Khoảnh khắc điên rồ World Cup: Kỳ tích Hàn Quốc và nỗi hổ thẹn chưa từng có
Từ niềm tự hào của bóng đá châu Á, Hàn Quốc bị đặt nhiều dấu hỏi sau kì World Cup 2002 tai tiếng với những "tiếng còi méo" lịch sử.
Sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2018 đang đến gần. Hãy cùng chúng tôi hâm nóng bầu không khí World Cup và nhìn lại lịch sử giải đấu qua loạt bài "Khoảnh khắc World Cup" vào thứ 2, 4,6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 26/3! |
Nhìn lại kì World Cup 2002 và bóng đá Hàn Quốc
Lọt vào bán kết World Cup là chuyện bình thường với những cường quốc bóng đá Nam Mỹ và châu Âu, nhưng lại là kì tích với một đội tuyển châu Á. Hàn Quốc - trong lần tham dự giải đấu danh giá nhất làng túc cầu với tư cách đồng chủ nhà cùng Nhật Bản năm 2002 đã làm nên điều kì diệu đó.
Những "tiếng còi méo" đã góp phần làm nên kì World Cup vinh quang nhưng không kém phần tai tiếng của Hàn Quốc
Đánh bại BĐN, Italia, TBN và chỉ chịu thua á quân Đức, hành trình của đoàn quân được dẫn dắt bởi "cáo già' Guus Hiddink, cùng đương kim HLV trưởng đội tuyển Việt Nam - Park Hang Seo trong vai trò trợ lý, mãi trở thành niềm tự hào với người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên không ít CĐV, đặc biệt là fan trung lập lại coi đó như "nỗi hổ thẹn châu Á" bởi cái tên Hàn Quốc lại đi cùng với những "tiếng còi méo" bí ẩn.
Câu chuyện bắt đầu từ lượt trận cuối vòng bảng giữa Hàn Quốc và Bồ Đào Nha. Không dưới 2 lần, thầy trò Hiddink được hưởng lợi từ quyết định khó hiểu của trọng tài chính Angel Sanchez. "Vua sân cỏ" người Argentina rút thẻ đỏ đuổi 2 cầu thủ, không công nhận 1 bàn thắng hợp lệ khiến "Brazil châu Âu" ức chế tâm lí và chịu thua bằng bàn thắng duy nhất của Park Ji Sung.
Vòng 1/8, đến lượt trọng tài Byron Moreno "tiễn" một ứng viên vô địch khác là Italia ra về bằng kịch bản gần như tương tự: đuổi Francesco Totti vì lỗi "ăn vạ" oan uổng, từ chối 2 bàn thắng hợp lệ của Vieri và Tommasi. "Đội tuyển Thiên Thanh" gục ngã ở hiệp phụ thứ 2 nhờ pha lập công của Ahn Jung-Hwan (hòa 1-1 ở 2 hiệp chính).
Đỉnh điểm của sê-ri trò lố mang tên "vua sân cỏ" xuất hiện trong trận tứ kết. Không chỉ 1 mà tới 2 lần, trọng tài người Ai Cập Gamal Al-Ghandour không công nhận bàn thắng hợp lệ cho TBN. Khác với 2 trận đấu kia, Hàn Quốc phải phân định hơn thua trên chấm luân lưu nhưng trước một "Bò tót" rã rời tinh thần vì bị "tra tấn" suốt 120 phút, họ vẫn giành chiến thắng 5-3,
Những quyết định bất thường của các trọng tài đã không xảy ra một lần nữa ở bán kết giữa Đức và Hàn Quốc. Đội đồng chủ nhà kết thúc cuộc hành trình bằng thất bại 0-1, trước khi thua nốt Thổ Nhĩ Kỳ 2-3 trong trận tranh hạng ba. Theo thống kê, World Cup 2002 có 5 bàn thắng không được công nhận, 4 trong số đó thuộc về những trận đấu có mặt Hàn Quốc!
Từ niềm tự hào châu Á, Hàn Quốc trở thành "nỗi hổ thẹn" lớn nhất lịch sử các kì World Cup
Những sai lầm mang tính hệ thống của đội ngũ cầm cân nảy mực trong các trận đấu của Hàn Quốc khiến giới mộ điệu hoàn toàn có cơ sở nghi ngờ về việc các "ông vua sân cỏ" này chịu tác động từ thế lực ngầm nào đó để trợ giúp "đội bóng xứ Kim Chi". Cần biết, trọng tài Byron Moreno điều khiển trận đấu giữa Hàn Quốc và Italia cũng từng bị bắt ở Mỹ vì vận chuyển 6 kg heroin.
Sẽ là không công bằng nếu phủ nhận sạch trơn nỗ lực phi thường của Hàn Quốc. Họ đã được ca ngợi bằng những tiến bộ dưới triều đại của "phù thủy" Guus Hiddink, với nền tảng thể lực vượt trội và ý chí đáng khen.
Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ giải đấu, có lẽ người hâm mộ châu Á vẫn ao ước tìm kiếm "niềm tự hào" mới tại World Cup để không phải nhớ đến "nỗi hổ thẹn" từ "tiếng còi méo" của trọng tài mà đội tuyển Hàn Quốc được hưởng lợi năm ây.
* Huyền thoại MU, Roy Keane đã không thể có vinh dự góp mặt tại World Cup 2002 trong giai đoạn xế chiều sự nghiệp, sau scandal ồn ào với HLV trưởng Cộng Hòa Ireland, Mick McCarthy. Sự thật đằng sau câu chuyện này như thế nào, mời các bạn đón đọc kì tiếp theo của loạt bài "Khoảnh khắc điên rồ World Cup" vào sáng ngày thứ Sáu, 6/4.
Trong phòng thay đồ, David Beckham khóc như một đứa trẻ vì chiếc thẻ đỏ dại dột.