá tử tế
Làm bóng đá tử tế ở Việt Nam thực sự khó vậy sao?
Một vị tướng ở Viettel khi chỉ đạo đơn vị nhà rút lui khỏi bóng đá, ông hứa chắc nịch:
“Tôi sẽ quay lại khi bóng đá nước nhà tốt hơn và không còn chịu ám ảnh bởi tiêu cực. Khi mà những nhà điều hành tốt hơn và vì cái chung hơn thì Viettel sẽ tham gia chung cùng bóng đá Việt Nam”.
Bầu Long của Hòa Phát Hà Nội lúc rút lui khỏi bóng đá sau khi trao đội bóng cùng Trung tâm Đào tạo trẻ lại cho Hà Nội ông cũng tâm sự: “Chúng tôi rút vì bóng đá không tử tế và ít người vì cái chung, vì bóng đá quá. Chừng nào bóng đá tử tế chúng tôi sẽ quay lại!”.
Có một điểm chung giữa hai cuộc rút lui trên là chẳng thấy nhà điều hành bóng đá năn nỉ họ ở lại hay dám đứng ra hứa sẽ có thứ bóng đá tử tế như yêu cầu. Ngược lại thì khi những đội chẳng ra gì bỏ giải hoặc hăm dọa rút lui thì những nhà điều hành lại xuống nước năn nỉ và “vẽ đường cho hươu chạy”.
Làm bóng đá tử tế khó như vậy sao?
Có một thực tế là bóng đá hiện nay đang thể hiện một chuỗi lừa dối và nghi kỵ lẫn nhau. HLV không tin cầu thủ; cầu thủ không tin lãnh đạo đội bóng; đội bóng không tin trọng tài; trọng tài không tin những người phân công mình; giám sát không tin vào nhận định của mình bởi chỉ cần làm trái ý người phân công thì bị treo ghế như chơi; Ban Tư vấn Đạo đức không tin Ban tổ chức giải; Ban tổ chức giải nhiều lúc ngồi ghế VIP không tin vào chuyên môn mà lại tin vào các quan chức địa phương… Cuối cùng là những người làm bóng đá tử tế không tin vào những người điều hành bóng đá.
Có bao nhiêu lãnh đạo đội bóng miệng tuyên bố đội mình sẽ đá hết mình và quyết tâm đoạt chức vô địch nhưng lại trốn chiếc cúp đấy?
Làm bóng đá tử tế ở Việt Nam thật khó
Có bao nhiêu cầu thủ tuyên thệ trong lễ khai mạc nhưng khi thi đấu thì lại đặt quyền lợi lên trên và sẵn sàng quay lưng với khán giả, với đội bóng?
Đã có ai đau đáu với cảnh khán giả xa rời sân bóng hay cửa các sân vận động rộng mở cho vào xem tự do mà khán giả vẫn thờ ơ?
Làm bóng đá tử tế khó thế sao?