Ngoại hạng Anh được mệnh danh là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, và nơi đây quy tụ rất nhiều anh tài trên băng ghế huấn luyện. Cuộc chiến về mặt chiến thuật cũng cực kỳ gay cấn và quyết liệt với nhiều "đòn" bất ngờ. Điều đó lại càng được thể hiện rõ hơn trong mùa giải 2024/25.
T
rong bóng đá, sơ đồ chiến thuật là công cụ để HLV giải thích cho cầu thủ biết vai trò và vị trí thi đấu trên sân. Cũng từ sơ đồ chiến thuật, người xem có thể hiểu được lối chơi của đội bóng. Bởi vậy, rất nhiều người yêu bóng đá rất thích và nghiên cứu sâu về vấn đề này.
Do vị trí thủ môn không biến đổi nên sơ đồ chiến thuật chỉ nhắc tới 10 cầu thủ còn lại trên sân. Ở cuối thế kỷ 19, sơ đồ chiến thuật được sử dụng nhiều nhất là 2-3-5 (hay còn được gọi là sơ đồ “Kim tự tháp”), tức là 2 hậu vệ, 3 tiền vệ và 5 tiền đạo.
Sau này, HLV trưởng của ĐT Italia trong những năm 1930, Vittorio Pozzo đã đưa ra sơ đồ biến thể đáng chú ý đầu tiên là Metodo (2-3-2-3) (hình ảnh). Chiến lược gia huyền thoại người Italia nhận ra rằng hàng tiền vệ cần được bổ sung sức mạnh để áp đảo đối thủ ở giữa sân.
Bởi vậy, ông kéo 2 tiền đạo về thi đấu thấp hơn so với bình thường trong khi ba tiền vệ có xu hướng mở rộng cánh cung ra hẳn hai biên. Lối chơi này giúp ĐT Italia phòng ngự và phản công tốt hơn. Hai chức vô địch World Cup liên tiếp vào các năm 1934 và 1938 mang đậm dấu ấn của Vittorio Pozzo.
Đó chính là tiền đề để sơ đồ chiến thuật phát triển đa dạng như ngày nay. Mặc dù có nhiều biến thể nhưng về cơ bản, sơ đồ chiến thuật trong bóng đá phát triển theo số lượng hậu vệ là 3, hoặc 4, hoặc 5.
Từ đó, mỗi HLV lại có cách xây dựng đội hình riêng. Đối với sơ đồ 3 hậu vệ, các biến thể có thể là 3-4-3, 3-5-2, 3-6-1, 3-3-3-1, 3-2-4-1, 3-1-4-2... Tương tự như vậy, sự đa dạng của sơ đồ 4 hậu vệ cũng không hề kém cạnh. Trong khi đó, sơ đồ 5 hậu vệ ít biến thể hơn do số lượng cầu thủ tấn công ít hơn. Đôi khi, một số HLV cũng tung ra đội hình “dị” như 6-4-0, 7-2-1, 7-3-0 nhưng rất hiếm gặp.
Một điểm thú vị là tầm quan trọng của sơ đồ chiến thuật khi bắt đầu trận đấu đã giảm đi theo thời gian bởi sự phát triển của bóng đá hiện đại. Nguyên nhân là bởi mỗi sơ đồ đều có ưu và nhược điểm riêng. Các HLV buộc phải thay đổi sơ đồ chiến thuật ngay trong trận để phù hợp với tình hình của trận đấu.
Ví dụ như đội hình 5-4-1 rất mạnh trong việc phòng thủ nhưng yếu trong khả năng tấn công. Vậy nên, các HLV có thể chuyển sang biến thể 4-2-3-1 hoặc thậm chí là 3-4-3 để dồn sức cho mặt trận tấn công tùy vào cầu thủ đang có mặt trên sân.
P
ep Guardiola, một trong những người đi đầu về việc thay đổi linh hoạt sơ đồ thi đấu trên sân đã từng nói rằng sơ đồ chiến thuật chẳng khác gì “số điện thoại”. Nói theo cách dễ hiểu, sơ đồ đội hình xuất phát đối với ông thầy người Tây Ban Nha chỉ có tác dụng thông báo 11 cầu thủ đá chính.
Theo thống kê từ Ngoại hạng Anh, Pep Guardiola đã sử dụng tới 14 sơ đồ chiến thuật trong hơn 9 năm qua. Được dùng nhiều nhất là sơ đồ chiến thuật 4-3-3, trong khi đó sơ đồ 4-4-2 và 4-1-2-2-1 kim cương là 2 sơ đồ chiến thuật được ông thầy người Tây Ban Nha sử dụng ít nhất.
