Khó chuyên nghiệp!
Sau những vụ phá án lần ra những đường dây làm độ và dàn xếp tỉ số từ hai đội V. Ninh Bình, Đồng Nai, bóng đá Việt Nam bỗng bỏ qua nhiều mặt yếu mà tập trung hết vào chuyện chống bán độ.
Thực chất thì những nhà làm bóng đá đang có suy nghĩ một chiều khi cho rằng đấy là nguyên nhân duy nhất khiến bóng đá Việt Nam yếu kém. Cần phải có một cái nhìn tích cực và toàn diện hơn khi xem lại nguồn gốc của một nền bóng đá đang cố gắng gượng sống bám trên cái thân chuyên nghiệp.
Hãy bắt đầu từ các CLB khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp bằng một lớp vỏ tạm bợ qua sự bảo chứng của công ty cổ phần bóng đá. Ở đây đa phần toàn là lách luật để chơi chuyên nghiệp mà rõ nhất là An Giang đá gần xong một mùa giải vẫn chưa giải ngân đủ 35 tỉ đồng tối thiểu theo quy chế chuyên nghiệp.
B.Bình Dương vẫn sống nhờ nguồn tài chính công ty mẹ chứ chưa thể làm ra tiền
Tất cả công ty cổ phần đều chỉ có một “cửa vào” là nhận tiền và tiêu tiền chứ không có cửa làm ra tiền để cân bằng tài chính. Thậm chí là đến đội bóng giàu nhất Việt Nam và chi đậm lẫn chi bạo nhất Việt Nam là B. Bình Dương cũng đang xài tiền của công ty mẹ ăn nên làm ra do có nhiều nguồn thu từ dự án và các công trình ở địa phương. Đã có lần một phó chủ tịch VFF ngồi với ông tổng giám đốc Becamex và thú thật là ông hy vọng ông tổng này đừng hắt hơi sổ mũi hay đừng bỗng dưng chán bóng đá.
Một đội bóng bây giờ rất dễ khai tử nếu ông chủ thấy không “máu” hoặc chán vì bị cầu thủ phản bội như bầu Trường từng hành động khi thấy cầu thủ rủ rê bán độ. Hay những cái tên truyền thống như Cảng Sài Gòn, Thể Công trước đây thế mà cũng bị xóa sổ vì “ông chủ” không thích…
Nền tảng của các đội chuyên nghiệp rõ ràng không bền vững bởi chân đế của nó không phải được xây từ bóng đá mà từ doanh nghiệp móc túi đổ vào. Mà nền tảng xây không móng như thế thì đừng mong bóng đá trẻ được đào tạo bài bản. Cũng đừng mong cầu thủ được dạy dỗ tử tế.
Xét cho cùng các cầu thủ tham gia bán độ và từng ra tòa hay sắp ra tòa thì lỗi chính là ở ý thức của họ. Tuy nhiên, phần quan trọng không kém là họ sống trong môi trường không chuyên nghiệp nên hành xử cũng thế. Cứ nhìn cái cách các đội giành cầu thủ của nhau hay xui cầu thủ tìm cách phá đội này để về đội kia thì sẽ thấy môi trường vào nghề và sống với nghề của họ không an toàn.
Gia tăng việc chống bán độ bằng những biện pháp mạnh là điều cần thiết nhưng xây lại nền tảng bóng đá chuyên nghiệp cũng cần phải được tiến hành song song.
Mà điều này thì chưa thấy nhà điều hành bóng đá nào bàn tới cả!