Không Messi, Barca thôi luôn tiki-taka
Barcelona thắng dễ dàng 4-0 trước Granada, điều đó chẳng có gì ngạc nhiên. Và mức độ ngạc nhiên cũng chẳng hề giảm cho dù Lionel Messi không có mặt trên sân. Nhưng nếu có một điều đáng chú ý từ trận thắng này, đó là việc Barcelona đang ngày càng xa rời tiki-taka hơn.
Một nhà báo của tờ Sport (TBN) cách đây 2 tháng đã viết rằng, việc Messi không có mặt trên sân bóng đôi khi lại khiến các mũi nhọn khác của Barcelona trở nên cực kỳ nguy hiểm hơn so với thường lệ.
Lời nhận xét ấy được đưa ra sau khi Pedro lập hat-trick vào lưới Rayo Vallecano cuối tháng 9. Đó là một trận đấu Messi không ghi bàn, nhưng điều đáng chú ý nhất là Barca lại để Vallecano ép sân (chỉ cầm bóng 46% thời lượng trận đấu).
Granada quá yếu để có thể chống chọi, và Barcelona vẫn ép sân 58%. Dù vậy, chúng ta phải đặt con số 58% ấy vào một sự so sánh để thấy rằng Barcelona của năm ngoái và năm nay đã thay đổi thế nào.
Từ chỗ ép sân trung bình 69% mỗi trận ở mùa 2012-13, con số đã giảm xuống 65,9%. Sự thay đổi ấy có ảnh hưởng như thế nào? Mùa trước Barca trung bình dứt điểm 13,9 lần/trận, bước sang mùa này con số tăng vọt lên 16,9 lần/trận.
Barca dễ dàng đánh bại đối thủ Granada
Gerardo Martino đã sẵn sàng bỏ cách đá pressing quen thuộc của Barcelona để tạo thêm cơ hội ghi bàn. Tiki-taka đã ngày càng khiến đối thủ chủ động “dựng xe buýt” hơn (đặc biệt nếu Messi thi đấu) và những chiến thắng của họ ở cuối mùa trước đã phải dựa rất nhiều vào tài năng cá nhân của Messi và một số trụ cột, hoặc từ những nỗ lực câu lỗi cả trong lẫn ngoài vòng cấm.
Còn hiện nay, việc đá thấp xuống giúp Barcelona tập trung phòng ngự hơn và khoảng trống bên phần sân đối phương cũng mở ra, tạo cơ hội cho các pha phối hợp chính xác hơn.
Pedro ghi hat-trick vào lưới Vallecano nhờ một lối chơi ít dồn ép hơn của Barca. Pedro, Alexis Sanchez, kể cả Neymar, đều không có trình độ kỹ thuật như Messi, nhưng một khi cả đội chơi thấp xuống và buộc đối thủ phải bỏ phòng ngự đổ bê tông, khoảng trống cho phép họ dễ dàng xâm nhập vào vòng cấm hơn thường lệ.
Hơn nữa, khi lấy được bóng thì Barcelona sẽ có nhiều lựa chọn chuyền bóng hơn là cứ phải dò dẫm tìm khe hở của hàng thủ đối phương để chuyền bóng, do đó số cơ hội ăn bàn cũng tăng lên.
Với Pedro là trước Vallecano, với Neymar là chính trận El Clasico trước Real Madrid. Còn Alexis Sanchez? Sanchez đang ngang bằng Messi về số bàn thắng ở La Liga (8). Tất cả đã thay đổi nhờ Tata Martino, có thể nói như vậy.
Sanchez đóng góp 1 bàn thắng vào chiến thắng 4 sao của Barca
Ngay đầu mùa bóng Tata đã yêu cầu các học trò chia đội tập phản công/chống phản công, và Neymar với Sergio Busquets chính là trọng tâm trong bài tập ấy. Khi phòng ngự từ xa, các cầu thủ tấn công chủ yếu che góc chuyền của đối phương để chờ cơ hội cắt bóng, và số lần cắt bóng cũng vì thế tăng nhẹ từ 14,9 lần/trận của mùa trước lên 15,4 lần/trận mùa này.
Khi phản công, Neymar, Pedro, Alexis Sanchez và đôi lúc cả Cesc Fabregas đều nhanh chóng chọn vị trí xung yếu để chờ bóng, và những đường chuyền lên bằng bóng dài được thực hiện càng nhiều hơn (từ 55 đường chuyền/trận mùa trước tăng lên 61 lần/trận mùa này).
Bàn thắng đến dễ dàng hơn vì tính chất nhanh, rộng và không tốn sức của các pha phản đòn như vậy. Neymar cũng đỡ phải tự dùng kỹ thuật cá nhân để tự tạo cơ hội ăn bàn bởi bên cạnh anh những đồng đội khác cũng tạo ra mối đe dọa không kém lên đối phương, qua đó loại bỏ khả năng đội bạn cứ chăm chăm kèm Messi hoặc Neymar.
Chấn thương của Lionel Messi có khi chẳng khiến Barcelona hụt hơi ở La Liga bởi ngay từ đầu mùa giải họ đã bắt đầu rục rịch chuyển giao sang một lối chơi mới với một vài con người mới để giảm bớt phụ thuộc vào anh.
Nếu Messi không ra sân, Barca không đá tiki-taka là sẽ thắng. Thậm chí ở góc độ nào đó, chính vì Messi có mặt trên sân nên đối phương lại càng “xây tường”, và chiến thắng lại càng khó đến hơn.