Làm bóng đá kiểu thương mại
Nhìn vào thương vụ CLB TP HCM mua Lee Nguyễn, chúng ta thấy dường như nó mang tính thương mại nhiều hơn chuyên môn.
Thương vụ CLB TP HCM chiêu mộ tiền vệ Lee Nguyễn khiến truyền thông trong nước tốn nhiều giấy mực những ngày qua. Sự hào hứng là điều dễ nhận thấy bởi Lee Nguyễn vốn mang sức hút lớn sau những thành công ở Giải nhà nghề Mỹ trong màu áo Inter Miami. Chàng tiền vệ này cũng từng khoác áo đội tuyển Mỹ trong quá khứ.
Lee Nguyễn khoác áo CLB TP HCM mùa giải 2021
Thế nhưng, danh tiếng của Lee Nguyễn và màn thông tin dày đặc bao quanh anh những ngày qua không thể đảm bảo cho tính thành công của thương vụ bạc tỷ mà CLB TP HCM thực hiện. Thứ nhất, Lee Nguyễn 34 tuổi, đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Thứ hai, anh từng thất bại khi chơi bóng tại Việt Nam khi mới 23 tuổi, độ tuổi sung sức nhất. Thứ ba, CLB TP HCM vốn là một tập thể tồn tại nhiều vấn đề, từ thượng tầng cho tới các mối quan hệ chằng chịt và một cầu thủ trở về từ Mỹ liệu có thể thích nghi?
Nhìn vào vụ mua bán này của CLB TP HCM, chúng ta thấy dường như nó mang tính thương mại nhiều hơn chuyên môn. Giá trị về mặt hình ảnh Lee Nguyễn đem lại chắc chắn không nhỏ nhưng đóng góp của anh vào lối chơi toàn đội vẫn là dấu hỏi lớn.
Mùa giải năm ngoái, đội chủ sân Thống Nhất thực hiện một loạt thương vụ nhưng nếu nói thành công, duy chỉ mình tiền đạo Nguyễn Công Phượng phần nào đáp ứng được. Thủ thành Bùi Tiến Dũng mắc nhiều sai sót, không thể cạnh tranh suất bắt chính. Bộ đôi tiền đạo Costa Rica - Ortiz và Ariel cũng thê thảm chẳng kém, trở thành hai quả bom xịt.
Trong bóng đá, chuyển nhượng là một trong những yếu tố quyết định tới thành công của một đội bóng. Chuyển nhượng khéo sẽ tạo ra lực đẩy giúp đội bóng tiến lên. Ngược lại, nếu đưa về những cái tên không phù hợp sẽ vô tình hình thành nên lực cản, kéo lùi đội bóng. Chính TP HCM mùa trước là một ví dụ, họ không thể phát huy vai trò các tân binh, dẫn tới đuối sức trong cuộc đua vô địch.
Đội bóng áo đỏ có Chủ tịch là cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng, người từng vô địch V-League và dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Đây được xem là lợi thế để TP HCM tối ưu hóa nguồn lực trong công tác chuyên môn. Ngặt nỗi, ông Thắng cũng chỉ sắm vai người làm thuê và tin rằng nhiều quyết sách ở sân Thống Nhất, ý kiến của ông lẽ chỉ mang tính chất tham khảo.
Những người nắm quyền thực sự lại là các doanh nhân, làm kinh tế. Bởi vậy, cũng chẳng khó hiểu khi CLB TP HCM đã và đang làm bóng đá theo hướng thương mại, không chú trọng vào xây dựng nền tảng. Cứ đà này, đội bóng áo đỏ có lẽ còn lâu mới vươn tới thành công một cách bền vững.
Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, Lee Nguyễn từng thất bại ở V-League do môi trường bóng đá Việt Nam thiếu chuyên nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]