Khi Thái Lan muốn ‘học’ bóng đá Việt Nam
Báo chí Thái Lan đang ca ngợi bóng đá Việt Nam khi cho rằng sự phát triển vượt bậc nhờ sở hữu hệ thống đào tạo trẻ bài bản không thua gì bóng đá Đức.
Hôm qua, rất nhiều bản tin và báo chí Việt Nam (VN) dẫn lại lời nhận xét của truyền thông Thái Lan mà bỏ qua khâu kiểm chứng để xác định truyền thông Thái Lan hiểu thế nào về hệ thống đào tạo trẻ của Đức và VN.
Truyền thông Thái sốt ruột với sự trưởng thành của bóng đá Việt Nam ở cấp độ các đội tuyển. Ảnh: TRÂM ANH
Các chuyên gia VN trong đó không ít người hiểu lẫn được đào tạo từ Đức thì chỉ nói đơn giản rằng bóng đá trẻ của Đức là cả một hệ thống quy mô liên quan đến gia đình và giáo dục. Thậm chí ngay từ bây giờ Đức đã lập xong hệ thống đào tạo trẻ 8-10 tuổi để chuẩn bị cho chức vô địch World Cup 2030.
Đề cập thẳng vào chi tiết trên để thấy rằng truyền thông Thái Lan hoặc không hiểu gì về hệ thống đào tạo giữa Đức và VN, hoặc nếu hiểu thì rất sơ sài nhưng vẫn cố ví von để “chọc ngoáy” và chỉ trích những nhà làm bóng đá Thái Lan trước những thành tích vượt bậc của bóng đá VN.
Thực tế thì có một số vấn đề bóng đá Thái Lan cần phải học bóng đá VN. Ngược lại, bóng đá VN cũng cần phải học bóng đá Thái Lan để hoàn thiện và cũng là để cạnh tranh.
Thái Lan sau thời gian dài làm trùm khu vực Đông Nam Á đã tính xa hơn cho việc bước ra khỏi “ao làng” và hòa nhập, cạnh tranh với những cường quốc của bóng đá châu Á. Bằng chứng có lần Thái Lan rút gần hết cầu thủ giỏi đủ tuổi chơi SEA Games để đá giải châu Á hoặc vòng loại World Cup. Hoặc một lần tính xa dồn lực cho sân chơi kiếm suất World Cup rồi thất bại và kéo theo hàng loạt thất bại khác ở “ao làng”.
Ngược lại thì VN làm theo cách khác, tức có lúc đưa cầu thủ vào diện “3 trong 1” - giải nào cũng đá miễn là nằm trong độ tuổi cho phép.
Mỗi quốc gia có một cách tính, một chiến lược riêng nên không thể nói cách tính của bóng đá VN là sai vì vắt kiệt sức cầu thủ. Cũng không thể lấy những thành tích vừa qua của bóng đá Thái Lan là do họ thụt lùi. Hoặc ở cấp độ CLB, Thái Lan cho cầu thủ nhà đi đá châu Âu, đá các giải vô địch châu Á rồi “nhập” cầu thủ Đông Nam Á ào ạt về chơi Thai-League là cầu thủ Thái giỏi hơn cầu thủ VN.
Đó là chiến lược, là bước đi của bóng đá Thái Lan gắn liền với thương hiệu của Thai-League và cách dùng bóng đá nuôi bóng đá lẫn sinh lời với bài toán kinh tế học từ Premier League. Nó khác hẳn với cách làm hiện nay ở nhiều CLB VN phần lớn nuôi đội bóng bằng khoản thu từ phần làm kinh tế ở lĩnh vực khác mà những ông bầu được ưu ái từ đất vàng hay từ dự án.
Nói bóng đá Thái Lan muốn học bóng đá VN chỉ là một cách nói của truyền thông Thái trước sự thăng tiến vượt bậc của bóng đá VN ở cấp độ các đội tuyển. Vấn đề là những nhà làm bóng đá nhìn nhận và hoạch định như thế nào ứng với hoàn cảnh và sự phù hợp lẫn đặc thù của mỗi quốc gia.
Hy vọng từ nhận định của truyền thông Thái, những nhà làm bóng đá VN và hơn hết là những ông bầu đang hết mình với những lò đào tạo sẽ không tự mãn hay buông lỏng việc đầu tư mà bóng đá VN có những thu hoạch tích cực trong thời gian qua.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang xúc tiến tìm thêm trợ lý cho HLV Park Hang Seo.