Ngay trong trận đấu đầu tiên tại Ngoại hạng Anh (Man City 2-1 Sunderland, 13/8/2016), ông thầy người Tây Ban Nha đã biến hóa sơ đồ đội hình xuất phát 4-2-3-1 sang sơ đồ chiến thuật 4-3-3 khi cần phải đẩy mạnh tấn công tìm bàn thắng.
Sang mùa giải 2019/20, Pep Guardiola lại thường xuyên sử dụng sơ đồ 4-2-2-2 và biến hóa thành 2-3-3-2 khi tấn công với sự xuất hiện của Rodri. Năm 2022, Haaland cập bến sân Etihad và ông thầy người Tây Ban Nha lại tạo ra biến thể mới cho đội hình 4-2-3-1 là 3-2-4-1 khi đẩy John Stones lên đá cặp tiền vệ trung tâm với Rodri trong lúc đội cần tấn công.
Ở mùa giải này, Pep Guardiola thường sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 hoặc 4-1-4-1 để tận dụng khả năng xuyên phá từ biên của các cầu thủ như Doku, Grealish, hay Savinho. Trong trận đấu với Real Madrid ở lượt đi playoff Champions League vừa qua, Pep Guardiola sử dụng đội hình 4-1-4-1 với John Stones đá tiền vệ phòng ngự và vận hành khá tốt.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên xấu đi khi Kovacic vào sân thay Ake. Trung vệ người Anh được kéo xuống đá trung vệ với Dias và Man City thủng luôn tuyến giữa. Chính Kovacic là người mắc sai lầm khiến Man City thủng lưới bàn thứ 3.
Pep Guardiola vẫn có những biến hóa rất hay về mặt chiến thuật trong mùa giải này. Dù vậy, thành tích của Man City lại không được như ý bởi ông thầy người Tây Ban Nha đang mất con bài quan trọng nhất, Rodri. Pep chưa tìm ra được người thay thế cho cậu học trò đồng hương.
Mọi sự biến hóa trong chiến thuật của Pep Guardiola đều xoay quanh vị trí tiền vệ mỏ neo của Rodri. Cầu thủ người Tây Ban Nha vừa tranh bóng tốt lại phát động tấn công hay.
Cựu sao Atletico Madrid giỏi đến nỗi Pep dùng tới 2 người để khóa lấp chỗ trống nhưng vẫn không thành công. Đúng là "có bột mới gột được nên hồ". Mọi chiến thuật đều cần phải có cầu thủ phù hợp mới có thể phát huy được tối đa tác dụng.
M
ột điều thú vị đang xảy ra tại Ngoại hạng Anh 2024/25 là các đội bóng không chỉ xoay sơ đồ chiến thuật tùy theo tình huống công hoặc thủ nữa. Họ sẵn sàng đổi hẳn sang đội hình mới đề phù hợp với hoàn cảnh. Trước đây, các HLV thường chỉ làm điều đó trong trường hợp bất đăc dĩ do có cầu thủ chấn thương. Tuy nhiên, các đội bóng tại Ngoại hạng Anh hiện tại sẵn sàng làm điều đó để hiện thực hóa mục tiêu.
CLB đang thực hiện “chiêu trò” này thành công nhất là Nottingham Forest. Đây có thể nói là bí quyết thành công của HLV Nuno Santo khi dẫn dắt đội bóng với những cầu thủ tầm trung nhưng vẫn có thể giữ vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Theo thống kê, ông thầy người Bồ Đào Nha đã có tới 19 lần thay đổi sơ đồ chiến thuật chỉ sau 24 trận Ngoại hạng Anh, nhiều hơn 5 lần so với đội đứng thứ hai là West Ham (14 lần).
Lý do gì để Nottingham Forest thay đổi nhiều như vậy? Đó là để bảo toàn tỉ số. Theo thống kê, đội bóng này cũng có 19 lần mở tỉ số trong mùa giải này, nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào. Nuno Santo thường xuyên tung “siêu dự bị” Morato vào sân để thay một tiền đạo hoặc tiền vệ công. Nottingham Forest sẽ chuyển từ sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 sang thành 5-4-1. Sự thay đổi này thường tới trong khoảng 25 phút cuối trận để Nottingham Forest bảo toàn cách biệt.
Thực tế, chiêu trò này không hề dễ làm bởi 4/5 đội thay đổi hẳn sơ đồ chiến thuật trong trận nhiều nhất đều đang nằm ở nửa sau của bảng xếp hạng. Trong khi đó, 3/4 đội dẫn đầu giải đấu nằm trong nhóm các đội ít thay đổi nhất. Có thể nói Nottingham Forest đang là “ngoại lệ” của giải đấu. Bởi thay đổi nhiều chưa chắc đã hay, nhưng không thay đổi cũng chưa chắc đã tốt.
