Kiatisuk, người nghệ sĩ ứng xử khéo hơn cả chơi bóng
Câu chuyện đi hay ở của Kiatisuk những ngày qua đột nhiên trở thành đề tài nóng hổi trong những ngày bóng đá Việt Nam tạm lắng xuống. Không ai gieo sầu cho bóng đá Việt Nam nhiều như Kiatisuk, nhưng chẳng ai ghét ông cả. Zico Thái Lan không chỉ chinh phục công chúng bằng tài năng chơi bóng, mà còn bằng sự khéo léo của một người từng trải.
Yêu và ghét
"Kiatisuk xin phép về Thái Lan trong thời gian V.League tạm hoãn", "Kiatisuk nói về tương lai với Hoàng Anh Gia Lai", "Kiatisuk chia sẻ về cơ hội dẫn dắt đội tuyển Thái Lan"... Cái tên Kiatisuk được bóng đá Việt Nam nhắc đến liên tục những ngày qua. Chưa một ngoại binh, một HLV ngoại nào lại được quan tâm nhiều như thế. Tầm ảnh hưởng của Kiatisuk với sân cỏ Việt không hề thua kém bất cứ một danh thủ nào.
Năm 2002, Kiatisuk chính thức bắt đầu mối nhân duyên của ông với bóng đá Việt Nam bằng bản hợp đồng đầu quân cho HAGL. 2 thập niên trôi qua, hàng trăm ngoại binh đã đến và đi, chỉ còn mình Kiatisuk ở lại. Ông tiếp tục gắn bó, tiếp tục khiến mọi người phải nhắc đến tên mình theo nhiều cách khác nhau. Có thể nói, số người hâm mộ Kiatisuk tại Việt Nam còn đông hơn cả quê hương Thái Lan.
Được yêu mến là thế, nhưng Kiatisuk ban đầu từng từ chối cơ hội sang Việt Nam chơi bóng vì nghĩ người dân ở đây... không thích mình. Ông chỉ mất 3 phút để sút tung lưới tuyển Việt Nam ở Tiger Cup 96 và lập cú đúp vào lưới Việt Nam 1 năm sau ở bán kết môn bóng đá nam SEA Games. Cứ gặp Việt Nam là Kiatisuk lại ghi bàn, tới mức các tuyển thủ của chúng ta cũng ngán.
"Họ chơi ở đẳng cấp hoàn toàn khác biệt, từ cách nhận bóng, đi bóng, chuyền bóng đến chạy chỗ, dứt điểm". Đó là nhận xét chung của những cầu thủ thuộc thế hệ vàng bóng đá Việt Nam về đội tuyển Thái Lan. Nhân vật trung tâm của đội bóng bá chủ khu vực Đông Nam Á không ai khác ngoài Kiatisuk Senamuang. Biệt hiệu "Zico Thái Lan" hoàn toàn không phải hữu danh vô thực.
Năm 2002, Kiatisuk lập gia đình. Lúc đó anh đang thuộc biên chế CLB Rajpracha nhưng sẵn sàng để ngỏ khả năng ra nước ngoài thi đấu. Zico Thái Lan đã đàm phán với một vài CLB ở Singapore, Malaysia nhưng cuối cùng lại chọn Việt Nam. Không phải hạng đấu cao nhất, bởi HAGL khi đó vẫn đang tranh suất lên chơi V.League. Vậy đâu là lý do Kiatisuk đến với HAGL ở buổi bình minh của CLB?
Mức đãi ngộ hấp dẫn là điều kiện tiên quyết để bầu Đức đưa Kiatisuk về HAGL, nhưng chúng ta lại không thể chứng minh điều đó. Có rất nhiều con số được đưa ra nhưng tất cả chỉ ở mức độ phỏng đoán. Đôi bên không công bố một con số chính thức nào cả. Đó cũng là lần đầu tiên Kiatisuk cho thấy sự khôn khéo của ông.
"Tôi đến HAGL chơi bóng vì bầu Đức rất quan tâm đến tôi" là điều Kiatisuk nhắc đi nhắc lại trong những năm qua. Từ một mối quan hệ ông chủ - nhân viên đơn thuần, Zico Thái Lan dần biến nó trở thành chỗ thân tình. Đó là cái khéo lần thứ hai của Kiatisuk. Ông hết mình giúp đỡ bầu Đức, ngược lại, bầu Đức cũng trao cho ông toàn quyền ở CLB. Nếu Kiatisuk thất bại, ông luôn có cơ hội làm lại.
Hình ảnh "rất Việt Nam" của Kiatisuk dù ông không thực sự rành tiếng Việt.
