Khốn khổ NHA: Sự xuống cấp trên ghế huấn luyện
Sự kiện Sam Allardyce lên làm HLV trưởng ĐT Anh đã vô tình khiến người Italia có số HLV trưởng nhiều hơn người Anh ở Premier League.
Trong cùng một thời điểm, Sam Allardyce rời khỏi chức HLV trưởng Sunderland để lên đội tuyển Anh nhận việc, trong khi đó HLV Steve Bruce bất ngờ từ chức ở đội mới lên hạng Premier League là Hull City, 3 tuần trước khi mùa giải mới bắt đầu.
HLV Sam Allardyce - tân HLV trưởng của ĐT Anh
Bất luận vì lý do gì mà Allardyce và Bruce chọn để rời CLB của mình, có một thực tế đáng chú ý là sau khi Sunderland lẫn Hull mất HLV trưởng của mình, số lượng HLV trưởng người Anh ở Premier League đã ở vào mức thấp báo động, vỏn vẹn chỉ 3 người.
Eddie Howe (Bournemouth), Sean Dyche (Burnley) và Alan Pardew (Crystal Palace) là 3 người Anh còn sót lại trên băng ghế chỉ đạo của các CLB Ngoại hạng. Trong 3 đội thì có hai đội kết thúc mùa giải 2015/16 ở nửa cuối BXH, còn Burnley là đội mới lên hạng.
Số lượng HLV người Anh ở Premier League lúc này đã thua số HLV người Italia. Ở Leicester City có Claudio Ranieri vừa giành chức vô địch mùa trước, còn Francisco Guidolin đã giải cứu Swansea thành công khỏi vé xuống hạng ở nửa cuối mùa giải. Hai người còn lại đều là những chiến lược gia mới được đánh giá cao, Walter Mazzarri dẫn dắt Watford còn Antonio Conte cầm đầu Chelsea.
Premier League vốn được xem là giải đấu của ngoại binh từ lâu, có một giai đoạn số cầu thủ nước ngoài chiếm tới hơn 60% thành phần được đăng ký thi đấu. Nhưng giờ không chỉ các cầu thủ Anh đang lép vế trong nước, ngay cả các HLV giỏi cũng vắng bóng dần.
Số HLV người Italia đã nhiều hơn người Anh để dẫn đầu Premier League
Mới đây chính HLV Sam Allardyce đã thẳng thắn nhìn nhận rằng Premier League đang kìm hãm ĐT Anh rất nhiều. Ông nói: “Premier League trở nên lớn hơn đấu trường quốc tế. Giải đấu càng lớn thì càng hạn chế khả năng tỏa sáng cả các cầu thủ người Anh. Nước Anh có lẽ là quốc gia khó tạo ra một đội tuyển mạnh nhất có thể chỉ vì Premier League quá nổi tiếng”.
Không phải tự dưng mà Premier League lại đang nghèo nàn HLV nội như hiện tại. Theo UEFA, ở Anh có hơn 1.700 HLV có chứng chỉ huấn luyện B của UEFA, gần 900 người mang chứng chỉ hạng A và chưa đến 200 người đạt chứng chỉ Pro, cấp chứng chỉ cao nhất.
Trong khi đó, Đức có đến 28.400 HLV mang chứng chỉ B, 5.500 người có chứng chỉ A và hơn 1.000 người mang chứng chỉ Pro. Nguồn tài nguyên huấn luyện của Đức là cực kỳ dồi dào, cũng giống như nguồn tuyển thủ dành cho ĐT Đức. Không ngạc nhiên mà Đức đã ít nhất vào bán kết liên tiếp các giải đấu lớn kể từ năm 2006 đến nay, trong khi Anh lẹt đẹt giỏi lắm vào tới tứ kết.
Bóng đá Anh đang ngày một sa sút về chất lượng tuyển thủ, và bây giờ cả khả năng của các HLV cũng đi xuống theo. Premier League đang là biểu hiện rõ nhất của tình trạng ấy.