Đội thay đổi hẳn sơ đồ chiến thuật ít nhất Ngoại hạng Anh lúc này là Man United (1 lần), đang đứng thứ 13 trên bảng xếp hạng. Ruben Amorim mới tiếp quản đội bóng từ hồi tháng 11 năm ngoái nên buộc phải kiên trì với sơ đồ chiến thuật 3-4-2-1.
Ông thầy người Bồ Đào Nha hiểu rằng việc ít biến hóa đội hình sẽ khiến Man United dễ bị bắt bài hơn nhưng Amorim cần các học trò thấm nhuần được triết lý trước.
Rõ ràng thay đổi sơ đồ chiến thuật cũng chỉ là một phần trong cuộc chơi. Quan trọng nhất vẫn là màn trình diễn của các cầu thủ trên sân. Họ mới là những người trực tiếp chạm vào bóng. HLV dù giỏi đến đâu cũng chẳng thể vào sân đá thay được.
Đ
ể sử dụng nhiều sơ đồ chiến thuật trong một trận đấu, các HLV buộc phải có trong tay những cầu thủ “đa di năng”. Đây không phải là điều dễ dàng trong bóng đá hiện đại đặc biệt là tại Ngoại hạng Anh bởi tính chuyên môn của giải đấu rất cao. Tuy nhiên, những cầu thủ này luôn là “giấc mơ” của mỗi HLV bởi họ có thể gia tăng chiều sâu cho đội hình mà không cần chiêu mộ thêm cầu thủ mới.
Theo thống kê, Daichi Kamada (Crystal Palace), Georgino Rutter (Brighton) và Noussair Mazraoui (Man United) là ba cầu thủ được sử dụng ở nhiều vị trí nhất tại Ngoại hạng Anh 2024/25 tính cho tới vòng 24 (7 vị trí).
Tiền vệ người Nhật Bản được HLV Glasner sử dụng ở các vị trí tiền vệ phòng ngự, tiền vệ trung tâm, tiền vệ cánh trái, tiền đạo cánh phải, tiền vệ công lệch trái, tiền vệ tấn công lệch phải, tiền vệ công sau 20 lần ra sân tại Ngoại hạng Anh. Ở vị trí nào, Kamada cũng chơi ở mức tròn vai. Tuy nhiên, chính điều này lại đang làm hại tiền vệ người Nhật Bản bởi chính HLV Glasner cũng chẳng biết Kamada phù hợp với vị trí nào nhất. Bởi vậy, cựu cầu thủ của Lazio mới chỉ được chơi 931 phút thực chiến với 10 lần vào sân thay người.
Tương tự như vậy là tình trạng của Georgino Rutter của Brighton. Cầu thủ người Pháp được HLV Hurzeler sử dụng từ tiền đạo cho đến tiền vệ trung tâm. Rutter khá khẩm hơn Kamada khi có được 4 bàn và 2 kiến tạo sau 23 lần ra sân tại Ngoại hạng Anh 2024/25. Tuy nhiên, Rutter mới chỉ được đá đủ 90 phút đúng 3 lần. Điều này cho thấy cầu thủ này không quá quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của Hurzeler.
Trong khi đó, Mazraoui lại khác hoàn toàn so với hai trường hợp trên. Hậu vệ cánh người Morocco luôn chơi tốt dù là ở vị trí nào. Thực ra, điều này cũng là dễ hiểu bởi Kamada và Rutter là những cầu thủ tấn công nên khả năng hoàn thành nhiệm vụ thấp hơn so với Mazraoui, một hậu vệ.
Tuy nhiên, cầu thủ người Morocco cần phải có kỹ thuật chơi bóng kèm theo nhãn quan cực tốt mới có thể vừa sắm vai hậu vệ tấn công bên phải rồi lại về làm trung vệ lệch trái.
Có trong tay những cầu thủ đa năng là điều tốt nhưng các HLV cần phải biết cách sử dụng hiệu quả. Dẫu sao, cầu thủ vẫn nên đá đúng sở trường. Những thay đổi chỉ nên mang tính chất tạm thời để gây bất ngờ cho đối thủ. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi bởi nếu đối thủ đá trái sở trường dễ mắc sai lầm. Pep Guardiola có lẽ đang là người “thấm” nhất điều này sau trận thua 1-5 trước Arsenal.
Tổng kết lại, biến hóa đội hình cần có những cầu thủ đa năng, có thể đá được từ 1-2 vị trí. Thế nhưng, đây cũng chỉ một phần trong cuộc chơi. Chiến thắng cần thêm cả những yếu tố khác nữa. Mặc dù vậy, tìm hiểu về cách biến hóa lối chơi ngay trong trận cũng là điều rất thú vị và đáng để tìm hiểu.
Nguồn: [Link nguồn]
-14/02/2025 11:56 AM (GMT+7)X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |