Kiếm tiền và tiêu tiền
Trang tin của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) rất sốt sắng với cái tin Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng công bố trong ngày nhậm chức rằng sẽ kiếm 383 tỉ đồng cho một mùa bóng, lũy tiến 15% mỗi mùa. Và con số của mùa bóng này tương đương với 18,2 triệu USD.
Ông Dũng lý giải nguồn tiền 40 tỉ đồng để tổ chức ba giải đấu quốc nội thực chất là nguồn từ các CLB đóng góp và thêm phần tài trợ của Eximbank hồi ông còn làm chủ tịch HĐQT. Riêng phần hơn 300 tỉ đồng còn lại, ông tin tưởng mình và các cộng sự, điển hình là cấp phó phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức sẽ mang về đủ cho bóng đá Việt Nam.
Mục đích của việc kiếm tiền ấy nhằm giúp các đội tuyển xông xênh hơn và giúp VFF tham gia tổ chức các đấu trường lớn như vòng chung kết Futsal châu Á, giải vô địch nữ châu Á, vô địch U-19 Đông Nam Á và đăng cai một bảng đấu AFF Cup 2014.
Những mục tiêu kiếm tiền của ông chủ tịch đại diện cho tiếng nói của VFF nghe rất lớn lao và nhiều khả năng với sự tháo vát của ông Dũng và bầu Đức có thể giúp VFF đạt mong muốn.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và bầu Đức tự tin sẽ mang nhiều tiền về cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Thực tế nguồn tiền hai con số triệu USD phần lớn nhờ vào mối quan hệ riêng của cá nhân và theo kiểu “đi xin” hơn là bán sán phẩm của bóng đá Việt Nam làm ra cho người tiêu dùng. Vấn đề còn là giữa những con số trong mơ và cái cách sử dụng đồng tiền không phải lúc nào cũng là mơ.
Chẳng hạn, khi bỏ tiền đăng cai các giải đấu kể trên, suy nghĩ ban đầu của VFF là nhằm giúp các đội tuyển có một lợi thế nhất định trên sân nhà để đạt cái đích xa hơn như đoạt vé vào các vòng chung kết World Cup (tuyển nữ và U-19). Tuy nhiên, VFF nỗ lực đưa các giải đấu lớn về sân nhà không hẳn là một giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn mà chủ yếu giải quyết phần ưu thế “địa lợi” trong một giải đấu mình không chắc về “thiên thời và nhân hòa”.
Sau những sự cố gần đây, người yêu bóng đá lại càng có nhiều lo ngại cho những mục tiêu kiếm tiền không tương thích với mục đích sử dụng. Ví như việc tuyển nữ Việt Nam tập huấn ở Trung Quốc có nguồn tài trợ lớn nhưng bữa ăn lại đạm bạc không như ý muốn. Hoặc cái cách đưa 16 cầu thủ không phải nhu cầu của ban huấn luyện U-19 lên thử việc chẳng khác gì làm khó nhau. Hay việc đội tuyển nam quốc gia cứ mãi nghe và ngóng tìm thầy Nhật hay thầy Mã, thầy Pháp mà chưa thấy những giải pháp về chuyên môn,…
Hy vọng các nhà chuyên môn trong ngôi nhà chung VFF không gây thất vọng cho những doanh nhân đang nỗ lực kiếm tiền và không làm người yêu bóng đá hụt hẫng.