Khó cải tổ VPF
Đại hội cổ đông Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 12, dự báo có nhiều biến động về mặt nhân sự nhưng mọi chuyện có lẽ sẽ sớm ngã ngũ sau cuộc họp kín của HĐQT vào sáng 28-10
Cuộc họp HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) diễn ra sáng 28-10 tại TP HCM dự báo sẽ bàn về vấn đề nhân sự, nhất là xung quanh chiếc ghế tổng giám đốc (TGĐ) hiện do ông Phạm Ngọc Viễn nắm giữ. Bất chấp một số chỉ trích gần đây nhắm vào những vị phó TGĐ trẻ tuổi như Phạm Phú Hòa hay Nguyễn Minh Ngọc, ông Viễn vẫn khó giữ được ghế vì HĐQT đã xác định sẽ thay TGĐ trong đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 12 tới.
Cách đây không lâu, từng xuất hiện thông tin VPF sẽ đặt niềm tin vào phó TGĐ Nguyễn Minh Ngọc, người được nhắm thay ông Viễn. Ông Ngọc có thể không bằng ông Viễn về mặt kinh nghiệm lẫn nền tảng kiến thức về bóng đá nhưng ông Ngọc còn trẻ, có ưu thế trong việc sử dụng lâu dài, lại được lòng các lãnh đạo ở VFF.
Việc ông Ngọc được cất nhắc dần đến các vị trí như trưởng ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp trong nước hay ngồi ghế phó TGĐ gần như là một sự chuẩn bị cho ngày chính thức tiếp quản cương vị tổng quản lý VPF. Tuy nhiên, ngay ở hội nghị tổng kết mùa giải 2015 diễn ra vào tháng 10 vừa qua, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng bất ngờ công kích thẳng vào vấn đề tài chính của VPF, vốn thuộc trách nhiệm của ông Phạm Phú Hòa. Nhiều người cho rằng phát biểu của chủ tịch CLB Hải Phòng diễn ra không đúng thời điểm và đương nhiên đích nhắm đến là để hạ thấp uy tín của các phó tổng, nâng cao vai trò của TGĐ VPF.
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng phát biểu trong một cuộc gặp gỡ với báo chí về các giải chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Liêm
Nói thẳng ra là dù VPF có yếu kém trong khâu kêu gọi tài chính và vận động tài trợ thì ông Viễn cũng không có lỗi. Giới chuyên môn cho rằng ngoài chuyện bàn về vị trí của ông Viễn, VPF có lẽ cũng chẳng có thay đổi gì khác. Một thực tế cho thấy dù có thay đổi ở cấp quản lý VPF thì tổ chức này cũng không còn mạnh như hồi mới thành lập cách nay vài năm.
Thay vì độc lập hoàn toàn với VFF trong khâu tổ chức giải quốc nội (kiểu như công ty tổ chức Premier League của Anh chẳng dính dáng gì với LĐBĐ Anh về mặt cơ cấu hoặc tương tự là công ty tổ chức Thai-League với LĐBĐ Thái Lan) thì VPF ngày càng giống một công ty chuyên tổ chức sự kiện cho VFF. Người của VFF cũng gần như chi phối quyền lực đáng kể ở VPF, từ chuyện Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang là Phó Chủ tịch VPF (thay ông Đoàn Nguyên Đức trước đây), đại diện cho hơn 30% vốn của VFF tại VPF cho đến khâu điều hành cũng hệt như bộ máy của VFF.
Ở VPF hiện nay, chỉ còn Chủ tịch Võ Quốc Thắng là người độc lập hoàn toàn so với VFF nhưng ông bầu này dường như ngày càng đơn độc trong giấc mơ cải tổ khâu tổ chức các giải trong nước, sau khi lần lượt những người từng đồng hành với ông gồm bầu Kiên, bầu Đức hay Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa Lê Tiến Anh rời VPF vì những lý do khác nhau.
Những nhân vật còn lại trong bộ máy lãnh đạo của VPF hoặc đang là ủy viên Ban Chấp hành VFF hoặc là người của VFF được biệt phái sang. Đồng thời, tiếng nói của các CLB (nơi nắm đến gần 70% cổ phần) lại rất mờ nhạt, hệt như khi VFF còn nắm quyền tổ chức, quản lý V-League.