K.Kiên Giang: Khi bóng đá là “của nợ”
Chứng kiến cảnh các CĐV hò hét cổ vũ lấn át cả tiếng loa, tạo nên không khí cuồng nhiệt ở các khán đài trong trận K.Kiên Giang gặp Thanh Hóa, một lãnh đạo của Sở VH,TT&DL Kiên Giang ngồi ở khu VIP đã đứng lên chỉ tay về phía các CĐV nói lớn: “Đá thế này mà cổ vũ làm gì, ồn ào quá....”. Như đáp lại lời nói của vị này, một CĐV đã cầm loa và hát lớn hơn khuấy động các khán giả có mặt trên sân với ý phản đối lại lời nói trên. Vị lãnh đạo ấy ngồi xuống, lẩm bẩm với những từ ngữ khá khó nghe mà các phóng viên ngồi bên cạnh cũng có thể nghe được với nội dung đại loại “Xuống hạng đi cho rảnh nợ...”
Kiên Giang là vùng đất có rất nhiều điều kiện phát triển kinh tế, theo thống kê mới nhất thì GDP của tỉnh này cũng thuộc hạng đầu cả nước. Riêng Thành phố Rạch Giá có GDP bình quân đầu người mỗi năm lên đến 52 triệu đồng. Các hoạt động du lịch, giải trí cũng đang bắt đầu phát triển. Tình yêu bóng đá của người dân nơi đây cũng rất lớn. Vì thế, sau khi họ có đội bóng chơi ở V.League nhiều người tin rằng đây sẽ là tiền đề để cho lãnh đạo nơi đây sử dụng bóng đá để quảng bá các hoạt động du lịch, giải trí nơi đây. Cần nhớ rằng, bóng đá gắn liền với địa phương sẽ tạo ảnh hưởng lớn trong việc xây dựng thương hiệu ở địa phương ấy. Gia Lai là một ví dụ điển hình. Và với những lợi thế ấy, những người làm bóng đá Kiên Giang tin rằng họ sẽ xây dựng được một đội bóng chuyên nghiệp thực sự.
Kỳ thực, khi mới lên V.League, Ngân hàng Kiên Long đã tận dụng điều đó với khoản đầu tư lên đến 20 tỷ/năm. Nhưng càng ngày trước sự hời hợt của lãnh đạo nơi đây cùng cuộc khủng hoảng của các ngân hàng. K.Kiên Giang rơi vào khó khăn, và sự tồn tại của đội bóng này đang dần biến thành “của nợ” đối với những nhà lãnh đạo nơi đây.
Liệu các CĐV cuồng nhiệt của K.KG còn giữ niềm vui này bao lâu?
Điều đó được chứng minh qua việc họ tỏ ra thờ ơ trong việc kêu gọi các nhà tài trợ. Ngay cả những động thái để yêu cầu nhà tài trợ giải ngân họ cũng không quá rốt ráo theo kiểu “phó mặc cho trời”. Không có được hỗ trợ về kinh tế cũng như sự quan tâm về tinh thần, đội bóng rơi vào cảnh cầu thủ và HLV cứ tự khắc mà đá để cứu chính mình nhằm duy trì đội bóng.
Thông tin ông Võ Quốc Thắng làm chủ tịch Ngân hàng Kiên Long thực ra lại là một tin buồn với những người làm bóng đá Kiên Giang. Bởi gần như chắc chắn, ông Thắng sẽ không tài trợ cho đội bóng này khi hợp giữa Ngân hàng Kiên Long và CLB kết thúc. Và nếu như thế, trong tình cảnh mà K.Kiên Giang với ĐT.LA cạnh tranh nhau suất trụ hạng, thì kẻ phải xuống hạng, bỏ qua chuyện chuyên môn thì ai cũng có thể đoán được.
Thế nên, nhìn tình cảnh mà thầy trò HLV đang cố gắng trầy trật thi đấu lúc này mà chẳng hề biết đến tương lai, với những mục tiêu mơ hồ, quả thực là hết sức đau lòng. Bởi, với những quyết định số phận của họ thì sự tồn tại ấy đang là “của nợ”.