Ký ức hào hùng World Cup: Cuồng phong châu Á khiến Italia bị ném cà chua trứng thối
Cho đến nay, chỉ mới có 2 khu vực Nam Mỹ và châu Âu từng vô địch World Cup. Trong khi đó, bóng đá châu Á bị coi là vùng trũng của thế giới. Nhưng trong quá khứ, những đội tuyển như CHDCND Triều Tiên, Ả-rập Xê-út rồi Hàn Quốc đã khiến thế giới phải nhìn châu Á bằng ánh mắt khác.
Video ký ức huy hoàng của bóng đá châu Á (Clip theo BongdaTV, VTVcab )
Kỳ tích của Hàn Quốc
World Cup 2002 mãi mãi trở thành ký ức không thể nào quên của bóng đá châu Á. Cho đến nay, dù còn rất nhiều tranh cãi, nhưng thành công của ĐT Hàn Quốc ở ngày hội bóng đá thế giới 16 năm về trước mãi mãi trở thành một trong những mốc son đáng nhớ nhất. Lần đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất một đội bóng châu Á có thể đi đến vòng bán kết.
Bàn thắng lịch sử của Ahn Jung-hwan vào lưới Italia
16 năm về trước, Hàn Quốc của “Phù thủy” Guus Hiddink có màn chuẩn bị hoàn hảo cho kỳ World Cup 2002 diễn ra trên quê nhà, cùng với đội đồng chủ nhà Nhật Bản. Một thế hệ cầu thủ bóng đá tài năng của xứ sở Kim chi với Park Ji Sung, Seol Ki-hyeon, Hong Myung-bo, Lee Chun-soo… được trình làng. Và đâu ai ngờ, những con người của ý chí ấy đã sẵn sàng viết nên trang sử vàng cho nền bóng đá Hàn Quốc.
Ở bảng D, Hàn Quốc chung bảng với Mỹ, Ba Lan và đặc biệt là Bồ Đào Nha của thế hệ vàng Luis Figo, Rui Costa, Sergio Conceicao, Pauleta rồi Nuno Gomes, Victor Baia… Lầm lũi tiến từng bước vững chắc khi đánh bại Ba Lan 2-0, cầm hòa Mỹ 1-1, Hàn Quốc quyết phân thắng bại một phen với Bồ Đào Nha. Với bàn thắng duy nhất của Park Ji Sung, Hàn Quốc gây sốc cho cả thế giới bằng việc loại một trong những ứng viên vô địch ngay từ vòng bảng.
Câu chuyện cổ tích của Hàn Quốc chưa dừng lại tại đó. Một kỳ World Cup mà Hàn Quốc trở thành khắc tinh của các đội bóng châu Âu. Italia là nạn nhân tiếp theo của đại diện châu Á, trong trận knock-out tưởng chừng không cân sức. Bóng đá Italia khi đó cũng sở hữu một dàn lực lượng cực mạnh, với những siêu sao thế giới trong vị trí của mình. Những con người ấy, 2 năm trước còn giành ngôi á quân EURO 2000, và 4 năm sau vô địch thế giới.
Thực tế, Italia đã chứng tỏ sự vượt trội với bàn mở tỷ số ngay từ phút 18 của Vieri. Thế nhưng, ý chí bền bỉ giúp cho Hàn Quốc chiến đấu đến những phút cuối cùng. Pha lập công phút 88 của Seol Ki-hyeon giúp Hàn Quốc nối dài hy vọng, để rồi sau đó bàn thắng bằng vàng của Ahn Jung-hwan ở phút 117 đưa đại diện châu Á vào tứ kết. Cũng giống như cái cách đã làm với Italia, Hàn Quốc tiếp tục đánh bại Tây Ban Nha để góp mặt vào bán kết. Một kỳ tích mà có lẽ phải rất lâu nữa mới lại có một đội bóng châu Á làm được.
Lịch sử vinh quang của người châu Á
Nhưng những ký ức hào hùng của bóng đá châu Á không chỉ có Hàn Quốc. Ngược trở về năm 1966, kỳ World Cup diễn ra trên đất Anh. ĐT CHDCND Triều Tiên cũng gây sốc đến thế giới bằng việc đánh bại Italia ở loạt trận quyết định, nhờ pha lập công duy nhất của huyền thoại Pak Doo-ik. Trước đó, Triều Tiên cũng xuất sắc cầm hòa Chile 1-1 để trở thành đội bóng châu Á đầu tiên lọt đến tứ kết một kỳ World Cup. Trong khi đó, chờ đợi ĐT Italia ở quê nhà là cơn mưa "cà chua, trứng thối" - một vết nhơ của các đấu sỹ La Mã.
Pha solo để đời của huyền thoại Saeed Owairan
Ký ức đáng nhớ bậc nhất của bóng đá châu Á tại các kỳ World Cup, đó có lẽ là pha solo kinh điển trên đất Mỹ năm 1994 của Saeed Owairan. Huyền thoại bóng đá Ả-rập Xê-út thực hiện pha nước rút với chiều dài khoảng 70m, vượt qua hàng loạt hảo thủ của ĐT Bỉ để ghi bàn thắng để đời. Nhờ bàn thắng ấy, Saeed Owairan được thế giới xưng tụng với biệt danh “Maradona châu Á”.
Và càng đáng nhớ hơn nữa, pha solo kinh điển của Saeed Owairan giúp Ả-rập Xê-út đánh bại tuyển Bỉ với tỷ số 1-0, qua đó đưa đội bóng châu Á vượt qua vòng bảng. Bảng F của Ả-rập Xê-út có sự hiện diện của ông lớn Hà Lan, Bỉ và Morocco, và có đến 3 đội cùng giành được 6 điểm. Saeed Owairan trở thành người hùng, không chỉ của bóng đá Ả-rập Xê-út nói riêng mà còn của bóng đá châu Á nói chung.
Valderrama là ông trùm khu trung tuyến "gây thương nhớ" với mái tóc vàng xù.