“Nghệ thuật hắc ám” của Zico
Kiatisuk rất khéo, nhưng điều đó không có nghĩa lúc nào ông cũng được lòng tất cả mọi người. Không ít lần Zico Thái Lan tham gia vào những tình huống gây tranh cãi của bóng đá Việt Nam mà dư âm của nó vẫn còn vang đến tận ngày nay. Một trong số đó là cú đá phạt đền hỏng ăn trên sân Lạch Tray hồi năm 2004. Hôm ấy, Hải Phòng trụ hạng, còn Thể Công chính thức xuống hạng.
Trước vòng đấu cuối cùng V.League 2004, HAGL chưa chắc chắn lên ngôi vô địch. Khoảng cách giữa họ và đội nhì bảng Nam Định chỉ là 2 điểm. Hơn Nam Định về chỉ số phụ, HAGL cần ít nhất 1 điểm trước Hải Phòng ở trận cuối cùng để bảo vệ thành công chức vô địch V.League. Cá nhân Kiatisuk cũng cần có thêm bàn thắng để cạnh tranh danh hiệu Vua phá lưới với Amaobi.
Nhưng trong tình thế đó, HAGL lại bất ngờ thất thủ 0-1 ngay trên sân Lạch Tray. Họ ào lên tấn công ngay từ những phút đầu và được hưởng một quả phạt đền. Kiatisuk lấy đà rất xa, nhưng cuối cùng lại tung ra một cú sút đơn giản để Tuấn Điệp bay người cản phá thành công. Sân Lạch Tray như vỡ tung vì quả phạt đền hỏng ăn kia. Họ cười. Dưới sân, Kiatisuk cũng... cười.
HAGL thua trận nhưng vẫn lên ngôi vô địch vì Nam Định để thua SLNA 0-3 trên sân Vinh. Ở chiều ngược lại, 3 điểm có được trong vòng đấu cuối giúp Hải Phòng trụ hạng thành công, đẩy Thể Công xuống chơi ở giải hạng Nhất. Chẳng ai biết Kiatisuk nghĩ gì khi tung ra một cú sút có thể khiến đội nhà mất cúp như thế, nhưng chuyện đó không bao giờ trở thành sự thật.
Lần thứ 2 Kiatisuk khiến người hâm mộ Việt Nam đau lòng là ở vòng loại World Cup 2018. Thầy trò HLV Toshiya Miura dự giải với một đội hình tương đối đồng đều và được coi là đối thủ chính cạnh tranh với Thái Lan, Iraq cho một suất lọt vào vòng tiếp theo. Nhưng trước áp lực đó, Kiatisuk vẫn tự tin nói Thái Lan không cần phải sợ Việt Nam. Thái Lan sẽ thắng, thậm chí thắng đậm!
"Zico Thái Lan quá kiêu ngạo", người hâm mộ Việt Nam đã nghĩ như vậy trước giờ bóng lăn. Nhưng cuối cùng người Thái thắng Việt Nam 1-0 trên sân nhà và 3-0 ngay trên chảo lửa Mỹ Đình. Chúng ta thua đau đớn nhưng chẳng ai oán trách Kiatisuk cả. Ông đã làm đúng như những gì mình nói, tự tin nhưng không hề tự kiêu. Kiatisuk đôi lúc vẫn làm tổn thương người hâm mộ Việt Nam như thế, nhưng càng đau, ta lại càng yêu quý ông hơn.
Những lần thể hiện tình yêu Việt Nam của Kiatisuk Chỉ cần gõ cụm từ "Kiatisuk hát tiếng Việt" trên bất kỳ trang tìm kiếm nào, chúng ta sẽ tìm thấy ngay đoạn phim ghi cảnh Kiatisuk gảy đàn lúc còn thi đấu cho HAGL. Đoạn phim đó chính là dấu ấn lớn nhất trong tim người hâm mộ Việt Nam về một Kiatisuk yêu bóng đá Việt, nói tiếng Việt, hát cả tiếng Việt. Ông đặc biệt thích nhạc Mỹ Tâm. Kể từ ngày trở lại Việt Nam làm việc, trang Facebook của Kiatisuk cũng được cập nhật thường xuyên hơn bằng 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Thái Lan. Nhưng thực sự Kiatisuk có giỏi tiếng Việt như chúng ta vẫn nghĩ hay không? Zico Thái Lan có thể giao tiếp bằng tiếng Việt ở mức cơ bản, nhưng trong các bài tập hoặc phỏng vấn, họp báo... ông vẫn cần có phiên dịch viên hỗ trợ. Trong trường hợp không thể nói bằng tiếng mẹ đẻ, Kiatisuk sẽ chọn tiếng Anh để giao tiếp chứ không dùng tiếng Việt. Zico Thái Lan nói rất sõi tiếng Anh, còn tiếng Việt thì ông vẫn cần phải học nhiều. |
Việc V-League 2021 hoãn tới tháng 2/2022 khiến nhiều đội bóng gặp khó khăn trong việc trả lương cho cầu thủ bởi kinh phí...
Nguồn: [Link nguồn]