Không chịu phát triển
Một chuyên gia kinh tế kể bạn bè quốc tế nói rằng kinh tế Việt Nam “không chịu phát triển”. Chuyện đùa của các chuyên gia này lạ ở chỗ rất giống với bóng đá Việt Nam.
Lâu nay các HLV nước ngoài khi đến công tác tại Việt Nam như K.H Weigang, A. Riedl, Calisto, Zivojnov hay nhiều nhà cầm quân khác đều khen bóng đá Việt Nam rất tiềm năng. Các vị này dẫn ra những con số như một đất nước 90 triệu dân và đi đâu mọi người cũng mê bóng đá thì sẽ thừa điều kiện để phát triển. Thế mà...
Các HLV nước ngoài hay có chung một thắc mắc việc một đội bóng mỗi năm tiêu tốn vài chục tỉ đồng cho việc mua cầu thủ ngoại lẫn cầu thủ nhập tịch và cả cầu thủ nội giỏi nhưng để bỏ ra chừng 5 tỉ đồng cho việc phát triển bóng đá trẻ thì ai cũng quay lưng lại.
Các HLV ngoại luôn thắc mắc vì sao nhiều ông chủ làm bóng đá Việt Nam hiểu rất rõ cần phải có tuyến trẻ kế thừa nhưng lại cứ chăm chăm với việc mua cầu thủ có sẵn về đá liền. Rất nhiều CLB hầu như bỏ trắng mảng đào tạo trẻ và đến khi VFF yêu cầu phải có những tuyến trẻ thì hoặc chịu nộp phạt, hoặc đi mượn quân trẻ từ khắp các nơi về đá và mất ít tiền cho những địa phương này.
Hằng năm các CLB tốn rất nhiều tiền cho việc mua và trả lương cầu thủ ngoại lẫn cầu thủ “săn” từ các CLB. Ảnh: XH
Ông Calisto là người có thâm niên lâu năm với bóng đá Việt Nam hay than thở các CLB bỏ luôn tính địa phương vì không có đào tạo cầu thủ trẻ mà chỉ chăm chăm đi “bắt” cầu thủ giỏi về. Và điều này khiến đội bóng thiếu màu cờ sắc áo, thiếu sự gắn bó của khán giả. Ông cũng hay chỉ trích việc nhiều đội bóng phải phát tiền cho những khán giả là sinh viên được thuê đến sân cổ vũ vì như vậy là vẽ nên bức tranh giả tạo.
Thay vì những khoản tiền khổng lồ mua cầu thủ đó, mỗi CLB bỏ ra hằng năm để phát triển bóng đá trẻ cho chính CLB mà phát triển đội bóng một cách bền vững hay làm những học viện thì tốt hơn rất nhiều và cũng tiết kiệm được rất nhiều.
Mới đây, HLV Kitaguchi của Học viện Amitie (Nhật) đang phát triển công tác bóng đá cộng đồng tại Việt Nam và đào tạo trẻ cũng rất ngạc nhiên trước cảnh mỗi CLB Việt Nam hằng năm tiêu tốn vài chục tỉ đồng nhưng bóng đá Việt Nam thì không phát triển được. Anh Kitaguchi đã đưa ra những câu hỏi rất thực tế như: Họ bỏ rất nhiều tiền ra cho mục đích gì? Cầu thủ Việt Nam lương tháng bao nhiêu, giá chuyển nhượng trung bình như thế nào? Cầu thủ mang lại những khoản tiền nào cho CLB, cho ông chủ để ông chủ có tiền trả lương lớn lại cho cầu thủ...
Cuối cùng thì các HLV ngoại đều tiếc cho bóng đá Việt Nam ở chỗ “không chịu phát triển” là vì những mục đích ngoài bóng đá và tiêu tiền nhiều vào bóng đá hơn là làm để phát triển bóng đá một cách nghiêm túc.